MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ 'chóng mặt' với chi tiêu trong bão giá xứ cờ hoa

25-06-2022 - 11:00 AM | Lifestyle

Lạm phát ở Mỹ đẩy mọi mặt hàng từ lương thực thực phẩm, năng lượng, dịch vụ... tăng giá chóng mặt.

Chị Huyền Bùi là người Hà Nội, lấy chồng người Mỹ gần 20 năm nhưng mới sang xứ cờ hoa sinh sống được 2 năm. Do đặc thù công việc, chồng chị Huyền thỉnh thoảng phải đi công tác nước ngoài nên mọi việc ở nhà đều do mình chị quán xuyến. Chị Huyền cũng tạm thời chưa đi làm, ở nhà chăm lo sinh hoạt, hỗ trợ chồng và hai con. Con gái lớn Betty sang năm sẽ vào lớp 11 tại một trường chuyên mỹ thuật ở Manhattan, New York. Con gái út Lucy sang năm sẽ vào lớp 7.

Chị Huyền chia sẻ hai vợ chồng chị không chắc chắn sẽ ở hẳn lại nước Mỹ mà khi đến thời điểm thích hợp sẽ có thể trở về Việt Nam. Từ khi sang Mỹ, cuộc sống của gia đình chị Huyền thay đổi khá nhiều, có thể nói là về mọi mặt, đặc biệt là trong bối cảnh “bão giá” như hiện tại.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ chóng mặt với chi tiêu trong bão giá xứ cờ hoa - Ảnh 1.

Gia đình chị Huyền chuyển từ Việt Nam sang Mỹ sinh sống cách đây 2 năm. Ảnh: NVCC

Chi phí lớn khi sống ở Mỹ

Trước đây ở Hà Nội, nhà luôn có người giúp việc nên hầu như chị không phải động đến việc nội trợ, chồng chị cũng không cần lo lắng những sửa chữa nhỏ trong nhà vì tất cả đã có thợ. Tuy nhiên từ khi sang Mỹ, mọi việc đều đến tay hai vợ chồng. Dù cảm thấy có chút vất vả hơn nhưng chị cũng không lấy làm bất tiện vì cho rằng đó là cách tốt nhất để rèn cho các con biết làm việc nhà để chuẩn bị cho giai đoạn sống tự lập trong thời gian tới.

Các con của chị Huyền cũng chịu sự thay đổi môi trường khá lớn. Trước kia, ở Hà Nội, hai bé học trường quốc tế với các khoản phí khá cao. Khi sang Mỹ, các con chị học trường công của quận với những ưu đãi đặc biệt về học phí, bữa ăn trưa và sáng cộng với phương tiện đi lại.

Về phúc lợi giáo dục, chị Huyền khá hài lòng với cuộc sống ở Mỹ. Tuy nhiên, về những chi phí khác, chị Huyền cảm thấy khá nặng. Có thể kể đến như tiền thuế, mà đặc biệt New York lại là một trong những bang có thuế cao nhất ở Mỹ, đặc biệt là thuế doanh thu, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới người mua hàng.

“Ví dụ mình đi shopping quần áo và hóa đơn dưới 110 USD hoặc rau, thịt cá thì sẽ không bị tính thuế vì chúng thuộc hạng mục miễn trừ thuế. Tuy nhiên, nếu là đi ăn uống nhà hàng hoặc mua đồ công nghệ thì tiền thuế thật sự rất cao. Mình mua một chiếc điện thoại iPhone ở NYC thì sẽ bị tính 8,875% thuế trên tổng giá trị trong khi vẫn là chiếc iPhone đó, ở Michigan thì chỉ bị tính 6% thuế doanh thu hoặc nếu mua tại bang Oregon thì sẽ không mất chút thuế nào. Tương tự, nếu đi ăn nhà hàng ở NYC thì ngoài việc phải trả 8,87% thuế doanh thu, còn phải trả thêm ít nhất 15% phí dịch vụ (tip), có nhà hàng gợi ý luôn dịch vụ 20% hay 25%", chị nói.

Ngoài ra, thuế thu nhập ở NY mới là một gánh nặng, một nỗi ám ảnh vô cùng lớn đối với người dân. Tuy nhiên, chị Huyền cho biết sẽ không đề cập vì mình hiện giờ không đi làm.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ chóng mặt với chi tiêu trong bão giá xứ cờ hoa - Ảnh 2.

Khi sang Mỹ, chị Huyền vốn đã phải chi tiêu nhiều hơn khi còn ở Việt Nam, do mức sống và chi phí đắt đỏ ở quốc gia này. Ảnh: NVCC


Về chi tiêu hàng ngày như lương thực thực phẩm, chị Huyền cũng có nhiều trải nghiệm mới so với hồi còn ở Việt Nam. Các sản phẩm như lợn gà bò thì khá rẻ, mỗi kg thịt gà làm sẵn rơi vào khoảng 2-5 USD. Giá sữa ở đây cũng gần tương đương với Việt Nam. Ngược lại, các loại rau củ ở Mỹ đều đắt hơn, như chuối tiêu 4-5 quả giá 2-3 USD trong khi với số tiền đó có thể mua được nhiều hơn rất nhiều ở Việt Nam. Đặc biệt, các loại cá đều đắt hơn nhiều, mỗi kg cá diêu hồng fillet có thể lên đến 750.000 đồng hoặc cá hồi hữu cơ cũng là 1 triệu đồng/kg.

Thời kỳ bão giá

Hiện nay, việc giá cả hàng hóa nói chung ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều leo thang đang là mối quan tâm của nhiều người. Bão giá ở Mỹ do lạm phát tăng cao nhất từ năm 1982 với 8,5%. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng tình hình trở nên nặng nề hơn nhiều từ sau Covid-19 và chiến sự ở Ukraine.

Theo lời chị Huyền, cũng giống ở Việt Nam, giá xăng dầu tại Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 1/2021 khi trước khi ông Biden nhậm chức tổng thống, giá xăng chỉ có 2,5 USD/gallon (4,5 lít) nhưng hiện nay đã tăng lên 5,5 USD/gallon. Giá cà phê rang xay tăng gấp đôi, năm ngoái là 5,99 USD/gói còn hiện nay là 11,99 USD/gói 300 gram. Giá 1 hộp bơ 250 gram năm ngoái là 5,5 USD thì hiện giờ là 7,5 USD. Giá cá thịt nói chung đều tăng 10-15%.

Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, dù giá cả có tăng thì người dân cũng vẫn phải chi tiêu. Chị Huyền cũng may mắn hơn nhiều người Việt ở Mỹ là có chồng là người bản địa và gia đình cũng chủ động về kinh tế. Tuy nhiên, chị cho biết thời điểm này nếu đi ăn ở nhà hàng sẽ là rất đắt đỏ.

“Mỗi đĩa salad có rau, trứng, thị bacon và quả bơ có giá khoảng 11-15 USD tương đương 300.000 đồng. Một suất cơm gà nướng khoảng 15-20 USD tương đương 400.000 đồng. Một suất cá hồi nướng ăn cùng cơm và rau rơi vào khoảng 20-25 USD tương đương 500.000 – 600.000 đồng. Mức giá này chưa bao gồm thuế doanh thu và dịch vụ và chỉ có ở các nhà hàng dành cho tầng lớp trung lưu. Nhà mình 4 người đi ăn thường hết 120-123 USD tương đương gần 3 triệu đồng cả tip”.

Một mặt hàng khác cũng có giá tăng như “tên lửa” tương tự như giá của một số mặt hàng khác trong bão giá là điện và gas. Chị Huyền cho hay tháng 2/2022 thì giá điện dân dụng là 3,95 cent/kwh và giá gas là 50,25 cent/BTU. Nhưng đến tháng 6 này thì giá điện tăng thành 12,27 cent/kwh và ga tăng thành 88,33 cent/BTU (BTU là đơn vị đo khí đốt tự nhiên). Như vậy tính riêng từ tháng 2 tới tháng 6/2022 mà giá điện tăng 300% và giá gas tăng 60%.

Hóa đơn tiền điện và gas của gia đình chị Huyền vào tháng 2/2022 là 94,30 USD nhưng hóa đơn tháng 6 là 138,76 USD, cụ thể là tiền điện 102,26 USD và tiền gas 36,5 USD sau khi đã cộng các loại phí thuế. Vào mùa hè, du cầu dùng điện tăng cao cũng sẽ có khả năng đẩy giá điện tăng mạnh.

Người Việt ở Mỹ bị ảnh hưởng thế nào?

Lạm phát ảnh hưởng tới người dân toàn nước Mỹ, và đặc biệt nặng nề hơn với những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp. Theo chị Huyền, những gia đình thuộc diện trung lưu và không dùng xe hơi như gia đình chị thì ít bị ảnh hưởng hơn.

Chi phí tiền chợ của gia đình chị Huyền tăng trung bình khoảng 20%, vì vậy chị cố gắng lựa chọn những mặt hàng có chất lượng tương đương nhưng với giá thành rẻ hơn để mua. Gia đình chị không có bất kỳ khoản nợ tín dụng nào ở ngân hàng nên không bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất ngân hàng liên tục trong mấy tháng gần đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, phần lớn người dân Mỹ sử dụng nợ tín dụng để mua nhà, mua xe hơi hay các vật dụng có giá trị. Khi lãi suất tăng như hiện nay và sẽ tăng tiếp, họ sẽ bị sức ép trả lãi suất, ảnh hưởng thu nhập nghiêm trọng, làm cuộc sống sẽ vô cùng chật vật khó khăn.

“Gia đình mình từ trước đến nay luôn chủ trương tiết kiệm tối đa, không mua sắm những vật dụng xa xỉ, không mua nhà, không mua xe hơi và nhất quyết không nợ ngân hàng. Chồng mình làm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính nên nắm khá rõ về kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới nói chung. Quan điểm của vợ chồng mình là cố gắng tiết kiệm, chỉ chi tiêu những hạng mục quan trọng như giáo dục và y tế. Ngoài ra những khoản khác chỉ sắm vừa đủ dùng”.

Ở Mỹ, chị Huyền có vài người bạn cũng thuộc tầng lớp trung lưu giống như chị. Họ cũng chia sẻ vào thời điểm bão giá đều phải căn cơ hơn trước, chỉ tiêu những khoản thật sự cần thiết, có người thậm chí còn bán ôtô để đi tàu điện ngầm hoặc chuyển nhà từ trung tâm ra xa hơn để tiết kiệm tiền thuê, dù phải mất nhiều thời gian đi lại hơn.

Lúc này, cuộc sống trong thời kỳ lạm phát ở New York đang có những thách thức lớn, nhất là với người thu nhập trung bình và thấp. Chồng chị Huyền phân tích, tình hình này có khả năng kéo dài 1-2 năm nữa, siêu lạm phát thực ra chỉ là triệu chứng của những vấn đề sâu xa bên trong 1 nền kinh tế và nó có thể sẽ dẫn tới sự suy thoái kinh tế trong thời gian không xa. Vì vậy, cách tốt nhất để duy trì cuộc sống trong thời điểm này là tiết kiệm chi tiêu, không vay nợ, tích trữ lương thực thực phẩm để có thể duy trì cuộc sống được từ 2 tuần đến 1 tháng, nếu có trang trại ở nông thôn, nên tự cung tự cấp là tốt nhất vì nguồn cung hiện nay rất mỏng và dễ bị đứt quãng trong giai đoạn này.

Còn với những người giàu thuộc giới thượng lưu, họ có nguồn tài chính tích trữ nên không bị ảnh hưởng. Họ không cần nhìn vào giá khi đi chợ, giá khi đi mua sắm đồ xa xỉ và vẫn chi tiêu những khoản họ muốn.

Theo Phương Kim

Người Đồng Hành

Trở lên trên