Giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng, cổ phiếu Dầu khí ngược dòng thị trường bứt phá mạnh
Trong sáng 24/2, giá dầu Brent vượt mốc 100 USD/thùng đã giúp củng cố diễn biến cổ phiếu "họ dầu khí".
Trong sáng nay (24/2), bất chấp những biến động mạnh của thị trường, nhóm cổ phiếu Dầu khí vẫn nổi lên là điểm sáng trong bức tranh giao dịch với hàng loạt mã ngược dòng tăng như GAS, PVD, PVC, PVS, PVT, CNG, PGC…, trong đó có mã tăng kịch trần.
Cổ phiếu Dầu khí ngược dòng thị trường tăng mạnh trong sáng 24/2
Tính từ đầu năm tới nay, Dầu khí cũng là một trong những nhóm có giao dịch tích cực nhất thị trường. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá dầu Thế giới tăng "phi mã" trước lo ngại căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraine cũng như kỳ vọng về hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 kéo giá dầu tăng mạnh. Trong sáng 24/2, giá dầu Brent vượt mốc 100 USD/thùng đã giúp củng cố diễn biến cổ phiếu "họ dầu khí".
Giá dầu Brent vượt mốc 100 USD/thùng trong sáng 24/2
Trong báo cáo mới công bố, SSI Research cho biết các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo khá lạc quan về triển vọng của giá dầu năm 2022. Nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh sau khi các nên kinh tế mở cửa trở lại là động lực chính khiến giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là nguồn cung dầu khí trong những năm qua đã không tăng mạnh do chiến lược giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ kể từ tháng 4/2020. Goldman Sachs trong báo cáo hồi cuối tháng 1/2022 dự báo giá dầu sẽ có thể đạt 100 USD/thùng vào 2 quý cuối năm 2022, và mức trung bình cả năm 2022 có thể đạt 95,8 USD/thùng, và năm 2023 có thể đạt trung bình 105 USD/thùng (mức tăng đáng kể so với dự báo trước kia là 81 và 85 USD/thùng cho năm 2022 và 2023).
Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Do các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đã giảm trong những năm gần đây. Do đó, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.
SSI Research đánh giá, môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
Cũng theo SSI Research, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS (tăng/giảm doanh thu & biên lợi nhuận, và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao), cũng như PLX & OIL (tăng/giảm doanh thu & lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Trong khi đó, đối với các công ty dầu khí upstream (PVD & PVS), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng của công ty trong ngắn hạn do các công ty này dựa và các dự án, mang tính chất dài hạn hơn. Mặc dù vậy, SSI Research cho rằng ước tính mảng khoan của PVD hồi phục từ Q2/2021 và ghi nhận lợi nhuận từ 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Đối với điện khí, giá khí tăng có thể chuyển ngang 1 phần vào sản lượng hợp đồng PPA với tỷ lệ sản lượng hợp đồng năm 2022 là 80% theo kế hoạch của EVN/A0. Tuy nhiên giá khí cao sẽ làm các NM điện khí kém cạnh tranh hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần sản lượng chào bán trên thị trường điện cạnh tranh.
Dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ "nhạy" của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. SSI Research cho rằng giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn.