MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đường và cà phê rủ nhau tăng, cao su và gạo đi xuống

09-07-2017 - 07:27 AM | Thị trường

Giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam tuần qua biến động thất thường trên thị trường thế giới. Trong khi cao su và gạo quay đầu giảm thì đường cà cà phê lại đảo chiều tăng.

Cao su: Giá giảm, dự trữ tăng

Mặc dù tăng trong phiên cuối tuần lên 197,1 yen (1,73 USD)/kg nhưng giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) vẫn giảm 1,9% trong tuần qua. Giá cao su tại Thượng Hải thậm chí còn giảm mạnh hơn, mất 3,5% xuống 12.885 NDT (1.895 USD)/tấn.

Tuần trước đó (kết thúc vào 30/6), giá cao su TOCOM đã tăng mạnh hơn 6%.

Thị trường vừa trải qua những ngày liên tục biến động do nhiều yếu tố. Trong 2 phiên 4/7 và 6/7 đều giảm mạnh theo xu hướng giá dầu thế giới và giá cao su tại Thượng Hải. Việc đồng yen mạnh lên so với USD trong những phiên còn lại không đủ để kéo giá cao su tăng trong cả tuần.

Phiên cuối tuần 7/7, yen có lúc lên tới 113,835 JPY/USD, mức cao nhất kể từ ngày 12/5, khiến các hàng hóa giao dịch bằng yen Nhật trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền khác.

Dự trữ cao su thô tại các cảng Nhật Bản đã lên tới 6.348 tấn tới thời điểm 30/6, tăng 22,1% so với số liệu trước đó, lên mức 6.348 tấn, theo Hiệp hội Cao su Nhật Bản công bố ngày 7/7. Dự trữ tại các kho trên sàn Thượng Hải cũng tăng 2,7% trong tuần vừa qua. Sản lượng cao su Ấn Độ tháng 5/2017 cũng tăng 8,7% so với cùng tháng năm trước, lên 50.000 tấn.

Trong khi đó, ngày 3/7 các hãng sản xuất ô tô lớn thông báo doanh số bán ô tô mới ở Mỹ tháng 6 sụt giảm tháng thứ 4 liên tiếp và thấp hơn cả mức dự báo của thị trường, mặc dù người mua được hưởng thêm rất nhiều ưu đãi về giá. Thông tin này càng gây áp lực lên thị trường cao su.

Chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa thuộc Fujitomi Co. nhận định “Mặc dù các thị trường Tokyo và Thượng Hải gần đây có nhiều phiên hồi phục nhưng vẫn đang trong giai đoạn khó có thể tăng giá khi các nước sản xuất chủ chốt ở Đông Nam Á vào mùa sản lượng tăng, bắt đầu từ tháng 6”.

Cây cao su cho thu hoạch mủ quanh năm, nhưng sản lượng vào mùa đông khô hạn thấp do cây trút lá. Mùa đông ở Thái Lan – nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới – kéo dài từ tháng 2 đến khoảng tháng 5.

Tuy nhiên, thông tin về sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc đã ngăn đà giảm giá cao su. Hoạt động sản xuất ở các nhà máy Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 6 lên mức cao nhất trong vòng 3 năm cho thấy kinh tế nước này quý 2 tăng trưởng mạnh. Chi tiêu xây dựng của Mỹ cũng vững trong tháng 5. Tại Trung Quốc, hoạt động chế tạo tháng 6 đã tăng trưởng trở lại với tốc độ tăng nhanh nhất 3 tháng sau khi bất ngờ sụt giảm vào tháng 5 cho thấy dấu hiệu của sự hồi phục tăng trưởng kinh tế.

Đường: Giá tăng tuần thứ 2 liên tiếp nhưng chênh lệch giữa loại trắng và thô nới rộng

Vì chỉ có 1 phiên giảm giá duy nhất trong tuần qua nên giá đường tính chung cả tuần tăng, tuy nhiên trong khi đường trắng tăng mạnh 7,8% lên 413,40 USD/tấn thì đường thô chỉ tăng 3,4% lên 14,15 US cent/lb.

Đặc biệt, mức cộng đường trắng giao tháng 8 so với tháng 10 lên mức 28,80 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 6, cho thấy thị trường hiện vẫn đang trong thế giằng co nhưng triển vọng nguồn cung sẽ tăng từ những tháng cuối năm.

Quý 2 vừa qua, giá đường đã giảm trên 18%, nhiều nhất kể từ quý 1/2010 và là quý giảm thứ 3 liên tiếp.

Hãng tư vấn Brazil Datagro ngày 4/7 dự báo thế giới sẽ dư thừa 590.000 tấn đường trong niên vụ 2017/18, thấp hơn 640.000 tấn dự báo trước đây.

Cuộc đình công của công nhân ở Petrobras (Brazil) đã hỗ trợ giá nhiên liệu, trong đó có ethanol – ở Brazilsản xuất từ cây mía.

Mưa lũ ở Trung Quốc cũng hỗ trợ giá mặt hàng này. Mặc dù Trung tâm quản lý dự trữ đường quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ từng bước đảm bảo lượng đường dự trữ quốc gia ở mức an toàn trong mùa mưa, trong bối cảnh mưa lớn ở khu vực phía nam, nhưng tỉnh Quảng Tây là nơi trồng mía chính của Trung Quốc nằm trong vùng ngập lụt, sản lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, một số thông tin mới bất lợi cho giá đường. Thời tiết tại Brazil, Ấn Độ và Thái Lan đều tốt lên, hứa hẹn sẽ dư thừa cung trong vụ 2017/18. Và mới đây nhất, ngày 7/7, Ấn Độ – nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới – thông báo sẽ nâng thuế nhập khẩu đường lên 50% từ mức 40% hiện nay để hạn chế đường giá rẻ nhập khẩu vào nước này.

Cà phê: Giá arabica tăng trong khi robusta giảm, thị trường trầm lắng

Thị trường cà phê toàn cầu tuần qua trầm lắng. Tại New York, giá arabica tăng 2,5% lên 1,289 USD/lb tuần qua, trong khi tại London giá robusta giảm 1,7% xuống 2.111 USD/tấn xuống mức thấp nhất 1 tuần. ở châu Á, mức trừ lùi cà phê Việt Nam và Indonesia nới rộng ra 10-20 USD/tấn (Việt Nam) và 60 USD/tấn (Indonesia), gấp đôi mức trừ lùi cách đây 2 tuần.

Đây là những dấu hiệu hồi phục tích cực ở thị trường cà phê sau khi giá sụt giảm khoảng 10% trong quý 2.

Xuất khẩu cà phê gia tăng ở hầu hết các nơi trên toàn cầu. Xuất khẩu của Colombia tăng 3% trong tháng 6 lên 960.000 bao mặc dù sản lượng arabica sạch giảm 9% so với tháng 5 xuống 1,049 triệu bao; xuất khẩu của tỉnh Sumatra (Indonesia) tăng 10% so với cùng tháng năm ngoái lên 17.777,2 tấn; đặc biệt của Honduras tăng mạnh 71% lênm 972.969 bao. Tính chung trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu từ Honduras đã tăng trên 1/3 lên 5,9 triệu bao. Tuy nhiên, tại Costa Rica, xuất khẩu giảm 21,4% trong tháng 6 xuống chỉ 124.516 bao, và tính chung 6 tháng giảm 16%, còn của Việt Nam ước tính giảm 15,5% trong 6 tháng xuống 829.000 tấn.

Trong báo cáo công bố đầu tháng 7, Citigroup đã nâng dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2017/18 lên 151,6 triệu bao, và cho rằng nguồn cung robusta khan hiếm arabica sẽ giữ khoảng chênh lệch giữa 2 loại ở mức khá gần và khích lệ các nhà rang xay chuyển hướng sang sử dụng arabica thay vì robusta. Tổ chức này dự báo giá arabica trung bình năm 2017 sẽ ở mức 1,35 USD/lb từ mức 1,52 USD dự báo trước đây do triển vọng nguồn cung cải thiện.

Gạo: Giá quay đầu giảm đồng loạt

Sau thời gian tăng mạnh, giá gạo trên cả 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới đều sụt giảm bất chấp Philippines chào mua và Bangladesh vẫn đang tìm mua, do hầu hết các nhà nhập khẩu, nhất là châu Phi, tạm dừng giao dịch vì cho rằng giá quá cao và sắp giảm xuống khi vào vụ thu hoạch mới.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 10-20 USD/tấn xuống 420 – 430 USD/tấn (FOB Bangkok), của Việt Nam giảm 5 USD/tấn xuống 405-410 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn) trong khi của Ấn Độ giảm 2 USD/tấn xuống 419 – 422 USD/tấn.

Tuy nhiên, các yếu tố tác động tới thị trường gạo cho thấy triển vọng giá sẽ không giảm nhiều. Cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Philippines ngày 6/7 thông báo sẽ mở thầu quốc tế để mua 250.000 gạo trắng hạt dài loại 25% tấm, hàng giao trong khoảng tháng 8 đến tháng 9, trong bối cảnh lượng dự trữ của chính phủ xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm, chỉ tương đương 5 ngày sử dụng.

Bên cạnh đó, phái đoàn Bangladesh hiện đang ở Thái Lan để hoàn tất hợp đồng nhập khẩu gạo liên chính phủ. Bangladesh vẫn khẳng định sẽ đẩy mạnh nhập khẩu vì dự trữ gạo quốc gia sắp cạn kiệt và giá gạo nội địa lên kỷ lục sau đợt lũ lụt gần đây. Bangladesh cũng đang đàm phán với Ấn Độ về việc mua gạo của nước láng giềng này. Thậm chí nước này không thể mở thầu mua gạo vì sợ chậm trễ, phải lựa chọn loại hợp đồng liên chính phủ.

Mặt khác, mặc dù Việt Nam sắp thu hoạch lúa song lo ngại chất lượng và sản lượng vụ này sẽ không cao do yếu tố thời tiết. Mặt khác, luật lao động mới gây áp lực lên người nhập cư ở Thái Lan cũng có thể sẽ tác động bất lợi tới ngành lúa gạo nước này vì sẽ thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên