MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia đình sản xuất lúa gạo lâu đời nhất Nhật Bản chọn 1 tỉnh ở Việt Nam để đưa lúa sang trồng, tiết lộ bất ngờ về kết quả thử nghiệm

25-06-2024 - 10:09 AM | Sống

Mặc dù khác biệt khá nhiều về thời tiết, thổ nhưỡng, nhưng bước đầu, cuộc thử nghiệm trồng lúa Nhật đã thu hoạch những thành phẩm đầu tiên.

Với mong muốn mở rộng điểm sản xuất lúa gạo của gia đình, ông Sosuke Hanyu, hậu duệ đời thứ 38 dòng họ sản xuất gạo lâu đời nhất Nhật Bản Hanyu đã chọn tỉnh Thái Bình để thử nghiệm trồng giống lúa đến từ đất nước mặt trời mọc. Cơ duyên đến từ cuộc gặp giữa ông Sosuke Hanyu và Chủ tịch Tecco Nguyễn Thế Mạnh.

Vốn là người Thái Bình, ông Nguyễn Thế Mạnh đã kết nối để Sosuke hợp tác với những nông dân Thái Bình. Cả hai đều có chung mong mỏi có thể mở rộng vùng trồng lúa ở Việt Nam, cũng như giúp cho người dân Thái Bình có cuộc sống sung túc hơn.

60ffc86a-d41f-4941-ac59-fde772d66f67.jpg

Ông Sosuke Hanyu

"Việt Nam là nước đầu tiên chúng tôi đưa cây lúa Nhật sang trồng, việc này bắt nguồn từ cuộc gặp của tôi với chủ tịch Nguyễn Thế Mạnh của tập đoàn Tecco, là người Thái Bình. Ông nói Thái Bình là vùng đất nổi tiếng về sản xuất lúa gạo và bày tỏ mong muốn sử dụng công nghệ Nhật Bản để góp phần giảm bớt khó khăn cho cuộc sống của người nông dân. Điều này đã tạo sự đồng cảm mạnh trong tôi.

Khác với Nhật Bản, ở Việt Nam có thể thu hoạch 2 đến 3 vụ lúa trong 1 năm. Kỹ thuật và trình độ thâm canh của người nông dân ở Việt Nam gần đây cũng được nâng cao, nên tôi nghĩ rằng có thể sản xuất được gạo chất lượng cao ở Việt Nam", ông Sosuke Hanyu cho biết.

Năm 2023, Sosuke Hanyu bắt đầu trồng thử nghiệm với 2ha lúa và đến năm nay, diện tích vùng trồng đã là 150ha. Hàng tháng, Hanyu đưa những kỹ sư tài năng của Đại học Nagoya và Đại học Tokyo sang trao đổi trực tiếp với người dân Thái Bình.

Hàng ngày, nếu có bất thường phát sinh, các kỹ sư Nhật Bản sẽ trao đổi qua Zalo với các nông dân, kịp thời đưa ra lời khuyên cho những vấn đề liên quan đến sâu bệnh, hay thời tiết. Sosuke Hanyu đánh giá cao sự phối hợp giữa kỹ sư Nhật và nông dân Việt, không có rào cản hay khó khăn.

Gia đình sản xuất lúa gạo lâu đời nhất Nhật Bản chọn 1 tỉnh ở Việt Nam để đưa lúa sang trồng, tiết lộ bất ngờ về kết quả thử nghiệm- Ảnh 2.

Theo Sosuke Hanyu, các giống lúa ông mang sang chưa thực sự phù hợp với thổ nhưỡng ở Việt Nam nên sản lượng thu hoạch chưa đủ lớn và chất lượng cũng chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần do chế độ bảo quản thóc, thường ở Việt Nam chỉ bảo quản ở nhiệt độ thường, nên thóc có thể bị ảnh hưởng chuột bọ trong khi ở Nhật Bản, thóc luôn được bảo quản ở kho lạnh, giúp thóc gạo giữ được độ tươi mới. Sosuke cho hay, với kinh nghiệm làm nông qua nhiều thế hệ, ông tự tin sắp tới sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Hanyu dự kiến thời gian tới sẽ trồng thử nghiệm thêm nhiều giống lúa khác của Nhật ở Việt Nam. Khi việc thử nghiệm trồng lúa ở Thái Bình cho kết quả tốt, có đủ dữ liệu để phân tích về sự thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, công ty T.H.A của ông sẽ có thể mở rộng vùng trồng ra các tỉnh khác.

Gia đình sản xuất lúa gạo lâu đời nhất Nhật Bản chọn 1 tỉnh ở Việt Nam để đưa lúa sang trồng, tiết lộ bất ngờ về kết quả thử nghiệm- Ảnh 3.

Đến năm 2025, công ty của gia đình Hanyu sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập. Hậu duệ đời thứ 38 dòng họ Hanyu bày tỏ tham vọng có thể trồng được loại gạo Nhật ở Việt Nam đủ chất lượng để sản xuất rượu sake. Nhật Bản có rất nhiều loại gạo khác nhau, và những tiêu chuẩn để sản xuất sake vô cùng nghiêm ngặt.

Hiện tại, Sosuke Hanyu đã đưa gạo thành phẩm được trồng từ Việt Nam về Nhật để thử sản xuất sake. Nếu thành công, ông cho biết bản thân sẽ là người Nhật đầu tiên có cơ hội sản xuất sake ở nước ngoài. Tuy nhiên, để xây dựng được nhà máy sản xuất ở Việt Nam, ngoài việc đảm bảo chất lượng lúa thì còn cần một dòng nước thật sự tinh khiết, không phải nước máy hay nước lọc thông thường. Sosuke Hanyu hy vọng trong tương lai gần sẽ tìm được nguồn nước phù hợp ở Việt Nam.


Kim Linh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên