MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh

12-04-2022 - 09:40 AM | Thị trường

Giá gạo tăng cao nhưng doanh nghiệp xuất khẩu không được hưởng lợi nhiều.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong vòng 2 tuần qua, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng trong cả 3 đợt lên tới 17 USD/tấn. Giá gạo 100% tấm của Việt Nam đang được bán ra ở mức 355 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Pakistan khoảng 7 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 415 USD và 395 USD/tấn.

Xuất khẩu sôi động

Ngày 11-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho hay ngoài Philippines (thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam), nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường khác đều tăng trở lại, dự báo xuất khẩu gạo quý II/2022 tiếp tục sôi động. "Khách hàng châu Phi trước còn chần chừ do giá cước vận chuyển tăng nhưng nay họ không thể chờ được nữa, buộc phải mua vào dù mặt bằng giá gạo đang tăng. Trong quý I, các doanh nghiệp (DN) chủ yếu giao gạo cho Philippines theo hạn ngạch của năm ngoái, thị trường này chủ yếu nhập khẩu gạo trắng thường nên giá trị không cao" - ông Đôn nhìn nhận.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, Việt Nam đã xuất khẩu 1,475 triệu tấn gạo, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, thu về 715 triệu USD, tăng 10,5%. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, cho rằng chính sự bất ổn của thế giới thời gian qua khiến các nước đều có nhu cầu tích trữ lương thực, đẩy giá lên cao chứ không phải do hàng hóa bị thiếu hụt.

"Thị trường đều nhận định xu hướng giá đi lên nên có tâm lý chờ giá tốt mới bán ra trong khi các nước nhập khẩu lại muốn mua sớm. Mọi năm Philippines đến cuối tháng 5 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo nhưng nay các dấu hiệu cho thấy họ sẽ nhập khẩu ngay từ tháng 4 nên tình hình tiêu thụ gạo trong quý II sẽ có nhiều thuận lợi" - ông Nam nói.

Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh - Ảnh 1.

Vận chuyển lúa bằng ghe tại An Giang. Ảnh: NGỌC ÁNH

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng gạo Việt Nam chỉ "hưởng lợi một chút" từ việc mặt bằng giá gạo tăng vì so với chi phí đầu vào, giá gạo đầu ra không tăng tương ứng.

"Với DN xuất khẩu gạo, mang đặc trưng là mặt hàng nông sản có giá trị thấp, bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cước vận chuyển đường biển tăng quá cao trong thời gian qua. DN xuất khẩu không thể cộng tất cả giá cước vào giá bán mà phải đàm phán, chia sẻ với khách hàng để giữ thị trường. Chính vì vậy, hiệu quả kinh doanh của DN bị sụt giảm nhưng không có cách nào khác" - ông Bình bày tỏ.

Tổng giám đốc một DN tại TP HCM chuyên xuất khẩu gạo thơm sang thị trường Mỹ cho hay nhu cầu thị trường này khá tốt với giá xuất khẩu khoảng 1.000 USD/tấn. "Nhưng nghịch lý là DN phải tốn phí để xuất khẩu ủy thác từ 2-3 USD/tấn vì chưa có giấy phép xuất khẩu gạo. Giấy phép xuất khẩu gạo trong tình hình hiện nay là rất vô lý, cản trở DN khai thác thị trường cao cấp (sản lượng ít nhưng giá trị cao) nên cần phải loại bỏ" - tổng giám đốc công ty này đề nghị.

Giá thu mua lúa vẫn thấp

Dù giá gạo xuất khẩu tăng nhưng giá mà các DN, thương lái đưa ra để mua lúa của nông dân vẫn thấp. Ông Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho hay ông vừa thu hoạch 10 ha lúa hè thu với giống lúa Đài Thơm 8 nhưng giá bán chỉ 5.600 đồng/kg.

"Với giá này, khi bán hết lúa tôi chỉ huề vốn, còn ai thuê đất trồng xem như lỗ. Nguyên nhân do giá thu mua lúa thấp hơn giá vụ đông xuân (5.900 đồng/kg), cộng với phân bón tăng cao. Phân urê hơn 1 triệu đồng/bao, thêm giá xăng dầu tăng, lấy đâu có lời. Vụ hè thu này, chi phí sản xuất có thể tăng từ 300.000-500.000 đồng/công, thậm chí cao hơn nếu nông dân không sử dụng phân bón hiệu quả và tiết kiệm" - ông Lý nói.

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông mới đây tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định vụ lúa hè thu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.

Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc bộ và địa phương cần tiếp tục chỉ đạo sản xuất, điều hành một cách quyết liệt và linh hoạt để có các vụ mùa thắng lợi; các địa phương cần tập trung bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp với từng vùng và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

"Trong cơ cấu giống lúa cần ưu tiên các giống chủ lực như: nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài chiếm 60%; giống thơm đặc sản từ 15%-20%; giống lúa nếp không được vượt quá 10%. Song song đó cần đẩy mạnh nhân rộng và phổ biến các mô hình, quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá bán và hiệu quả sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp nhằm hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.

Ông Nguyễn Văn Đôn cho biết trong khi mặt bằng giá gạo tăng cao thì giá nếp lại giảm sâu do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. "Nông dân tại các vùng chuyên canh nếp trước đây như An Giang, Long An đã bỏ nếp khá nhiều vì đầu ra khó khăn. Giá nếp xuất khẩu từ hơn 500 USD/tấn nay còn 450 USD/tấn. Trong khi giá tấm, gạo chuyên xay bột (làm bún, bánh...) lại tăng do nông dân giảm trồng giống lúa phục vụ phân khúc này (lúa IR 50404) để chuyển sang gạo thơm" - ông Đôn phân tích.

Giám đốc một DN chuyên xuất khẩu nếp lý giải việc giá nếp xuống thấp là do bị tác động tiêu cực bởi chính sách "zero Covid" của Trung Quốc khiến thời gian vận chuyển, thông quan kéo dài, nếp dễ giảm chất lượng, khách hàng mượn cớ đó để yêu cầu hạ giá.

Theo Vương Ngọc - Ca Linh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên