Có nên vo gạo trước khi nấu cơm? Việc đơn giản nhưng hóa ra nhiều người vẫn làm sai
Gạo là một trong những loại thực phẩm thiết yếu, được mọi người sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên trong quá trình nấu, nhiều người phân vân không biết có nên vo gạo hay không.
- 10-05-20241 loại lá thơm bán nhiều ở chợ Việt: hạ đường huyết "nhạy như insulin", cực tốt cho tiêu hóa lại bổ não tăng trí nhớ
- 09-05-2024Việt Nam có 1 loại lá thơm mát, pha với nước thành "thuốc" hạ đường huyết tự nhiên, giàu vitamin A lại rất ít calo, cực tốt cho tiêu hóa
- 28-04-20241 loại lá vị tanh nồng là "thuốc hạ đường huyết" cực nhạy, mọc đầy ở bờ ruộng Việt nhưng là thần dược trường thọ của người Nhật
Có nên vo gạo trước khi nấu?
Là một bà nội trợ, chị Hà Phương (Hà Nội) chia sẻ hiện nay gạo được xay xát rất kỹ cho nên khi nấu cơm chị thường không vo gạo. Thay vào đó chị sẽ cho gạo vào nồi rồi đong lượng nước phù hợp và cắm lên nấu luôn. Theo chị Phương, cách nấu cơm này sẽ giữ lại được nhiều dưỡng chất nhất cho gạo.
Tuy nhiên khác với chị Hà Phương, chị Mai Hoa (ở Xuân Đỉnh, Hà Nội) lại có chia sẻ ngược lại. Khi nấu cơm chị Mai Hoa thường vo gạo ít nhất là 2 nước. Vì theo chị Hoa, vo gạo cũng là cách loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn có trong gạo trước khi nấu chín.
Về vấn đề nên hay không nên vo gạo trước khi nấu cơm, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho hay, tùy theo từng loại gạo mà các bà nội trợ có thể cân nhắc vo gạo hay không vo gạo. Có những loại gạo cần phải vo trước khi nấu nhưng cũng có loại gạo thì không cần. Ví như những loại gạo đã được sấy sau đó hút chân không khi đóng bao bì (được gọi là gạo sạch) thì chúng ta không cần thiết phải vo. Hay loại gạo lật nảy mầm (gạo được cho nảy mầm rồi sấy khô) hút chân không cũng chỉ cần nấu và không cần vo.
"Tuy nhiên, với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm của Việt Nam, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Cộng thêm việc không khí bị ô nhiễm nên có thể khiến gạo bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn thì mọi người nên vo gạo trước khi nấu.
Với cá nhân tôi, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, tôi vẫn khuyên mọi người nên vo gạo nhẹ nhàng để loại bỏ cám, bụi bẩn vì khi mua gạo ngoài chợ, mọi người không biết được quá trình xay máy, đóng gói, túi đựng gạo có đảm bảo hay không", phó giáo sư Lâm cho biết.
PGS.TS Lâm tư vấn nếu gạo đảm bảo kiểm soát được các yếu tố nguy cơ thì mọi người không nhất thiết phải vo trước khi nấu.
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cũng cho biết, các nhà khoa học cho rằng vẫn nên vo gạo trước khi nấu. Vì việc vo gạo có thể loại bỏ được các hạt vi nhựa bám trên bề mặt gạo trong quá trình vận chuyển đóng gói. Vo gạo cũng giúp loại bỏ các loại hạt cát, sỏi, cám, bụi, bẩn có trong gạo nếu có.
"Trong gạo có hàm lượng asen vô cơ rất nhỏ, vo gạo sẽ giúp giảm bớt chất này. Ngoài ra, việc vo gạo trước khi nấu cũng sẽ giúp cho hạt gạo khi nấu chin mềm và đỡ bị dính hơn", Bác sĩ Hoàng nói.
Sai lầm thường gặp khi vo gạo
Một sai lầm mà nhiều người thường gặp phải là vo gạo đến khi nước trong rồi mới đem đi nấu. Theo chuyên gia, chất xơ và các vitamin cũng như khoáng chất quý giá chủ yếu nằm ở bên ngoài hạt gạo chứ không phải bên trong. Do vậy, nếu vo gạo kỹ đến khi thấy nước trong mới mang đi nấu thì mọi người đã vô tình làm mất đi dinh dưỡng trong gạo.
Theo bác sĩ Hoàng, mọi người cần lưu ý khi vo gạo không nên vo quá lâu, vo gạo quá kỹ vì có thể khiến chất dinh dưỡng trong gạo mất đi. Ngoài ra, chuyên gia cho biết mọi người cũng cần phải rửa tay thật sạch trước khi vo gạo để gạo không bị nhiễm bẩn.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ thêm, để đảm bảo không làm hao hụt chất dinh dưỡng thì mọi người nên vo nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh. Thêm nữa, mọi người chỉ nên vo một nước sau đó mang gạo đi nấu.
Đời sống pháp luật