MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu trượt dốc thảm hại vì thừa nguồn cung, Goldman Sachs cảnh báo khủng hoảng thiếu trong những năm 2020

10-11-2018 - 19:13 PM | Tài chính quốc tế

Việc các công ty lớn không đầu tư đầy đủ vào năng lực sản xuất trong tương lai là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng thiếu này.

Những ông lớn ngành dầu mỏ toàn cầu đang ngày càng chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng carbon thấp của ngành năng lượng trong bối cảnh họ phải chịu những áp lực lớn với việc phát triển năng lượng sạch. Áp lực này tới cả từ chính sách của các quốc gia cũng như đòi hỏi của các nhà đầu tư.

"Trong những năm 2020, chúng ta sẽ thiếu dầu mỏ vì không công ty lớn nào đầu tư một cách đầy đủ vào sản xuất trong tương lai. Việc chuyển đổi sang các lĩnh vực có hàm lượng carbon thấp chỉ xảy ra khi giá dầu quá cao chứ không phải quá thấp", ông Michele Della Vigna, Trưởng phòng nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên EMEA tại Goldman Sachs, nhấn mạnh.

Theo ông Della Vigna, các ông lớn trong lĩnh vực dầu mỏ hiểu rằng họ phải chứng minh được sự nghiêm túc của mình trong việc giảm thiểu khí thải carbon mới mong được các nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền. Theo nhà phân tích của Goldman Sachs, các ông lớn dầu mỏ nhìn vào sự sụt giảm mạnh mẽ của các công ty khai thác than trong vòng 5 năm qua để hiểu được sự thay đổi trong thị hiếu của các nhà đầu tư.

Ông Della Vigna khẳng định rằng việc chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là điều chắc chắn phải diễn ra. Tuy nhiên, những công ty khổng lồ đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hóa thạch cũng sẽ là những nhà tài trợ lớn nhất cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững.

"Chúng tôi đang nói về 7 chị em mới nổi, những người thống trị thị trường dầu khí toàn cầu, bởi không ai khác ngoài họ có thể tài trợ cho các dự án lớn này. Bảy chị em mới nổi cũng chính là những công ty có ảnh hưởng lớn nhất từ các quốc gia bên ngoài OPEC", Della Vigna cho hay.

"7 chị em mới nổi" được xác định là Saudi Aramco của Ả rập Xê út, Gazprom của Nga, NIOC của Iran, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Petrobras của Brazil, PDVSA của Venezuela và Petronas của Malaysia. Trong những năm 1950, 7 chị em chính là những công ty sau này trở thành BP, Chevron, Shell, Exxon Mobil và Royal Dutch Shell.

Della Vigna cũng cho biết các công ty dầu mỏ châu Âu như Shell hay Total của Pháp cũng như các đối thủ Mỹ trong việc chuyển đổi từ "dầu lớn" sang "năng lượng lớn".

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ vừa trải qua ngày giao dịch sụt giảm thứ 10 liên tiếp, đánh dấu mức giảm sâu nhất trong vòng 34 năm qua. Trái ngược với việc lập đỉnh 4 năm hồi tháng 10, mọi thành quả của cả năm 2018 đã bị thổi bay khỏi thị trường dầu mỏ trong những phiên giao dịch đầu tháng 11. Nguồn cung dồi dào là lý do khiến dầu tiếp tục trượt giá.

Linh Anh

CNBC

Trở lên trên