MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu vọt lên cao nhất 9 tháng do tồn trữ giảm

17-12-2020 - 18:18 PM | Thị trường

Giá dầu vọt lên cao nhất 9 tháng do tồn trữ giảm

Giá dầu thế giới chiều 17/12 đã tăng lên mức cao nhất 9 tháng sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm, trong khi đàm phán về gói kích thích tài chính của Mỹ có tiến triển tốt và nhu cầu dầu ở Châu Âu hồi phục mạnh mẽ.

Đồng USD phiên này giảm xuống mức thấp nhất 2,5 năm so với các đồng tiền đối tác chủ chốt càng hậu thuẫn cho giá dầu tăng, vì USD giảm làm cho các hàng hóa tính bằng USD trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng những tiền tệ khác.

Lúc chiều nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 72 US cent (1,4%) lên 51,8 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 71 US cent (1,5%) lên 48,53 USD/thùng. Cả hai loại đều đạt mức cao kỷ lục chưa từng có kể từ đầu tháng 3/2020.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA ở New York, cho biết: "Tất cả các yếu tố đều hậu thuẫn giá tăng", "Tồn trữ ở các kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến, ba trong số các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang hoạt động ở gần 100% công suất, cho thấy nhu cầu dầu thô vẫn mạnh và có vẻ như Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa hơn, khiến đồng USD giảm và hầu hết các hàng hóa đều bật tăng giá".

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến 11/12 giảm 3,1 triệu thùng, nhiều hơn dự báo của các nhà phân tích - là giảm 1,9 triệu thùng.

Yếu tố nữa đẩy giá dầu tăng là việc các nhà lập pháp Mỹ đang tiến dần tới thỏa thuận về gói kích thích chi tiêu trị giá 900 tỷ USD, khi ngày 16/12 các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng Hòa có thiện chí tích cực hơn nữa để đạt được tiếng nói chung.

Ngày 17/12, Mỹ cũng mở màn chiến dịch tiêm vắc xin, ban đầu là các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu. Tuần này, đại dịch Covid-19 đã làm chết hơn 2.500 người mỗi ngày.

Ông Moya cho biết: "Tuần giao dịch cuối cùng của năm rất khả quan đối với giá dầu thô khi các nhà giao dịch năng lượng tập trung nhiều hơn vào 'ánh sáng ở cuối đường hầm' (kỳ vọng vắc xen sẽ sớm làm kết thúc dịch Covid-19) và nhu cầu dầu ở châu Á vẫn mạnh mẽ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ về 'hiệu ứng vắc xin' đối với giá dầu, vì theo tính toán thì sẽ mất vài tháng để có tỷ lệ lớn người dân được tiêm chủng, nhất là những người tham gia hoạt động kinh tế.

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh (OPEC+) tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế thế giới. Theo đó, nhu cầu đối với dầu thô trong năm 2020 sẽ giảm 9,8 triệu thùng/ngày, cao hơn mức dự báo giảm 9,5 triệu thùng được đưa ra tháng trước. Trong năm 2021, nhu cầu có thể phục hồi khi tăng 6,2 triệu thùng, lên 96,3 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn giảm 300.000 thùng so với dự báo trước đó.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng hạ dự báo giá dầu Brent xuống 45 USD/thùng vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau. Giá dầu sẽ chỉ ổn định khi hoạt động kinh tế toàn cầu bình thường trở lại, nhưng hiện nay chưa thể xác định được thời điểm nền kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo.

Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã giáng đòn nặng nề cho các tập đoàn dầu khí toàn cầu, khiến biên lợi nhuận trong quý 3 của họ giảm về mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Đại dịch cũng đồng thời thúc đẩy nhanh hơn làn sóng đóng cửa nhà máy lọc dầu ở các nước từ Mỹ, Nhật Bản cho đến Australia.

IEA đã điều chỉnh giảm 50.000 thùng/ngày ước tính về nhu cầu dầu mỏ trong năm nay và giảm 170.000 thùng/ngày trong dự báo về nhu cầu dầu trong năm 2021 (so với dự báo trước đó), do tiêu thụ trong lĩnh vực hàng không suy yếu. Trong mức giảm sút đó, Châu Âu chiếm phần lớn, với nhu cầu của khu vực này trong quý IV/2020 dự báo sẽ thấp hơn so với quý III/2020 do các biện pháp phong tỏa / giãn cách xã hội.

IEA cho b iết: "Nhu cầu dầu mỏ sẽ thấp trong khoảng thời gian dài hơn dự kiến, trong khi thỏa thuận về kiềm chế nguồn cung của OPEC+ sẽ hết hạn vào tháng 4 tới, và sản lượng của Libya đang gia tăng". Đó là lý do khiến cơ quan giám sát năng lượng quốc tế có trụ sở ở Paris này cảnh báo: "Thị trường vẫn còn mong manh và cần được điều chỉnh cẩn thận".

IEA nhận định, các kho dự trữ dầu toàn cầu, vốn tăng do tiêu thụ giảm trong đại dịch, cuối cùng sẽ trở về mức thấp như trước khi khủng hoảng (cuối năm 2019) vào tháng 7 năm tới.

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên