Giá gạo Châu Á lao dốc sau khi USDA công bố dự báo lạc quan về sản lượng và xuất khẩu gạo thế giới
Giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm lúa gạo hàng đầu Châu Á tuần qua đồng loạt giảm mạnh. Đáng chú ý, giá gạo Thái Lan xuống mức thấp nhất 17 tháng, còn gạo Ấn Độ thấp nhất 7 tháng.
- 17-06-2021Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo ST24 của Việt Nam
- 14-06-2021Không còn thích hợp với cuộc đua giá rẻ, gạo Việt Nam bước vào “sân chơi” các thị trường cao cấp, khó tính
Thị trường gạo đã thực sự hạ nhiệt khi giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm lúa gạo của Châu Á nhất loạt giảm do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung dồi dào.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo đồ 5% tấm hiện chỉ còn 369 - 373 USD/tấn so với 374 - 379 USD/tấn cách đây một tuần. Mức giá hiện tại đang thấp nhất trong vòng 7 tháng. Lý do bởi nguồn cung ở Ấn Độ vốn đã dồi dào lại được bổ sung khi Chính phủ xuất kho gạo dự trữ để giúp đỡ những người dân nghèo chống lại đại dịch Covid-19.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm giá đáng kể. Theo đó, loại 5% tấm hiện ở mức 478- 482 USD/tấn, so với 483- 487 USD/tấn cách đây một tuần, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu hạ giá để cạnh tranh với gạo các nước khác. Như vậy, giá gạo xuất khẩu đã mất khoảng 3% trong tháng 6 này, kéo theo giá lúa trong nước cũng giảm mạnh, giảm khoảng 1.000 đến 2.000 đồng/kg.
Đặc biệt, giá gạo Thái Lan tuần qua giảm mạnh nhất, loại 5% tấm từ mức 440 - 486 USD/tấn xuống còn 420 - 430 USD/tấn chỉ trong vòng một tuần, là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2019 do nhu cầu yếu và đồng baht giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm so với USD. Tính chung cả tháng 6, giá gạo Thái Lan đã giảm khoảng 10%, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam trong việc cạnh tranh về giá.
Đại dịch Covid-19 đang lùi dần, cơn sốt giá gạo cũng qua đi. Dự báo nguồn cung trong thời gian tới sẽ dồi dào.
Trong báo cáo tháng 6/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo về sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021/22 thêm 1,2 triệu tấn so với dự báo trước, lên kỷ lục cao 506,6 triệu tấn (gạo quy xay xát), tăng 1,6 triệu tấn so với sản lượng của niên vụ trước, chủ yếu nhờ sản lượng của Ấn Độ và Brazil tăng.
Dự báo về tiêu thụ gạo trên toàn cầu niên vụ 2021/22 cũng được điều chỉnh tăng thêm 1,2 triệu tấn so với dự báo tháng 5, lên 514,5 triệu tấn, tương đương tăng hơn 8,0 triệu tấn so với tiêu thụ trong niên vụ trước.
Tồn trữ gạo toàn cầu cuối vụ 2021/22 dự báo sẽ ở mức 168,4 triệu tấn, cao hơn 0,4 triệu tấn so với dự báo tháng 5, nhưng giảm 7,9 triệu tấn so với tồn trữ trước đó một năm và là năm thứ 2 liên tiếp sụt giảm.
Về thương mại gạo thế giới trong năm 2021, dự báo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ tăng lên kỷ lục mới, 17 triệu tấn, gần gấp 3 mức xuất khẩu của nước xuất khẩu lớn thứ 2 là Việt Nam. Trong năm nay, xuất khẩu gạo của Ấn Độ riêng trong tháng 3 đạt gần 2,5 triệu tấn, đưa tổng lượng xuất khẩu trong quý I/2021 lên hơn 6 triệu tấn.
Dự báo của USDA
Sở dĩ xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng mạnh là do nhu cầu mạnh mẽ từ các nước láng tiềng và các nước Châu Phi Hạ Sahara, cũng như sự xuất hiện của các khách hàng mới như Trung Quốc và Việt Nam.
Bangladesh tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ. Thị trường này đã nhập khẩu gần 900.000 tấn gạo trong quý 1/2021, và dự báo tổng nhập khẩu sẽ đạt 1,5 triệu tấn trong năm nay. Quốc gia này đã phải hạ thuế nhập khẩu gạo để ngăn chặn lạm phát tăng mạnh.
