MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá heo hơi giảm sâu, người chăn nuôi Đà Nẵng gặp khó

09-05-2023 - 20:33 PM | Thị trường

Hiện nay, giá heo hơi giảm mạnh, heo đến kỳ xuất chuồng ít có người hỏi mua. Trong khi đó, giá thức ăn gia súc lại tăng cao khiến người chăn nuôi ở thành phố Đà Nẵng gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, giá heo hơi được mua tại các trang trại chăn nuôi ở huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng liên tục giảm mạnh. Trước đây, giá heo hơi ở mức từ 75.000 - 85.000 đồng/kg nay giảm xuống còn 40.000 – 50.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Ông Lê Thanh Phúc, ở thôn Gò Hà, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, số lượng heo thịt ở trại chăn nuôi của gia đình ông gần 100 con. Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên ông Phúc gặp nhiều khó khăn.

Giá heo hơi giảm sâu, người chăn nuôi Đà Nẵng gặp khó - Ảnh 1.

Giá heo hơi giảm còn 40.000 - 50.000 đồng đồng/kg.

Theo ông Phúc, heo nuôi chừng 4 tháng, nặng khoảng 70 kg/con phải xuất bán khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí mua heo giống và tiền cám thức ăn, các khoản tiền điện, nước mất gần 3,5 triệu đồng… Do vậy, gần như người chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ.

“Giá cả thức ăn bột tăng cao, năm nay dân nuôi không có lời nhưng cố gắng cầm cự, tận dụng thức ăn thừa chở về cho heo ăn, cố gắng duy trì đàn heo. Trước đây, một năm bình quân nếu giá ổn định thu lãi 150 triệu đồng nhưng hiện nay nuôi không có lời. Mong muốn giá cả thức ăn bột thấp xuống để người nông dân nuôi có lãi. Thức ăn tăng cao, ví dụ 1 bao bột thức ăn là 350.000 đồng giờ tăng lên 470.000 đồng”, ông Lê Thanh Phúc nói.

Bà Nguyễn Thị Danh, ở xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, gia đình bà hiện nuôi 50 con heo đến kỳ xuất chuồng, giá xuống thấp, người hỏi mua thì ít. Theo tính toán của bà Danh, với giá heo hơi thấp như hiện nay, bình quân mỗi con 60kg-70kg, người chăn nuôi lỗ từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Bà Danh cũng như các hộ nuôi heo giảm thức ăn công nghiệp, chuyển sang tận dụng thức ăn dư thừa, rau xanh các loại sẵn có tại vườn.

“Mấy năm nuôi có lời nhưng năm nay, tiền thức ăn tăng cao, con giống phải đi mua cho nên nuôi lỗ. Heo con mua đã gần 1 triệu đồng. Dân ở đây chủ yếu là chăn nuôi mà nay giá quá thấp, chi phí lại cao nên không có lời, nên nuôi ít lại, thương lái tới ép giá không mua”, bà Danh than thở.

Giá heo hơi giảm sâu, người chăn nuôi Đà Nẵng gặp khó - Ảnh 2.

Giá heo hơi giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người nuôi thua lỗ.

Tại huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng có 11 trang trại chăn nuôi heo sử dụng 100% thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, có hàng ngàn hộ dân chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương khyến khích người chăn nuôi tiếp tục tái đàn, tăng đàn theo hướng an toàn sinh học và hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm.

“Nguyên liệu đầu vào trong quá trình chăn nuôi lợn vừa qua tăng cao. Tuy nhiên, sản phẩm thịt hơi của heo giảm từ 40.000 đồng/kg, có thời điểm 50.000/ kg thịt hơi. Chi phí thấp như vậy không đủ doanh thu cho bà con trang trải và tái đàn. Từ sản phẩm của nông nghiệp họ tận dụng để giảm bớt chi phí mua nguyên liệu. Chúng tôi kết nối các tiểu thương cũng như các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn để cung ứng cho các lò mổ trên địa bàn và các tiểu thương của các tỉnh lân cận. Tiếp tục hướng dẫn bà con tái đàn”, ông Nguyễn Kế Hiệp cho biết.

Giá heo hơi giảm sâu, người chăn nuôi Đà Nẵng gặp khó - Ảnh 3.

Giá heo hơi giảm mạnh, người chăn nuôi ở huyện Hoà Vang gặp khó khăn.

Theo bà Trần Thị Lành, Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Nông nghiệp thành phố Đà Nẵng, giá heo hơi giảm, phần nào cũng ảnh hưởng đến quy mô và việc mở rộng đàn của người dân. Trước những khó khăn này, Chi cục tham mưu với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND thành phố Đà Nẵng có những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất.

“Hiện nay, các mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng, chính vì vậy, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận thu được sau khi chăn nuôi giảm, người chăn nuôi không mặn mà đối với việc tăng đàn. Chính vì vậy, Chi cục Nông nghiệp khuyến cao người chăn nuôi là chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kết nối giữa người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn giúp họ yên tâm hơn”, bà Trần Thị Lành thông tin.

Theo Tuyết Lê

VOV

Trở lên trên