MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá heo hơi thấp thảm hại khi nông dân phải cạnh tranh với doanh nghiệp

21-10-2021 - 15:17 PM | Thị trường

Trên thế giới, hiếm nước nào dám cho doanh nghiệp FDI vừa kinh doanh thức ăn gia súc, con giống, thịt heo, thịt chế biến vừa chăn nuôi heo, cạnh tranh trực tiếp với nông dân.

Hiện nay, giá heo hơi ở Đông Nam bộ đã rơi xuống dưới 40.000 đồng/kg, chưa bằng 1/2 mức giá thời điểm giữa năm 2020. Với giá này, người chăn nuôi lỗ từ 1 - 2 triệu đồng/con heo xuất chuồng. Liệu giá heo có tiếp tục rơi tự do trong thời gian tới? Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong lúc này?

Heo quá lứa ùn ứ giá rẻ khó bán

Trại heo của anh Chiến ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương thường xuyên có 120 con heo nái, 1.000 con heo thịt, mỗi tháng cần xuất chuồng 200 con heo thịt. Mấy tháng nay, giá heo hơi xuống rất thấp nhưng anh vẫn không bán được, lượng heo quá lứa ùn ứ hàng trăm con trong trại. Anh đang rất lo lắng vì số heo không xuất chuồng được thì càng nuôi càng lỗ nặng. Thêm vào đó, heo lớn quá lứa nhiều khiến mật độ nuôi dày đặc, nguy cơ dịch bệnh lớn hơn. Anh Chiến phải tìm cách vay tiền bên ngoài để xây thêm chuồng trại giãn heo ra.

“Lúc trước mỗi lần mình bán được 30-50 con heo thịt, giờ thương lái mua rất ít nên khó bán, mỗi lần họ chỉ mua 5-10 con. Giá bán heo giờ rất rẻ, chỉ từ 35.000 – 36.000 đồng/kg heo hơi khiến người nuôi lỗ đến 1,5 triệu/con. Heo nuôi giờ dồn ứ nhưng các hộ nuôi không giải phóng được, heo nhiều quá không biết nhốt ở đâu và tình hình kéo dài như hiện nay người nuôi sẽ “chết” hẳn mà không có cơ hội tái đàn”, anh Chiến cho biết.

Hiện nay, heo nuôi quá lứa không chỉ ùn ứ trong chuồng của nông dân mà tồn trong chuồng trại của cả các công ty lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm cách bán tháo heo quá lứa với giá dưới 40.000 đồng/kg. Cụ thể như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại Đồng Nai đang bán heo quá lứa chỉ từ 36.000 – 38.000 đồng/kg và còn khuyến mãi tặng thêm heo.

Theo nhiều người chăn nuôi, giá heo lao dốc không chỉ do ảnh hưởng dịch bệnh sức mua yếu, mà còn do thời gian qua khi giá heo tăng cao thì nhiều doanh nghiệp lớn tăng đàn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp FDI tăng đàn nhiều như Công ty CJ, Công ty Japfa, Công ty Newhope…Trong đó, riêng Công ty CJ tăng tổng đàn gấp nhiều lần và hiện công ty này có khoảng 130.000 con heo nái, 1 triệu con heo thịt. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng chuyển sang chăn nuôi heo như Công ty Hòa Phát, Công ty Greenfeed, Công ty Thaco Agri, Công ty Hoàng Anh Gia Lai…

Nên tính chuyện xuất khẩu heo sang các nước lân cận

Trong khi người chăn nuôi đang rất khó tiêu thụ heo thì các cơ quan chức năng tiếp tục cho nhập thịt heo. 8 tháng qua, nước ta nhập khẩu 257.000 tấn thịt heo, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều người chăn nuôi đặt câu hỏi: Lúc trước khi giá heo hơi ở mức cao hơn 90.000 đồng/kg thì nhà nước nhập thịt heo, heo sống để bình ổn giá, kéo giá heo xuống, nhưng giờ giá heo ở mức rất thấp, dưới giá thành, tại sao nhà nước cũng tiếp tục nhập thịt? Bộ, ngành chức năng sao không tìm cách xuất khẩu heo, thịt heo sang các nước lân cận, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi?

Hiện nay, ở Trung Quốc giá heo hơi hơn 48.000 đồng/kg; Camphuchia giá từ 75.000 – 80.000 đồng/kg, Thái Lan 52.000 đồng/kg. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chuộng thịt heo mỡ, phù hợp với việc xuất khẩu heo quá lứa trọng lượng lớn 110 kg/con trở lên.

Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi Tám Do, ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai kiến nghị, hiện giá heo đã xuống tới đáy, nhà nước cho nhập heo về là làm khó cho người chăn nuôi. “Tại sao giá lên cao nhà nước cho nhập heo về để bình ổn, nay giá giảm xuống giá còn 65.000 – 70.000/kg là dưới giá thành nhà nước nên tìm cách xuất khẩu heo, thịt heo cho nông dân, hạn chế nhập khẩu thịt heo. Nếu cứ để tình trạng này thêm 6 tháng nữa sẽ không còn người nông dân nào chăn nuôi heo”, ông Hậu than.

Cấp hạn ngạch cho chăn nuôi tránh “khủng hoảng” thiếu- thừa

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giải pháp lâu dài cho chăn nuôi heo là cần có hạn ngạch. Một bất cập lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là không quy định tổng đàn heo cho các doanh nghiệp chăn nuôi nên các doanh nghiệp có thể tự ý tăng đàn. Điều này dẫn đến ngành chức năng và địa phương khó kiểm soát tổng đàn, dễ xảy ra “khủng hoảng” thiếu và thừa.

Trên thế giới, hiếm nước nào dám cho doanh nghiệp FDI vừa kinh doanh thức ăn gia súc, con giống, thịt heo, thịt chế biến vừa chăn nuôi heo, cạnh tranh trực tiếp với nông dân. Trong khi ở Việt Nam, doanh nghiệp FDI thoải mái phát triển đàn heo, không phải xin hạn ngạch.

Trước bất cập này, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu thịt, cấp hạn ngạch cho chăn nuôi heo, mỗi doanh nghiệp được chăn nuôi bao nhiêu, cân đối thị trường cung và cầu. “Các nước chăn nuôi tiên tiến họ có quy định rất cụ thể và rõ ràng, doanh nghiệp nào, đơn vị nào được nuôi bao nhiêu thì chỉ được nuôi bấy nhiêu, không cấp phép nữa nếu thị trường đã đủ”, ông Đoán nêu rõ.

Thực tế, rất khó dự đoán những tháng cuối năm giá heo có tiếp tục rơi tự do nữa hay không. Vì điều này đang phụ thuộc vào sức mua sau dịch bệnh trong trạng thái "bình thường mới", sự phục hồi hoạt động các chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp… Nếu các yếu tố này thuận lợi thì những tháng cuối năm giá heo khựng lại hoặc tăng nhẹ. Còn nếu ngược lại thì giá heo sẽ ở mức thấp kéo dài sang năm sau. Khi đó, nhiều người chăn nuôi sẽ không trụ được với nghề, ngành chăn nuôi heo có lẽ chỉ còn là “sân chơi” của những “ông lớn”./.

Theo Lệ Hằng

VOV

Trở lên trên