Nhập khẩu của nước láng giềng Ấn Độ là Nepal cũng được cho là sẽ tăng do nhu cầu ngày càng tăng. Xuất khẩu của Ấn Độ đã mở rộng sang Senegal và một số nước châu Phi khác nhờ giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, Trung Quốc gần đây đã cấp cho Ấn Độ quyền tiếp cận đối với gạo non-basmati.
Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, đạt gần 300.000 tấn trong quý I/2021. Theo USDA, cũng trong quý này, Ấn Độ thậm chí còn xuất khẩu gần 250.000 tấn sang Việt Nam, nhà cung cấp gạo lớn thứ hai thế giới.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thúc đẩy bởi nguồn cung lớn sau những vụ mùa bội thu liên tiếp, giá cả cạnh tranh nhất thế giới và cơ sở hạ tầng xuất khẩu được cải thiện, mang lại khả năng vận chuyển gạo với số lượng lớn. Ấn Độ đã tăng năng lực xuất khẩu bằng cách sử dụng các cảng nước sâu, nơi các nhà xuất khẩu có thể tận dụng lợi thế của việc vận chuyển hàng loạt.
Trong khi đó, tại các nhà cung cấp lớn như Việt Nam và Thái Lan, nguồn cung giảm và nhu cầu trong nước tăng mạnh. Các quốc gia này cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu container trên toàn thế giới, gây ra sự chậm trễ và tăng chi phí.
Dữ liệu của Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng 5 đã giảm trở lại sau 2 tháng tăng liên tiếp. Theo đó, trong tháng 5/2021 cả nước xuất khẩu 626.750 tấn gạo, tương đương 339,05 triệu USD, giá trung bình 541 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 4/2021, với mức giảm tương ứng 19,9%, 20,1% và 0,3%; so với tháng 5/2020 cũng giảm 34,3% về lượng và giảm 31,2% về kim ngạch nhưng giá trị tăng 4,8%. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 cả nước xuất khẩu gần 2,6 triệu tấn gạo, tương đương 1,41 tỷ USD, giá trung bình 542,8 USD/tấn, giảm 16% về lượng, giảm 6% về kim ngạch, song giá vẫn tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Thương mại gạo thế giới trong năm 2022 dự báo sẽ đạt 46,9 triệu tấn (gạo quy xay xát), tăng 0,5 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 0,1 triệu tấn so với thương mại gạo của năm 2021. Trong đó, dự báo về xuất khẩu của Brazil và Ấn Độ năm 2022 được điều chỉnh tăng so với dự báo trước, nhưng của Campuchia điều chỉnh giảm. Đối với nhập khẩu, dự báo Trung Quốc và Nepal sẽ tăng nhập khẩu trong năm 2022. Dự báo trong năm 2022 Ấn Độ vẫn có nguồn cung gạo dồi dào, song xuất khẩu sẽ giảm nhẹ.
Xuất khẩu năm 2022 dự báo sẽ tăng ở các thị trường: Australia, Myanmar, Campuchia, EU, Paraguay, Thái Lan và Ururuay. Trong đó, xuất khẩu của Thái Lan dự kiến tăng mạnh nhất, tăng 0,7 triệu tấn lên 6,5 triệu. Ngược lại, xuất khẩu năm 2022 được dự báo sẽ giảm đối với Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 15,5 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu giảm đi từ nước láng giềng Bangladesh. Mặc dù giảm song mức xuất khẩu của năm 2022 vẫn cao gần kỷ lục, chỉ đứng sau mức kỷ lục 17 triệu tấn của năm liền trước, và tiếp tục duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, với khoảng cách rất xa so với nước đứng ở vị trí thứ 2.
Về nhập khẩu, trong năm 2022, Angola, Ethiopia, EU, Iran, Iraq, Triều Tiên, Kenya, Madagascar, Mozambique, Nepal, Nigeria, Qatar, Senegal và Mỹ sẽ chiếm phần lớn mức tăng nhập khẩu ở năm tới, bù lại cho việc nhập khẩu giảm ở Australia, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, với nhập khẩu của Bangladesh dự kiến giảm 1,0 triệu tấn xuống 0,5 triệu và của Trung Quốc giảm 0,4 triệu tấn lên 2,8 triệu tấn.
Tham khảo: USDA, Reuters