MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá heo hơi ba miền cùng giảm mạnh

11-06-2020 - 16:39 PM | Thị trường

Mấy ngày qua giá heo hơi ba miền Bắc - Trung - Nam cùng giảm. Riêng miền Nam, đặc biệt tại tỉnh Đồng Nai có mức giảm mạnh hơn.

Nguyên do, các trại chăn nuôi lớn tại Đồng Nai đẩy mạnh bán ra, góp phần kéo giá heo hơi trên địa bàn hòa chung xu thế giảm của cả nước.

Nhiều địa phương đã xuống quanh 90.000 đồng/kg

Ngày 10/6/2020, giá heo hơi tại miền Bắc tiếp tục giảm mạnh. Theo đó, tại Phú Thọ giá đã xuống mức 90.000 đồng/kg; tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang cũng chỉ dao động quanh mức 92.000 đồng/kg; Bắc Giang đạt 94.000 đồng/kg; trong khi giá heo hơi tại Ninh Bình, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam đạt 97.000 đồng/kg.

Riêng tại Thái Bình, giá heo hơi ngày 10/6 ở 98.000 đồng/kg, thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Tại miền Trung và Tây Nguyên giá heo hơi xuống mức 90.000 đồng/kg. Cụ thể: Quảng Nam đã giảm còn 91.000 đồng, cùng mức giá có Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi. Mức giá cao nhất hiện nay tại miền Trung là 96.000 đồng/kg, được thu mua tại Khánh Hòa. Trong khi đó, giá tại Lâm Đồng là 95.000 đồng/kg cao nhất khu vực Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk có mức giá  thấp nhất 87.000 đồng/kg.

Nhìn chung, giá heo hơi khu vực miền Trung và Tây Nguyên ổn định trong khoảng từ 87.000 - 96.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại miền Nam, khảo sát các địa phương giá heo hơi ghi nhận giảm từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, nhiều nơi xuống còn 90.000 đồng/kg. Giá tại Trà Vinh là 90.000 đồng/kg; trong khi ở Hậu Giang, Tiền Giang đạt 92.000 đồng/kg. Giá tại Bình Dương, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh dao động trong khoảng 92.000 - 93.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, sáng ngày 9/6, giá heo hơi ở Đồng Nai dao động từ 90.000 – 92.000 đồng/kg, nhưng đến chiều thương lái báo giá còn tiếp tục xuống, và giao dịch ở mức 89.000 đến 90.000 đồng/kg. Khi giá heo hơi trên thị trường đang xuống các chủ trại chăn nuôi mang “tâm trạng” sợ xuống nữa nên muốn bán ra, vì vậy, giá heo hơi trên thị trường còn tiếp tục sụt giảm.

Khó kéo giá xuống mức 70.000 đồng/kg

“Hôm qua và hôm nay, quan sát ngoài đường phố tôi thấy xe của các trại chăn nuôi lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Japfa, Công ty CJ... chở heo của họ dập dìu ngoài đường. Thấy vậy, các trại chăn nuôi nhỏ cũng ăn theo đẩy mạnh bán ra.

Khi các “đại gia” đẩy mạnh bán ra thì giá heo hơi trên thị trường sẽ nhanh chóng giảm sâu, giúp cho người tiêu dùng bớt khó khăn. Nguyên nhân khiến giá heo hơi xuống nhanh là do Chính phủ cho nhập khẩu heo ngoại vào và mấy ngày nay mưa nhiều tiêu thụ hơi chậm, nhưng chủ yếu là do giá thịt cao”, ông Đoán nói.

Mặc dù giá heo hơi trên thị trường đã giảm nhưng giá bán lẻ ngoài chợ vẫn còn cao, theo ông Đoán, mức độ giảm giá ở chợ bán lẻ so với giá bán sỉ ở chợ đầu mối luôn có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, một khi giá heo ở các chợ đầu mối giảm mạnh rồi thì giá bán lẻ ở các sạp cũng phải giảm theo.

Theo phân tích của chuyên gia, để kéo giảm giá thịt heo, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng đàn, tái đàn để đảm bảo nguồn cung; tăng nhập khẩu thịt heo không để thiếu nguồn cung trong mọi trường hợp; kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường...

Hiện nay ngoài việc nhập khẩu thịt đông, Việt Nam cũng nhập khẩu thêm heo hơi từ nước ngoài vào nên giá heo hơi trên thị trường sụt giảm mạnh, nhưng để kéo xuống mức 70.000 đồng/kg như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ là rất khó, vì tần suất và lượng heo nhập khẩu sẽ không được liên tục, sẽ khó đảm bảo cung, cầu của thị trường.

Do vậy, quan trọng nhất vẫn là nguồn cung nội địa. Nếu nguồn cung trong nước dồi dào giá heo hơi mới thật sự xuống bền vững, còn việc nhập khẩu heo từ nước ngoài vào chỉ là giải pháp tạm thời.

Đồng quan điểm trên, ông Đoán cho rằng, để giải quyết bài toán cung - cầu thịt heo trên thị trường và để giá heo hơi xuống theo yêu cầu của Chính phủ, bên cạnh việc nhập khẩu thịt heo đông lạnh, thời gian gần đây Việt Nam cũng đã nhập khẩu heo hơi, nhưng do thói quen của người Việt Nam là thích dùng thịt tươi, và vì không phân biệt được thịt heo nhập khẩu hay heo nội địa, nên heo hơi nhập khẩu đã nhanh chóng kéo được giá heo hơi trong nước xuống. Muốn đưa thịt heo về khung giá hợp lý vấn đề quan trọng nhất là tái đàn, song việc tái đàn heo ở các địa phương đang gặp khó khăn.

“Nhập khẩu heo hơi và thịt heo đông lạnh giải quyết nhu cầu nội địa chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguồn cung trong nước. Với tình hình heo giống khan hiếm và giá cao như hiện nay thì việc tái đàn vẫn còn khá chậm chạp”, ông Đoán nhìn nhận.

 Tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước và là nơi tập trung hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi như: C.P, Cargill, CJ, Massan, Hòa Phát... Sau khi thành lập nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, các tập đoàn bắt tay vào đầu tư các trang trại chăn nuôi heo, gà quy mô lớn ngay trên địa bàn tỉnh theo hình thức gia công, thuê chuồng trại để nuôi.

Theo Quang Trí

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên