Giá hàng hóa sẽ tăng theo lương nhưng không đột biến
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc tăng lương sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng lên, nhưng không tăng một cách đột biến.
- 26-06-2023Tăng lương cơ sở từ 1/7: Tăng lương có theo kịp tăng giá?
- 20-06-2023Tăng lương cơ sở thì mức lương hưu thấp nhất sẽ tăng bao nhiêu?
- 09-06-2023Tránh hiệu ứng tăng lương, tăng giá
Những con số đáng chú ý 6 tháng đầu năm
GDP 6 tháng tăng trưởng 3,72% nhờ kết quả tăng trưởng GDP quý II đã khởi sắc hơn quý I, nhưng vẫn còn không ít thách thức.
Nếu xét 3 khu vực kinh tế chính, thì ngành nông, lâm, thủy sản vẫn đảm bảo hoàn thành vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, duy trì mức tăng 3,07% so với cùng kỳ, đặc biệt khi thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng dù đã khởi sắc khi quý II không còn tăng trưởng âm như quý I, nhưng vẫn là chưa đủ khi tính chung 6 tháng chỉ tăng hơn 1%. Do đó kết quả tăng trưởng quý II vẫn khả quan hơn nhờ khu vực dịch vụ tăng tới 6,33%.
6 tháng đầu năm, ngành nông, lâm, thủy sản vẫn đảm bảo hoàn thành vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Áp lực không nhỏ từ thị trường thế giới khiến ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, đặc biệt là xuất nhập khẩu ảnh hưởng đáng kể. Xuất khẩu giảm 12,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu còn giảm nhiều hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh lực cầu nội địa, tín hiệu tích cực còn tới từ khu vực đầu tư. Trước tiên là đầu tư nước ngoài, khi có tới 1.293 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư ngoại và triển vọng phục hồi mạnh hơn những quý tiếp theo.
Cùng với đó, đầu tư công ước đạt 33% kế hoạch vốn cả năm, đạt 232.000 tỷ đồng, tăng tới 22% so với cùng kỳ.
Tựu chung lại, dù chịu những áp lực không nhỏ từ bối cảnh thắt chặt tiền tệ toàn cầu, nhu cầu đơn hàng thế giới giảm mạnh, nhưng những ngành có thể tự chủ như nông nghiệp, dịch vụ vẫn đang là trụ đỡ bền vững. Giữ vững được nguồn cung năng lượng dù có thời điểm khó khăn, trong khi lạm phát vẫn được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh có nhiều áp lực tăng giá các dịch vụ.
TP Hồ Chí Minh còn dư địa cải thiện tốc độ tăng trưởng vào nửa cuối năm
Lĩnh vực dịch vụ vẫn đang là lực kéo chủ lực, nhờ lực cầu nội địa. Nhìn cụ thể hơn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Câu chuyện tại TP Hồ Chí Minh là một điển hình.
Lượng khách du lịch tăng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế trong 6 tháng qua đã giúp doanh thu của công ty du lịch Vietravel phục hồi đến 90% so với 6 tháng năm 2019.
Đơn vị cho biết sẽ tận dụng các chính sách hỗ trợ mới từ nới lỏng điều kiện visa, giảm 2 điểm % thuế giá trị gia tăng để đẩy mạnh khai thác các mùa du lịch cao điểm sắp tới.
"Đã có sự đa dạng, dòng khách đến với mình đến từ rất nhiều nước trên thế giới. Sau dịch, độ phủ của thị trường, việc tìm kiếm điểm đến du lịch Việt Nam cũng đã có chuyển biến tích cực. Với việc Quốc hội thông qua chính sách nới lỏng visa, chúng tôi gần như đã hoàn thành kế hoạch của mình trong năm 2023", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết.
Du lịch là điểm sáng của kinh tế thành phố trong nửa đầu năm khi tổng doanh thu tăng đến hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021. Lượt khách quốc tế tăng nhiều gấp 4 lần. Đưa khu vực dịch vụ thành bệ đỡ cho tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nửa đầu năm tăng hơn 7% so với cùng kỳ.
Nửa cuối năm có nhiều điều kiện thuận lợi để kích cầu tiêu dùng, các sở ngành đang tập trung nhiều giải pháp.
"Trước đây, mình chỉ tổ chức mỗi năm 2 lần khuyến mãi tập trung. Mỗi lần kéo dài 1 tháng. Bây giờ Sở Công Thương tham mưu tổ chức 3 tháng liền để kích cầu", ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nói.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cũng tăng mạnh trong quý II. Ước tính đến hết tháng 6, giá trị giải ngân đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 23%, kỳ vọng trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng vào nửa cuối năm, đặc biệt khi thành phố Hồ Chí Minh được trao một số cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 Quốc hội vừa thông qua.
"Nghị quyết 98 có 44 cơ chế chính sách, liên quan đến từ đầu tư công cho đến đầu tư tư nhân cũng như tạo cơ chế, bộ máy, vấn đề sắp xếp về nhân sự, cơ chế tiền lương như thế nào để làm sao bộ máy của thành phố hoạt động thực sự hiệu quả", bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù còn nhiều dư địa cho tăng trưởng, nhưng bên cạnh đó cũng không rào cản khi thị trường thế giới còn khó khăn, làm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, thương mại hàng hóa của TP Hồ Chí Minh. Do đó, mục tiêu tăng trưởng cả năm 7,5 - 8% vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Với tốc độ phục hồi hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước 6,5%, mức tăng trưởng nửa cuối năm cần phải lên tới 9%.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ kinh tế và doanh nghiệp cũng sẽ bắt đầu phát huy hiệu lực, đơn cử như giảm thuế VAT 2% từ đầu tháng tới. Việc hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 cũng đang dần kích thích nhu cầu vốn của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để đưa lượng vốn mồi ra nền kinh tế.
Chia sẻ với VTVMoney, Lãnh đạo Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến tỷ lệ giải ngân cả năm sẽ đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao, so với mức khoảng 30% hiện nay. Đây sẽ là động lực lớn cho nền kinh tế trong những tháng tới.
Sẽ không xảy ra tình trạng giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao
Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Áp lực lạm phát cũng chính là lo ngại được đặt ra trong cuộc họp của Tổng cục Thống kê sáng 29/6. Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thẳng thắn chỉ ra những thách thức, tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng có những yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát.
"So với các quốc gia, Việt Nam vẫn là nước nằm trong nhóm nước có mức lạm phát thấp khi CPI tháng 6 năm nay tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%. Về nguồn cung của hàng hóa, hiện nay chúng ta đảm bảo rất tốt các nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu cho đời sống của người dân. Do đó, chúng tôi đánh giá việc chúng ta tăng lương sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng lên, nhưng sẽ không có sự tăng lên một cách đột biến. Đồng thời trong thời gian vừa qua, nhìn nhận sự chỉ đạo, điều hành giá của Chính phủ, chúng tôi tin rằng sẽ không xảy ra tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho hay.
Những tháng cuối năm sẽ còn đối diện thách thức, đặc biệt từ bối cảnh nhu cầu kinh tế thế giới phục hồi chậm, xung đột địa chính trị, hay chính sách tiền tệ quốc tế vẫn có thể thắt chặt, cùng chính sách khó lường từ các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê vẫn đặt ra 4 kịch bản tăng trưởng GDP khả quan cho cả năm, với mức thấp nhất là 5% và cao nhất đạt 6,5%, phần nào cho thấy mức tăng trưởng ít nhất là 6% trong những tháng còn lại của năm.
VTV