Giá dừa tăng cao khi nhiều vườn dừa chết rụi vì bị sâu đầu đen gây hại
Hiện nay dù trái dừa tươi và dừa khô ở tỉnh Bến Tre giá rất cao nhưng nhà vườn không đủ hàng để bán. Một trong những nguyên nhân chính là nhiều diện tích dừa bị giảm năng suất, thậm chí có biểu hiện chết rụi vì sâu đầu đen gây hại.
- 17-10-2024Giá dừa tươi giảm gần một nửa dù đơn hàng xuất khẩu dồn dập, vì sao?
- 31-07-2024Giá dừa khô nguyên liệu tăng gấp đôi
- 28-05-2024Giá dừa sáp Trà Vinh tăng cao trước mùa lễ hội
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua trái dừa tươi giá từ 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 quả); riêng dừa khô (loại 1) giá trên 150.000 đồng/chục quả. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Điều đáng nói là hiện nay, nhiều nhà vườn ở xứ dừa không có trái dừa để bán cho thương lái mà rơi vào tình trạng cây dừa “treo buồng”, thậm chí có nhiều vườn dừa xơ xác, có nguy cơ chết trắng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tổng diện tích vườn dừa nhiễm sâu đầu đen hiện tại là hơn 493 ha. Lũy kế diện tích nhiễm từ năm 2024 đến nay là 886 ha, diện tích phục hồi là 393 ha. Trong 493 ha vườn dừa nhiễm sâu đầu đen thì 295 ha nhiễm nhẹ, 144 ha nhiễm trung bình và gần 53 ha nhiễm nặng.
Để “cứu” vườn dừa đang bị sâu bệnh "tấn công", Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cùng các huyện tiếp tục phóng thích 4,7 triệu con ong ký sinh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các địa phương có vườn dừa bị nhiễm nặng tổ chức phát động ra quân đồng loạt phòng trừ sâu đầu đen trên địa bàn.
Ngành chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn các biện pháp phòng trị, không được chủ quan lơ là và cưa bỏ các cây dừa hết trái, bị nhiễm bệnh nặng để trồng lại… Thực tế cho thấy ở địa phương nào mà chính quyền và người dân tích cực phòng trị thì diện tích dừa bị bệnh được phục hồi mạnh.
Ông Bùi Thành Hiếu, Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre- địa phương có hơn 1.100 ha dừa, có ảnh hưởng đến đời sống 2/3 hộ dân cho biết: “Hạn mặn và con sầu đầu đen phá hoại nên cây dừa bị giảm năng suất. Địa phương đã tuyên truyền bằng các bản tin. Chi cục Trồng trọt, Chăn nuôi cũng hướng dẫn, tập huấn chuyển giao KHCN đối với các hộ trồng dừa để làm sao thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng trị các loại dịch bệnh. Tại địa bàn diện tích vườn dừa bị ảnh hưởng khá nhiều (khoảng 40 ha). Qua các đợt phát hiện đã tuyên truyền vận động người dân, người dân đã phun xịt”.
VOV