Giá heo "nóng" nhưng khó sốt
Giá heo hơi sắp tới rất khó đoán nhưng nguồn cung thì không thiếu.
- 13-07-2022Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố số liệu mới gây ngạc nhiên về xuất khẩu thịt bò, thịt lợn toàn cầu
- 11-07-2022Thịt lợn tăng giá: Thị trường Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam?
- 09-07-2022Giá thịt lợn tăng liên tiếp
Ngày 17-7, giá heo hơi của các công ty chăn nuôi đã chạm mốc 69.000 đồng/kg, tăng 11.000 đồng/kg so với ngày 1-7; còn heo hơi các trang trại, hộ chăn nuôi dao động trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg, tăng 12.000 - 13.000 đồng/kg so với đầu tháng. Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, xu hướng giá heo hơi sắp tới rất khó đoán nhưng nguồn cung thì không lo thiếu vì hiện có nhiều công ty lớn tham gia chăn nuôi, tổng đàn đang tăng chứ không còn nhỏ lẻ như trước. "Các trang trại, hộ dân bên ngoài đang có tâm lý giữ đàn chờ giá tăng tiếp trong khi thị trường tiêu thụ trong nước chưa mạnh. Các yếu tố khiến giá heo hơi tăng gần đây là do giá cám tăng mạnh khiến giá thành tăng, thịt heo nhập khẩu giảm và giá heo hơi Trung Quốc ở mức cao (80.000 - 85.000 đồng/kg)" - ông Huy lý giải.
Còn theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lượng heo đưa về tiêu thụ tại TP HCM (chợ đầu mối Hóc Môn) ngày 17-7 là gần 5.000 con, giá heo mảnh (thịt heo sau giết mổ, bỏ đầu lòng) ở mức từ 74.000 - 87.000 đồng/kg. Điều này cho thấy sức mua thị trường TP HCM mặt hàng thịt heo vẫn chưa trở lại "đỉnh" như trước khi có dịch Covid-19 và dịch tả heo châu Phi.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định thị trường thịt heo khó lên cơn sốt như 2 năm trước
Một chuyên gia phân tích thị trường nhận định giá heo hơi Việt Nam khó tăng nóng như trước đây vì nguyên nhân tăng giá gần đây chủ yếu do lực hút từ bên ngoài. "Chênh lệch giá heo hơi Việt Nam và Trung Quốc ngày càng rút ngắn nên không hấp dẫn thương lái gom heo ra Bắc như trước. Còn tại miền Nam, lực hút thị trường Campuchia cũng giảm do nhu cầu nước này đang thấp vì thời tiết nắng nóng, trong khi mặt bằng giá cũng tương đương Việt Nam. Không loại trừ giá heo hơi sẽ hạ nhiệt trong những ngày tới" - chuyên gia này nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào trưa 17-7, dù là ngày cuối tuần nhưng hầu hết các sạp thịt tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và các chợ lẻ khác ở TP HCM vẫn còn nhiều, tiểu thương phải giảm giá so với buổi sáng để đẩy hàng. Tương tự, quầy thịt heo tươi sống trong cửa hàng San Hà (đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) cũng còn khá nhiều thịt, trong đó có những phần thường hết sớm như: ba rọi rút sườn, sườn non, thăn,… Giá thịt heo bán lẻ tại đây vừa điều chỉnh tăng nhẹ vào 11-7 do giá heo mảnh tăng nhưng không nhiều. Cụ thể, ba rọi 126.000 đồng/kg, cốt lết 95.000 đồng/kg, thịt vai 84.000 đồng/kg…
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng đàn heo 6 tháng đầu năm của cả nước đạt 24,24 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. "Dự kiến quý III, sản lượng thịt heo đạt 1,13 triệu tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thịt heo vẫn chiếm hơn 64% trong cơ cấu sản lượng gia súc, gia cầm của Việt Nam, tiếp sau là thịt gia cầm 28%, thịt trâu bò gần 8%" - Cục Chăn nuôi thông tin.
Trước đó, công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Strategy3 Vietnam đưa ra nhận định người Việt đang giảm ăn thịt heo, từ 32 kg/người/năm trước đây xuống còn 24 kg/người/năm cho giai đoạn 2018-2022. Trong thời gian trên có thực tế khách quan là nguồn cung thịt heo giảm do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi nên người tiêu dùng buộc phải chọn nguồn đạm khác thay thế như: thịt bò, thịt gà hay hải sản. Một nguyên nhân khác được dân trong ngành đánh giá là do cách ăn uống của người Việt, đặc biệt là giới trẻ cũng đi theo xu hướng thế giới (với tỉ lệ 2 thịt gà 1 thịt heo) nên không quá bất thường. Hơn nữa, giới trẻ ngày nay có xu hướng ăn uống ngoài gia đình nhiều hơn và hàng quán thường chọn loại thịt có giá rẻ (gà) để chế biến cũng làm tỉ lệ tiêu thụ thịt gà tăng. Điều này càng củng cố thêm nhận định về việc thị trường heo khó xảy ra đợt sốt giá như giai đoạn 2019-2020.
Trứng vịt "ăn theo" Trung thu
Liên quan đến giá cả tiêu dùng, giá trứng vịt bán lẻ tại chợ truyền thống TP HCM đang ở mức 42.000 - 45.000 đồng/chục, trứng gà từ 32.000 - 37.000 đồng/chục, cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân được cho là giá cám tăng nên nông dân ngại tái đàn khiến nguồn cung thiếu hụt trong khi thị trường đang "mùa" bánh Trung thu, rất cần trứng vịt để sản xuất trứng vịt muối.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thành Đô (bánh Trung thu Thành Đô), cho biết giá lòng đỏ trứng muối đã vọt lên mức trên 5.000 đồng/quả, cao chưa từng có vì mọi năm thường ở mức chỉ 3.000 đồng/quả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thành bánh Trung thu năm nay tăng cao.
Trong khi đó, giá trứng ở kênh bình ổn thị trường vẫn ở mức 31.000 đồng/chục (trứng gà) và 37.000 đồng/chục (trứng vịt), thấp hơn thị trường 20% khiến các doanh nghiệp bình ổn hết sức đau đầu.
Người lao động