Giá hồ tiêu "chệch" quy luật, tăng giảm chóng mặt
Giá thay đổi liên tục chỉ trong thời gian rất ngắn và không theo quy luật "cũ" đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu "đau đầu".
- 13-06-2024Bộ Công Thương sẽ giải quyết việc mất hàng hồ tiêu
- 13-06-2024Hồ tiêu được mùa được giá
- 07-06-2024Doanh nghiệp Việt nghi bị ‘rút ruột’ container hồ tiêu xuất khẩu
Trong tuần qua, giá tiêu trong nước đã liên tục tăng - giảm mạnh đột ngột. Ngay sau khi giá tăng nóng và đạt ở mức 205.000 đồng/kg - mức được xem là mức đỉnh trong 8 năm qua, giá hồ tiêu giao dịch trong nước lại quay đầu giảm mạnh chỉ trong thời gian rất ngắn. Điều này không chỉ khiến thương lái và nông dân "đau đầu" với bài toán bán ra hoặc dự trữ, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng, thận trọng hơn trong mua vào bán ra.
Lý giải nguyên nhân, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho rằng do doanh nghiệp thiếu hàng cho xuất khẩu nên tăng mua nhiều trong thời gian ngắn nên đẩy giá tăng sốc.
Theo các chuyên gia ngành hàng và đại lý thu mua tiêu, đà tăng “nóng” hiện nay một phần đến từ việc các thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua tiêu trở lại sau thời gian dài vắng bóng. Trong khi đó, lượng hồ tiêu được các doanh nghiệp, nhà đầu cơ tuồn ra thị trường nhiều trong thời điểm giá lên đỉnh có thể là một trong những lý do kéo giá quay đầu giảm sốc.
Giá tiêu trong nước đã liên tục tăng - giảm mạnh đột ngột.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng quy luật về giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước. Nhìn lại lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá, chu kỳ lên giá của hồ tiêu thường kéo dài từ 8 - 10 năm và dự báo giá sẽ lên tới đỉnh và sẽ cao hơn của chu kỳ trước. Họ cho rằng do thời điểm này được xem đang khan nguồn cung vì Việt Nam - quốc gia cung ứng đến 50% lượng tiêu toàn cầu đã kết thúc vụ từ tháng 3, còn Brazil chưa tới vụ, Indonesia và Malaysia chính vụ vào khoảng tháng 7. Cung thấp hơn cầu là nguyên nhân khiến xu hướng giá tăng diễn ra tại tất cả các thị trường chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, tăng giảm đột ngột về giá là do hệ quả từ tình trạng đầu cơ "quá nóng". Đồng thời, việc giá tiêu tăng cao có thể kích hoạt một bộ phận người trồng tiêu, đại lý xả bán tiêu tồn trữ từ các niên vụ khác ra thị trường. Hơn thế nữa, hiện tại, với sự tăng giá trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu nội địa vẫn thấp hơn, do đó nhiều đại lý nhỏ lẻ đang tận dụng cơ hội này để găm giữ hàng và đẩy giá lên.
Còn các chuyên gia ngành hàng đánh giá việc giá tiêu điều chỉnh giảm là điều cần thiết để "cân bằng" lại thị trường. Tuy nhiên, mặt bằng giá khó có thể giảm sâu khi giá tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới trong bối cảnh nguồn cung tiêu trên toàn cầu xuống thấp nhưng nhu cầu đang tăng trở lại.
Doanh nghiệp phải làm sao?
Trước tình hình, diễn biến phức tạp như vậy, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA phân tích, với giá xuất khẩu như hiện nay, ngành hồ tiêu cầm chắc tỷ USD trong tay. Lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm, giá xuất khẩu cao thì tốt cho dân nhưng với doanh nghiệp mức lợi nhuận thu được chưa chắc đã ngang bằng với tỷ lệ mức giá xuất khẩu tăng, bởi doanh nghiệp có những hợp đồng ký từ trước và đến nay họ mới giao hàng. Trong bối cảnh giá hồ tiêu thay đổi theo ngày, theo giờ khiến doanh nghiệp không mua được hàng và cũng rất khó xuất khẩu.
Bà Liên cũng cho rằng, trong bối cảnh giá tiêu tăng nóng, doanh nghiệp khó chủ động nguồn hàng, đồng thời phải đối mặt với khó khăn kép do chiến tranh, cước vận tải tăng cao, rủi ro thương mại,… Do đó, việc hài hòa chia sẻ lợi ích lúc này là hết sức quan trọng, để tất cả các bên cùng thắng.
Đồng thời, Chủ tịch VPSA lưu ý doanh nghiệp việc điều chỉnh giá nhập vào và giá bán ra là cực kỳ quan trọng để tránh rủi ro về giá. Nếu giá hồ tiêu nội địa tăng, các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá xuất khẩu tương ứng. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro về uy tín và đơn hàng.
"Khi giá tiêu lên cao quá thì doanh nghiệp kinh doanh cũng phải tỉnh táo để lường trước khả năng giảm giá lớn trong tương lai, từ đó có cách điều hành phù hợp, tránh bị thua lỗ", bà Liên nhấn mạnh thêm.
Đối với nông dân trồng hồ tiêu, bà Liên cho rằng, đầu cơ trong dân nên cần phải nhìn nhận theo hướng tích cực. Có thể họ có tiền thu nhập từ bán sầu riêng và cà phê, thay vì gửi tiền vào ngân hàng lãi suất rất thấp, với biên độ lợi nhuận như vậy. Họ đi bán sầu riêng và cà phê và thu mua vài tấn hồ tiêu để tích trữ như doanh nghiệp. Trước đây người dân không thu mua hồ tiêu nhưng nay họ cũng ra kênh mua. Mọi người cứ ai có tiền đều có thể tham gia thị trường và việc tham gia của người dân cũng không loại trừ.
Tuy nhiên, ác chuyên gia ngành hàng cũng khuyến cáo, với hồ tiêu, giá có thể tiếp tục tăng nhưng nông dân cũng cần nhìn lại bài học của nhiều năm trước là không nên tìm mọi cách tăng mạnh sản lượng vượt nhu cầu khiến giá giảm sâu. Người nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định. Đồng thời cẩn trọng trước tình trạng găm giữ hàng đầu cơ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, về dài hạn trong 3-5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Do đó, ngành hồ tiêu của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để "tỏa sáng"./.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) hiện ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên do, nhiều nông dân chặt bỏ cây hồ tiêu khi giá rớt cách đây 4 năm trước (giá tiêu xuống chỉ 40.000 đồng/kg) để trồng những cây có lợi ích kinh tế hơn như sầu riêng, cà phê...
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 465.000 tấn, giảm 1,2% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Điều này khiến cho lượng tồn kho tiếp tục sụt giảm xuống còn 428.000 tấn, mức thấp nhất trong 6 năm qua.
VTV