Giá hạt robusta cao nhất 4 năm và dịch bệnh diễn biến khiến các nhà rang xay lớn nhất thế giới phải lo lắng
Các nhà rang xay cà phê hàng đầu thế giới đã bị giáng một đòn mạnh khi Việt Nam, quốc gia trồng cà phê lớn thứ hai thế giới đang bị ảnh hưởng nặng do đại dịch dấy lên những lo ngại về nguồn cung xuất khẩu.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu, loại hạt có vị đắng được sử dụng cho cà phê hoà tan cũng như một số loại cà phê espresso. Sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm COVID-19 và tình trạng thiếu vaccine khiến Chính phủ Việt Nam buộc phải thiết lập biện pháp hạn chế tại các khu vực sản xuất.
Carlos Mera, nhà phân tích của Rabobank cho biết: "Có những lo ngại về việc bạn không thể vận chuyển cà phê ra khỏi đất nước".
Hợp đồng tương lai cà phê robusta đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm, 2.043 USD/tấn, tăng gần 50% kể từ đầu năm. Trước đó, giá hạt arabica đã đạt mức cao 7 năm khi thời tiết xấu ảnh hưởng nặng đến mùa vụ tại Brazil.
Trong khi nhiều nhà rang xay có các thoả thuận bảo hiểm rủi ro để tránh biến động giá cà phê, giới phân tích bắt đầu hạ dự báo lợi nhuận của một số công ty.
JM Smucker, công ty thực phẩm của Mỹ đứng sau các nhãn cà phê Folger và Dunkin, đã báo cáo lợi nhuận hàng quý từ hoạt động kinh doanh cà phê sụt giảm 17% so với cùng kỳ. Công ty cũng cắt giảm lợi nhuận dự báo cho cả năm khoảng 5%, xuống mức từ 8,25 – 8,65 USD/cp. Một phần nguyên nhân do "thời tiết khắc nghiệt".
Một số công ty như Starbucks có hợp đồng bảo hiểm rủi ro dài hạn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi giá cà phê tăng cao trên thị trường quốc tế. Hồi cuối tháng 7, Starbucks cho biết đã chốt mức giá cà phê cho năm kinh doanh kết thúc vào tháng 9/2021 cũng như năm tài chính tiếp theo.
JM Smucker đã tăng giá bán để cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Tchibo, nhà rang xay và bán lẻ hàng đầu của Đức, UCC Coffee của Nhật Bản cũng có động thái tương tự.
JDE Peet’s, nhà rang xay số hai sau Nestlé và là chủ sở hữu của các thương hiệu cà phê gồm Douw Egberts và Stumptown cho biết đã có các phương thức bảo hiểm rủi ro khá tốt và đang đàm phán với các nhà bán lẻ về giá cả.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giá hạt tăng mạnh sẽ ăn vào biên lợi nhuận của tập đoàn niêm yết tại Amsterdam.
Các chuyên gia cà phê hiện đang tập trung vào Brazil. Mùa mưa dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 9, điều này sẽ rất quan trọng với những cây cà phê sống sót qua hạn hán và sương giá trong cả năm qua.