MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Già hoá dân số, Việt Nam đã sẵn sàng thích ứng?

12-07-2023 - 09:44 AM | Xã hội

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số vào năm 2011, và dự kiến sẽ trở thành một nước có dân số già vào năm 2036, tức là chúng ta chỉ có 25 năm để thích ứng với già hoá dân số.

Nhân Ngày dân số thế giới 2023, phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Minh Đức, cán bộ Tổ chức HelpAge International - tổ chức phi chính phủ duy nhất tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực già hoá và hỗ trợ người cao tuổi.

Già hoá dân số, Việt Nam đã sẵn sàng thích ứng? - Ảnh 1.

Chăm sóc người già trong Viện dưỡng lão

Ông Minh Đức nhấn mạnh: “Phần lớn người cao tuổi có nguyện vọng già đi tại chỗ tức là tận hưởng tuổi già ngay tại cộng đồng, ngay tại gia đình của mình, bởi vậy, cần phải có những chính sách thích ứng với nhu cầu của người cao tuổi...”

PV: Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất trên thế giới. Điều này sẽ gây ra những tác động, thách thức gì đến xã hội, thưa ông?

Ông Lê Minh Đức: Già hoá là một thành tựu trong sự phát triển của đất nước khi chất lượng cuộc sống nâng cao lên, tuổi thọ tăng lên, tỷ lệ tử vong giảm, mức sinh giảm nhanh hay tác động bởi tình trạng di cư của người trẻ...

Nhưng vấn đề ở chỗ là chúng ta đang già hoá rất nhanh. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập ở trung bình thấp. Điều này sẽ tạo nên nhiều thách thức về kinh tế - xã hội.

Già hoá nhanh có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai, nhu cầu về an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi.

Khi tỉ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội, chăm sóc y tế cũng tăng theo.

Già hoá dân số, Việt Nam đã sẵn sàng thích ứng? - Ảnh 2.

Chúng ta cũng có những cơ hội trong đó. Trước hết, phải loại bỏ tư tưởng coi người cao tuổi là gánh nặng của xã hội, bởi vì người cao tuổi sẽ có kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều năm sống, hơn nữa, uy tín trong cộng đồng rất lớn; lực lượng người cao tuổi cũng là lực lượng không nhỏ đóng góp trong xã hội. Có nhiều người cao tuổi có khả năng cũng như mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu nên phải trao cơ hội hoạt động kinh tế cho họ.

PV: Theo ông, những chính sách và biện pháp nào mà chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cũng như thúc đẩy việc phát huy vai trò và khả năng của người cao tuổi?

Ông Lê Minh Đức: Trước hết, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi thì cần thiết phải củng cố hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc y tế. Đây là hai vấn đề lớn nhất khi nói đến già hoá. Nhưng vấn đề an sinh xã hội hiện nay còn nhiều vấn đề phải bàn tới. Đó là chỉ có khoảng 3,1 triệu/ 12 triệu người cao tuổi (tức là chỉ khoảng hơn 27%) được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng); chỉ có khoảng 1,7 triệu người cao tuổi (gần 15%) nhận các chính sách trợ cấp từ Nhà nước với khoản trợ cấp không đủ trang trải cuộc sống. Mức trợ cấp được điều chỉnh tăng từ T7/2021 nhưng vẫn còn thấp (chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn và 18% chuẩn nghèo thành thị, 2021).

Chỉ có khoảng 25% người cao tuổi có khoản tiết kiệm cá nhân. Điều này cho thấy, phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam không có nguồn thu nhập ổn định mà phụ thuộc vào hỗ trợ của con cháu hoặc tự lao động để kiếm thu nhập. Thống kê cho thấy 60% người trong độ tuổi từ 60-69 tuổi vẫn đang tiếp tục lao động kiếm sống, đa số trong khu vực không chính thức.

Về vấn đề chăm sóc y tế, theo thống kê của Bộ y tế, chỉ có khoảng 20% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Lão, chủ yếu tập trung ở các tỉnh có dân số đông; cả nước chỉ có một bệnh viện duy nhất đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi đó là Bệnh viện Lão khoa Trung ương; dịch vụ chăm sóc y tế cơ sở, các trạm y tế có cung cấp nhưng chỉ một bộ phận nhỏ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế có thể đăng ký khám chữa bệnh thường xuyên.

Già hoá dân số, Việt Nam đã sẵn sàng thích ứng? - Ảnh 3.

Các vấn đề về giao thông cách trở, thiếu thốn trang thiết bị, dụng cụ tại cơ sở và thái độ chưa thân thiện của đội ngũ nhân viên đã khiến cho người cao tuổi ngần ngại tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Tình trạng bất bình đẳng trong sức khoẻ và y tế càng ngày càng nới rộng giữa các nhóm kinh tế - xã hội, ví dụ như ở khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt người cao tuổi ở nông thôn ít có khả năng tiếp cận hơn so với khu vực thành thị về các dịch vụ y tế. Cần phải có các chính sách để giải quyết các vấn đề này.

Để phát huy vai trò và khả năng của người cao tuổi, chúng ta sẽ cần có những chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho người cao tuổi được tham gia lao động, được tham gia sản xuất sau tuổi nghỉ hưu vì phần lớn người cao tuổi Việt Nam đều thuộc nhóm sơ lão (từ 60 đến 70 tuổi) họ còn sức khoẻ, năng lực và mong muốn được tham gia lao động, cống hiến cho xã hội.

Vì vậy, cần phải có chính sách tạo điều kiện cho người lao động được hỗ trợ vốn vay phục vụ sản xuất và đảm bảo quyền lao động của người cao tuổi cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia lao động của họ.

Đồng thời, cũng cần có các chính sách cụ thể để bảo vệ người cao tuổi trước các vấn đề như ngược đãi, lạm dụng hay phân biệt tuổi tác.

Nếu nhìn xa hơn, cần có chiến lược xây dựng xã hội thân thiện với mọi lứa tuổi.

Già hoá dân số, Việt Nam đã sẵn sàng thích ứng? - Ảnh 4.

PV: Theo ông, các mô hình như Viện dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi tại Việt Nam đã thực sự phát huy hiệu quả?  Và cần phải cải thiện điều gì để thích ứng với tốc độ già hoá dân số?

Ông Lê Minh Đức: Ở Việt Nam, đã có một vài nơi mở Viện dưỡng lão. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, không phải ai cũng phải tiếp cận được với dịch vụ này. Mức phí để người cao tuổi được chăm sóc tại Viện dưỡng lão từ 7 - 20 triệu/tháng - đây là con số không hề nhỏ với người cao tuổi, nhất trong bối cảnh người cao tuổi không có thu nhập ổn định và phải phụ thuộc nhiều vào con cháu hoặc an sinh xã hội của Nhà nước.

Như vậy, mô hình Viện dưỡng lão gần như không thể tiếp cận với đối tượng cần được chăm sóc nhất ví dụ như những người neo đơn và có hoàn cảnh khó khăn. Đấy là điều bất hợp lý.

Đó là chưa kể đến một số bất cập trong chính sách quản lý. Chính các Viện dưỡng lão cũng đang găp khó khăn trong chính mô hình hoạt động của họ như các quy định về quản lý chưa rõ ràng về mô hình khiến cho họ không xác định được họ có phải là cơ sở chăm sóc y tế hay không...

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đều được thành lập tại cộng đồng, làng xã, thôn bản

Xét về một mặt nào đấy, các Trung tâm dưỡng lão có thể là môi trường tốt để chăm sóc người cao tuổi với đội ngũ y tế chuyên môn và luôn túc trực.

Già hoá dân số, Việt Nam đã sẵn sàng thích ứng? - Ảnh 5.

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đều được thành lập tại cộng đồng, làng xã, thôn bản

Tuy nhiên, có một điểm chúng ta cần lưu ý đến đó là nguyện vọng của người cao tuổi đó là liệu họ có muốn vào Viện dưỡng lão hay không? Theo khảo sát cộng đồng của HelpAge tại Việt Nam, phần lớn người cao tuổi có nguyện vọng già đi tại chỗ tức là tận hưởng tuổi già ngay tại cộng đồng, ngay tại gia đình của mình.

Đây cũng là hiện tượng chung trên toàn cầu. Rất nhiều nước trên thế giới đã có kết quả khảo sát về điều này. Ví dụ như Nhật Bản - nước có dân số già nhất thế giới cũng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho mô hình Viện dưỡng lão tập trung để đáp ứng nhu cầu già đi tại chỗ của người cao tuổi.

Mỗi câu lạc bộ sẽ có 5 trường hợp được hỗ trợ tại nhà, mỗi trường hợp sẽ được chăm sóc ít nhất 2 lần/tuần

PV: Mô hình nào mà HelpAge International cho là khả thi để thích ứng với nhu cầu già đi tại chỗ của người cao tuổi?

Ông Lê Minh Đức : Các hoạt động của chúng tôi phần lớn được lồng ghép thông qua mô hình phát triển cộng đồng được gọi là “Liên thế hệ tự giúp nhau”. Mô hình này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là một mô hình bền vững, thích ứng với gìa hoá dân số và đã có 2 đề án để nhân rộng mô hình này trên toàn quốc. Hiện, nay đã có hơn 6.000 câu lạc bộ được thành lập ở khắp các địa phương trên toàn quốc.

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đều được thành lập tại cộng đồng, làng xã, thôn bản và được thành lập bởi chính người trong cộng đồng đó.

Bên cạnh đó, mô hình này cũng có thể kết hợp được với các bên liên quan khác như Hội người cao tuổi tại địa phương, y tế cơ sở, dịch vụ tư nhân... để giải quyết một cách toàn diện nhu cầu của người cao tuổi ở chính nơi mà họ sinh sống.

Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người cao tuổi được thực hiện qua nhiều cách khác nhau thông qua giao lưu chia sẻ, sinh hoạt chung hàng tháng, tổ nhóm có chung sở thích, thăm hỏi các thành viên khi ốm đau, tình nguyện viên chăm sóc tại nhà.... với chỉ tiêu mỗi câu lạc bộ sẽ có 5 trường hợp được hỗ trợ tại nhà, mỗi trường hợp sẽ được chăm sóc ít nhất 2 lần/tuần.

Bởi vậy, tôi cho rằng đây là mô hình có tính bền vững cao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Hồng Lĩnh

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên