Giá Ether lần đầu vượt 4.000 USD
Trong khi Bitcoin giảm giá tổng cộng 2% trong tháng 4, Ether đã tăng giá hơn 40%.
- 05-05-2021Nhà đấu giá hàng đầu thế giới chấp nhận Bitcoin, Ether làm phương tiện thanh toán
- 05-05-2021Giá Ethereum có thể lên đến 10.000 USD vào cuối năm nay?
- 04-04-2021'Cá mập' Mark Cuban: 'Tôi nắm giữ rất nhiều Bitcoin và Ether, sẽ không bao giờ bán ra!'
Giá Ether lại vừa lập kỷ lục mới, lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 4.000 USD.
Trong 24 giờ qua, Ether - đồng tiền kỹ thuật số của mạng lưới blockchain Ethereum – đã tăng gần 7%, chạm mốc 4.141,99 USD cách đây không lâu theo số liệu của Coin Metrics. Hiện giá trị vốn hoá của Ether đạt 476,3 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với mức 1.100 tỷ USD của Bitcoin.
Từng bị Bitcoin "phủ bóng", gần đây Ether đột nhiên được chú ý vì nhà đầu tư tìm kiếm tài sản khác có thể đem lại lợi nhuận cao như Bitcoin đã từng. Trong khi Bitcoin giảm giá tổng cộng 2% trong tháng 4, Ether đã tăng giá hơn 40%. Tổng cộng giá trị vốn hoá của thị trường tiền số đã đạt 2.500 tỷ USD theo CoinMarketCap.
Các nhà đầu tư chính thống và một số doanh nghiệp như Tesla đã tăng mua vào Bitcoin trong những tháng đầu năm 2021, coi đây là công cụ tiềm năng để tránh lạm phát trong bối cảnh các NHTW trên toàn thế giới ồ ạt in tiền để giải cứu nền kinh tế bị thiệt hại nặng trước đại dịch. Các ngân hàng lớn ở phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng tung ra các dịch vụ liên quan đến Bitcoin
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn cảnh giác với thị trường tiền số. Michael Hartnett, chuyên gia của Bank of America Securities, nhận định cơn sốt Bitcoin là "mẹ của các loại bong bóng", trong khi chuyên gia Stephen Isaacs của Alivine Capital nói rằng "tài sản này không có chút nền tảng cơ bản nào".
Được thành lập năm 2013 bởi Vitalik Buterin và một nhóm các lập trình viên, mạng lưới Ethereum cho phép mọi người xây dựng các ứng dụng trên đó. Ether là đồng tiền số của mạng lưới này.
Ether giống Bitcoin ở chỗ đều là tiền kỹ thuật số, nhưng giữa chúng có nhiều điểm khác biệt. Trong khi Bitcoin được ví là nơi cất giữ giá trị giống như vàng, Ethereum hướng đến mục tiêu tạo ra mạng lưới internet phi tập trung không được kiểm soát bởi bất kỳ cơ quan trung ương nào.
Ethereum cũng là cơ sở cho "tài chính phi tập trung" (DeFi) – xu hướng ngày càng phổ biến trong giới tiền số với mục tiêu tái tạo lại các sản phẩm tài chính truyền thống trong không gian blockchain.
Ethereum còn được hưởng lợi từ sự nổi lên của NFT (hay các token không thể thay thế), những tài sản số được thiết kế để đại diện cho quyền sở hữu những vật phẩm ảo độc nhất vô nhi như các tác phẩm nghệ thuật độc bản và những bộ sưu tập. Nhiều NFT như CryptoKitties và CryptoPunks đều chạy trên nền tảng Ethereum.
Tuy nhiên, cơn sốt cũng đã khiến mạng lưới Ethereum tắc nghẽn. Hiện Ethereum đang trải qua 1 đợt nâng cấp lớn đầy tham vọng mà theo lý thuyết sẽ cho phép rút ngắn thời gian giao dịch và giảm thiểu nguồn điện cần thiết để xử lý các giao dịch. Cả Bitcoin và Ethereum đều đã bị các chuyên gia môi trường chỉ trích vì những tác động của hoạt động khai thác tiền số lên môi trường.
Tham khảo CNBC