Giá dầu và bầu cử Mỹ giữa kỳ
Việc nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng từ tháng 11, ngay trước bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, được ví như 'bất ngờ tháng 10' gây khó khăn cho kế hoạch giữ chắc lưỡng viện quốc hội của Đảng Dân chủ.
- 13-10-2022Thế giới sắp đón cơn bão giá dầu?
- 13-10-2022Tổng thống Joe Biden khó xử về chuyện liên quan giá dầu
- 11-10-2022OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá xăng dầu, lạm phát?
- 05-10-2022OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, giá dầu ngay lập tức tăng mạnh
Một người đàn ông Mỹ trong trang phục “chú Sam” tham gia cuộc mít tinh của phe Cộng hòa tại bang Arizona ngày 9-10 - Ảnh: Reuters
Thái độ căng thẳng của chính quyền ông Joe Biden với Saudi Arabia phản ánh phần nào những bất ngờ và thất vọng của Đảng Dân chủ trước động thái của OPEC+ (gồm nhóm OPEC do Riyadh dẫn dắt và các đối tác).
Bởi lẽ giảm sản lượng sẽ làm giảm nguồn cung, từ đó đẩy giá nhiên liệu và lạm phát lên cao tại Mỹ khiến Đảng Dân chủ mất điểm trong mắt cử tri ngay trước bầu cử.
"Bất ngờ tháng 10" lặp lại?
Thuật ngữ "bất ngờ tháng 10" xuất hiện tại Mỹ vào năm 1972, dùng để chỉ những sự kiện ngoài dự đoán tự phát hoặc được thực hiện có chủ đích nhằm tác động đến tâm lý cử tri, từ đó thay đổi kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.
Việc OPEC+ giảm sản lượng khiến các đảng viên Dân chủ - những người tự tin có thể trúng cử hoặc tái đắc cử - bị kích động, và Saudi Arabia trở thành nơi trút giận. Quả thật quyết định của OPEC+ rơi vào thời điểm không thể nhạy cảm hơn với các chính khách Mỹ.
Giá dầu thô và khí đốt hiện đã đảo chiều, tăng mạnh sau thông báo của OPEC+, góp phần làm hồi sinh hàng loạt quảng cáo chính trị của Đảng Cộng hòa mà trong đó mô tả phe Dân chủ là những người quản lý kinh tế yếu kém.
"Không nghi ngờ gì nữa, việc cắt giảm sản lượng dầu của nhóm OPEC do Saudi Arabia dẫn dắt là một nỗ lực chiến lược nhằm gây tổn hại cho người Mỹ và phá hoại công việc của chúng tôi nhằm giải quyết vấn đề chi phí các loại tăng vọt", hạ nghị sĩ Ro Khanna của Đảng Dân chủ chỉ trích hồi đầu tuần này.
Từ chuyện dầu mỏ, các nhà lập pháp Mỹ đã tìm cách trả đũa Riyadh khi lên án quốc gia này vi phạm nhân quyền, thậm chí có người còn yêu cầu rút quân đội khỏi Saudi Arabia - một động thái rõ ràng khiến Mỹ thiệt hại chiến lược về địa chính trị nhiều hơn.
Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Mỹ không có dấu hiệu lắng dịu khi ngày 14-10 Nhà Trắng cáo buộc Riyadh đã gây sức ép với các thành viên khác trong OPEC, buộc họ phải đồng ý với kế hoạch cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 11.
Phía Mỹ thậm chí còn gửi cho Saudi Arabia bảng phân tích chỉ ra việc cắt giảm sản lượng là không có cơ sở thị trường, sau khi Riyadh nói lý do cắt giảm thuần túy là vì kinh tế.
Thế khó của Mỹ
Trong khi chính quyền Biden và phe Dân chủ đang làm mọi cách để giữ được cả Hạ viện lẫn Thượng viện như sau bầu cử năm 2020, thực tế lịch sử gần đây cho thấy đảng của tổng thống thường để mất Hạ viện trong bầu cử giữa kỳ, ngoại trừ năm 2002 dưới thời tổng thống George W. Bush. Dù vậy, điều này không có nghĩa phe Dân chủ sẽ buông xuôi và chấp nhận lịch sử tái diễn.
Các quảng cáo chính trị của phe Dân chủ đã được tăng cường hơn trong mấy tuần qua. Với động thái của OPEC+ lần này, phe Dân chủ có thể đi tới một quyết định táo bạo khác: hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel. Theo giới quan sát, nếu điều này thành sự thật, đây có thể chỉ là chiến dịch đầu tiên của phe Dân chủ nhằm giữ chắc Hạ viện và kiềm chế giá nhiên liệu, lạm phát.
Việc giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược cũng có thể là một phương án nhưng nhiều khả năng sẽ không được thực hiện vì Tổng thống Biden đã tiến hành bước đi này hồi tháng 3.
Thực tế trong mấy tháng qua, ông Biden đã bắt đầu nhắc nhở các tập đoàn năng lượng Mỹ một cách ý nhị: hãy giảm bớt xuất khẩu, giữ lại xăng và diesel để hỗ trợ người Mỹ và giúp chính phủ tăng dự trữ. Nhưng theo Hãng tin Bloomberg, các tập đoàn vẫn chưa thay đổi quan điểm.
Nếu muốn "cứu" cuộc bầu cử giữa kỳ và giá xăng dầu bằng lệnh hạn chế xuất khẩu, chính quyền ông Biden sẽ phải tìm cách giải thích với các đồng minh châu Âu. Là một trong những nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, Mỹ đã đối diện với những kêu gọi từ các đồng minh châu Âu và trên toàn cầu giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng.
Chưa kể chính Washington đã thúc giục đồng minh trừng phạt Matxcơva bằng các lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm năng lượng của Nga.
"Chính quyền Biden đang hết sức thận trọng để trấn an các đồng minh châu Âu rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp năng lượng. Họ cũng đang rất cẩn thận để không khiến người dân hiểu lầm rằng tài nguyên năng lượng của Mỹ đang được chuyển sang các nước khác, cũng là để chứng minh rằng chính phủ đang thực sự bảo vệ người tiêu dùng Mỹ", ông Kevin Book, giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners LLC, nhận định với Bloomberg.
Bầu cử giữa kỳ vào ngày 8-11 sẽ bao gồm các cuộc bỏ phiếu cho 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện và ghế thống đốc tại 39 bang/vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên phần lớn đều chỉ tập trung vào cuộc đua ở Hạ viện, bởi toàn bộ 435 ghế tại đây sẽ phải bầu lại và Hạ viện là cửa ải đầu tiên mà mọi dự luật, chính sách phải vượt qua trước khi đến Thượng viện.
Tuổi trẻ