Gia đình bé 8 tuổi tử vong do dì ghẻ bạo hành: "Chúng tôi vẫn chưa thể yên lòng"
Công an TP.HCM hôm qua đã có kết luận vụ việc bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh bị bạo hành tử vong và đề nghị truy tố hai bị can.
- 19-04-2022Đề nghị truy tố cha ruột và dì ghẻ bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong
- 15-04-2022Vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành: Bác ruột nạn nhân chia sẻ thông tin mới nhất
- 16-02-2022Đã có kết luận nguyên nhân tử vong của bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành
Sau khi Công an TP.HCM kết luận vụ bé gái bị bạo hành tử vong ở Bình Thạnh, sáng 20/4, trao đổi với PV, anh Q.V (bác ruột nạn nhân) cho biết hiện gia đình vẫn đang chờ đợi để được đọc kết luận điều tra chính thức từ cơ quan chức năng.
"Thật sự khi Quỳnh Trang và Trung Thái chưa bị kết án, gia đình tôi chưa thể yên lòng được. Hiện tại, sức khỏe, tinh thần của mẹ cháu V.A đã tạm ổn. Em ấy còn phải lo cho đứa con còn lại nữa...", anh V. cho biết thêm.
Vụ án khiến dư luận bức xúc
Liên quan đến sự việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong tại TP.HCM, ngày 19/4, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 2 bị can.
Theo đó, bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ngụ Gia Lai) là "dì ghẻ" của cháu V.A (8 tuổi, nạn nhân) bị đề nghị truy tố về tội "giết người" và "hành hạ người khác" theo Điều 123, Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Bị can Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ Q.1, cha của bé N.T.V.A ) bị đề nghị truy tố về tội "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm" theo Điều 140, Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Kết luận điều tra thể hiện, trong quá trình chung sống, Trang nhiều lần đánh đập bé A. gây nên nhiều vết bầm trên người. Cụ thể, Trang dùng roi mây để "răn dạy" cháu A. và tiếp tục dùng gậy gỗ đánh đập khi roi mây gãy. Thái nhiều lần chứng kiến bé A. bị Trang dùng roi và cây đánh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng không can ngăn đồng thời Thái cũng chửi, đánh con.
Ngày 22/12/2021, cháu A. học bài online, quá trình dạy học, Trang nhiều lần đánh cháu vì làm bài sai. Đến trưa cùng ngày, cháu A. than mệt và vào phòng nghỉ, nôn ói. Thấy vậy Trang liên lạc cho Thái về nhà. Trở về nhà, Thái ôm cháu A. vào nhà tắm để cháu nôn ói và gọi cấp cứu khi phát hiện sức khỏe cháu có dấu hiệu chuyển biến xấu. Tuy nhiên cháu A. đã tử vong sau đó.
Trao đổi với PV, Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong vẫn còn khiến dư luận không khỏi xót xa. Mọi hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em là hành vi trái pháp luật, bất kỳ ai thực hiện hành vi đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Khung hình phạt cho các bị can
Theo đó, bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị đề nghị truy tố về tội "giết người" và "hành hạ người khác" theo Điều 123, Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Với tội danh giết người cùng nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, hình phạt mà đối tượng này sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Còn với tội danh hành hạ người khác đối với người dưới 16 tuổi, khung hình phạt mà Trang sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 01-03 năm. Tổng hợp hình phạt hai tội này, căn cứ vào khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự, hình phạt cao nhất có thể được áp dụng với Trang là tù chung thân hoặc tử hình.
Bị can Nguyễn Kim Trung Thái bị đề nghị truy tố về tội "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm" theo Điều 140, Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Mức phạt tù đối với tội hành hạ người dưới 16 tuổi có thể được áp dụng đối với bị can Thái là phạt tù từ 01-03 năm, còn đối với tội che giấu tội phạm, hình phạt được áp dụng là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Tổng hợp hình phạt của hai tội danh này, hình phạt cao nhất có thể được áp dụng với bị can Thái là phạt tù đến 08 năm.
Luật sư Tiền chia sẻ thêm, qua những vụ án thương tâm, đau xót vừa qua, không khó để chúng ta nhận ra rằng, rất nhiều bi kịch với trẻ nhỏ đến từ mối quan hệ của bố/mẹ đẻ sau khi hôn nhân tan vỡ.
Các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn khi sống cùng người yêu của bố mẹ hay dì ghẻ, bố dượng. Do đó, để giảm thiểu, ngăn chặn những vụ việc đau lòng như trên, chúng ta cần chú trọng nhiều hơn vào cảm xúc của trẻ chứ không phải xử lý sau khi có sự việc xảy ra.
Để làm được điều này không là trách nhiệm của mỗi gia đình mà cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em.
Pháp luật và Bạn đọc