Gia đình có nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, NSƯT ở Việt Nam
Dịp xét tặng danh hiệu lần thứ 10, nghệ sĩ Lê Mai có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu NSƯT, còn em trai của bà - NSƯT Lê Chức - được phong NSND. Đây là đại gia đình nghệ sĩ có nhiều danh hiệu hiếm có ở Việt Nam.
- 09-12-2023Nhóm máu ảnh hưởng thế nào đến tính cách và vận mệnh của người tuổi Thân trong năm 2024?
- 09-12-2023Ngôi trường "thần tiên" thuộc top 15 Hàn Quốc: Khuôn viên xinh như vườn thượng uyển, quá nhiều thứ để mê!
- 09-12-2023Ba mẹ chỉ cần thay đổi 4 điều, con cái sẽ rất biết ơn
Theo Quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11 và Quyết định 724/QĐ-CTN ký ngày 22/6, có 119 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10. Số lượng NSƯT cũng lên tới gần 200 người.
Dịp này đại gia đình nghệ sĩ Lê Mai đón hai tin vui. Nghệ sĩ Lê Mai có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu NSƯT, còn em trai của bà - NSƯT Lê Chức - được phong NSND . NSƯT Lê Chức chia sẻ với Tiền Phong rằng hồ sơ xét tặng của ông và chị gái đều được đồng nghiệp thế hệ sau và một số học trò thân quen động viên thực hiện và hỗ trợ chuẩn bị.
Những thành viên còn lại trong gia đình nghệ sĩ Lê Mai đều là NSND, NSƯT. Đây là đại gia đình nghệ sĩ có nhiều danh hiệu hiếm có ở Việt Nam.
Nghệ sĩ Lê Mai và ba cô con gái nổi tiếng
Nghệ sĩ Lê Mai sinh năm 1938 tại Hải Phòng. Bà xuất thân trong một gia đình có cả bố và mẹ đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu. Cha của bà là nhà thơ - nhà viết kịch Lê Đại Thanh. Mẹ của bà là diễn viên Đinh Thị Ngọc Anh - người đầu tiên đóng vai nữ anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu văn nghệ ở Hải Phòng.
Năm 1954 bà theo cha lên Hà Nội nhận công tác ở Đoàn kịch Trung ương do nhà văn, nhà viết kịch Học Phi làm trưởng đoàn. Sau thời gian hoạt động chủ yếu trong Đoàn kịch Trung ương, bà về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Nghệ sĩ Lê Mai từng tham gia các vở Chuyện những người du kích, Đồng mía, Đêm tháng bả y, Hà Nội đầu năm 46, Tiền tuyến gọi...
Bà còn xuất hiện trong những bộ phim truyền hình và phim truyện như Hoa đắng, Hoàng hôn dang dở, Nhà có nhiều cửa sổ, Bà nội không ăn pizza...
Ở tuổi 85, nghệ sĩ Lê Mai vui vầy bên con cháu. Những lúc rảnh rỗi bà vẫn gặp gỡ bạn bè để nói chuyện, hàn huyên. Nếu thấy khỏe, hàng ngày bà vẫn giúp đỡ các con việc nhà.
Nghệ sĩ Lê Mai kết hôn với NSND Trần Tiến - tên tuổi gạo cội trong làng sân khấu kịch Việt Nam - nhưng sớm chia tay từ năm 1970. Họ có ba người con gái đều thành danh trong nghệ thuật là NSND Lê Khanh , NSƯT Lê Vân và nghệ sĩ Lê Vi.
NSƯT Lê Vân là con cả, sinh năm 1958. Tuy xuất thân là nghệ sĩ múa song chị đạt được khá nhiều thành công ở lĩnh vực điện ảnh với những bộ phim kinh điển như Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đêm hội Long Trì...
NSND Lê Khanh có sự nghiệp rực rỡ hơn cả và duy trì hoạt động nghệ thuật ở tuổi xế chiều. Năm 2001 khi mới 38 tuổi, Lê Khanh được phong tặng danh hiệu NSND. Chị từng đảm nhận vị trí Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Chị vẫn đóng phim truyền hình, điện ảnh và gắn bó với các lớp đào tạo diễn viên trẻ. Tuổi thanh xuân của Lê Khanh gắn với cả chục vai diễn ấn tượng trên sân khấu, đặc biệt là những vai đóng chung với NSND Anh Tú.
Nghệ sĩ Lê Vi có phần kín tiếng hơn hai người chị, nhưng vẫn ghi dấu ấn với khán giả trong bộ phim Cây bạch đàn vô danh của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân năm 1996 - vai diễn mang về cho Lê Vi giải thưởng Bông Sen Vàng năm 1996.
Giọng đọc huyền thoại NSƯT Lê Chức
NSƯT Lê Chức - em trai nghệ sĩ Lê Mai - được phong NSND dịp này cũng có nhiều đóng góp với sân khấu. NSƯT Lê Chức sinh năm 1947. Ông tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu ở Liên Xô cũ, được mệnh danh “người có giọng đọc vàng” hay "giọng đọc huyền thoại" của ngành sân khấu, truyền hình.
Năm 1965 ông theo học diễn viên rồi nhanh chóng trở thành diễn viên chính của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Trong suốt 15 năm công tác tại đây, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vai diễn như Hoài “sữa” trong vở Chiều cuối của đạo diễn Dương Ngọc Đức, Víchto trong vở Masa , vai Êdốp trong vở Con cáo và chùm nho , vai Trung úy Nguyễn Thế Kỷ trong vở Cửa mở hé …
Ông giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
NSƯT Lê Chức miệt mài cống hiến cho nghệ thuật dù đã gần 80 tuổi. Tháng 4, ông dựng vở kinh điển thế giới Mê Đê cho Nhà hát Cải lương Việt Nam gây tiếng vang lớn.
Tiền Phong