Giá giấy nguyên liệu tăng
Hơn một tháng trở lại đây, giá giấy đã tăng rất mạnh, trung bình giá giấy nguyên liệu trong nước đã tăng 15-20%.
Giá giấy nội địa và nhập khẩu đều tăng
Thời gian qua, các thương nhân Trung Quốc ồ ạt tới Việt Nam để thu mua bao bì và giấy nguyên liệu. Họ đã đến các nhà máy sản xuất giấy bao bì đặt mua số lượng lớn, với giá mua cao hơn giá bán trong nước từ 1,5- 2 triệu đồng/tấn, dao động từ 11,5 – 13 triệu đồng/tấn (tùy loại), thậm chí còn ứng tiền trả trước.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, bởi nhiều năm gần đây Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất giấy và bột giấy, khiến nguồn cung giảm mạnh. Hơn nữa, từ tháng 5/2017 Trung Quốc cũng cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, trong đó có mặt hàng phế liệu không phân loại (một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra giấy cuộn carton), càng khiến thị trường nội địa gặp khó khăn từ nguyên liệu sản xuất đến thành phẩm là bao bì.
Số liệu thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 1/9 đến 15/9, cả nước đã nhập khẩu 74,2 nghìn tấn giấy các loại, trị giá 65,1 triệu USD, giảm cả lượng và trị giá so với kỳ 2 tháng 8 (từ 16/8 đến 31/8), giảm lần lượt 11,9% và 9,7%. Lũy kế từ đầu năm đến 15/9, lượng giấy đã nhập 1,38 triệu tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 6% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với cùng kỳ 2016, giá nhập bình quân tăng 4,7% lên 831,9 USD/tấn.
Việt Nam nhập khẩu giấy trong 8 tháng đầu năm 2017 chủ yếu từ Trung Quốc - chiếm 21,52% và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 14%, tuy lượng giấy nhập từ hai thị trường này giảm nhưng kim ngạch tăng trưởng bởi giá nhập bình quân tăng. Cụ thể, nhập từ thị trường Trung Quốc dẫn đầu về lượng đạt 282,7 nghìn tấn, trị giá 213,1 triệu USD giảm 8,01% về lượng nhưng tăng 7,61% về trị giá, giá tăng 16,9% lên 753,59 USD/tấn; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 184,6 nghìn tấn, trị giá 105,4 triệu USD, giảm 0,54% về lượng nhưng tăng 8,5% về kim ngạch, giá đạt 570,9 USD/tấn, tăng 9,08% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lượng giấy cũng được nhập nhiều từ các nước Đông Nam Á chiếm 31,68%, EU chiếm 2,46% và các nước khác (trừ EU – ASEAN) chiếm 65,85% tổng lượng giấy nhập khẩu. Đáng chú ý, nhập giấy từ thị trường Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay lại tăng mạnh đột biến, tuy chỉ đạt 19,6 nghìn tấn, trị giá 15,8 triệu USD, nhưng tăng gấp hơn 2,69 lần về lượng và 2,18 lần về trị giá, giá nhập bình quân 807 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó
Đối với Việt Nam, Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy, chỉ chiếm 5,1% tổng kim ngạch, đạt 22,2 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ 2016 thì mức độ xuất sang thị trường này lại tăng mạnh đột biến, tăng gấp hơn 8,8 lần. Trong khi đó Mỹ là thị trường chủ lực dẫn đầu về kim ngạch 65,6 triệu USD chiếm 15,2% nhưng so với 8 tháng 2016 giảm 4,6%, số liệu thống kê TCHQ Việt Nam.
Việc các thương nhân Trung Quốc tăng thu mua giấy nguyên liệu và những chính sách mới của Trung Quốc như: kể từ ngày 1/1/2018 Trung Quốc ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu giấy phế liệu không được phân loại; quy định tạp chất lẫn trong giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không quá 0,3% (hiện tại 1,5%) – tức là giấy phế liệu phải sạch hoàn toàn và cuối năm 2019 Trung Quốc sẽ dần dần ngưng nhập khẩu những chất thải rắn có thể thay thế bằng các sản phẩm và các nguồn trong nước. Tất cả những điều này đã và sẽ tác động tới thị trường Việt Nam.
Trước mắt, thị trường bỗng dưng trở nên khan hiếm giấy làm bao bì, khiến các nhà máy giấy chạy hết công suất vẫn không có giấy để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng nội địa và nước ngoài, tình trạng này đã giúp cho nhiều nhà máy hồi sinh, các nhà máy có điều kiện tích lũy để đầu tư nâng cấp, mở rộng và một số nhà máy đã có kế hoạch khẩn trương đầu tư để tận dụng cơ hội. Về lâu dài, tình trạng giá nguyên liệu giấy cuộn carton tăng ở mức cao sẽ khiến các nhà sản xuất bao bì giấy trong nước thiếu nguyên liệu do một lượng lớn giấy được bán cho khách hàng nước ngoài và quá trình đào thải các dây chuyền sản xuất lạc hậu, công suất nhỏ, gây ô nhiễm sẽ diễn ra nhanh hơn.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã kịp thời thông báo tới các hội viên, doanh nghiệp và đề nghị các doanh nghiệp sản xuất giấy làm bao bì nghiêm túc thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng về khối lượng và giá cả, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần trao đổi và thảo luận với khách hàng cách ứng phó với tình hình mới, trên cơ sở tuân thủ quy luật thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất giấy làm bao bì xem xét giảm giá 2-5% so với giá bán cho các khách hàng nước ngoài, các đơn hàng mới của các khách hàng nội địa truyền thống trong một thời hạn nhất định. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nhất là nước thải đáp ứng quy chuẩn hiện hành và nên đầu tư sản xuất giấy làm bao bì công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên với công nghệ hiện đại.