Giá khí đốt châu Âu có thể tăng gấp 3 - Một quốc gia quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga
Các nhà phân tích tại Rystad Energy dự báo giá khí đốt tại EU có thể tăng lên 3.500 USD/1.000 mét khối nếu tình hình căng thẳng tiếp tục kéo dài.
- 13-05-2022Châu Âu “khó thở” vì Nga siết khí đốt mạnh tay
- 12-05-2022Khó khăn bủa vây châu Âu khi Ukraine chặn dòng khí đốt từ Nga
- 09-05-2022Châu Âu chấp nhận mua khí đốt tự nhiên với giá đặc biệt cao
"Serbia sẽ tiếp tục chống lại áp lực trừng phạt Nga "
Đài RT (Nga) đưa tin, hôm 15/5 vừa qua, Tổng thống Serbia Alexander Vucic đã khẳng định rằng nước này sẽ tiếp tục đấu tranh để duy trì chính sách không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva, dù phải chịu "thiệt hại to lớn".
Cụ thể, phát biểu với đài truyền hình địa phương Prva hôm 15/5, ông Vucic cho biết: "Chúng tôi đã duy trì 80 ngày không cấm vận Nga, và chúng tôi phải trả cái giá rất lớn."
Nhà lãnh đạo Serbia giải thích rằng chính sách này đã khiến đất nước ông thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn và không thể trả các khoản vay nước ngoài, điều này ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân.
"Họ [phương Tây] nói rằng: 'Ông Vucic sắp thông báo về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.' Không, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đến chừng nào có thể. Chúng tôi đã chịu thiệt hại rất lớn, nhưng chúng tôi không tìm kiếm 'một lời cảm ơn'," ông Vucic nhấn mạnh.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP / Sputnik / Kremlin Pool Photo / Mikhail Klimentyev
Theo ông Vucic, lý do Serbia duy trì chính sách này là bởi đất nước của ông là "một quốc gia có chủ quyền và độc lập", hoàn toàn nhận thức rõ ràng rằng các lệnh trừng phạt "bất công và không cần thiết ra sao".
Theo ông Vucic, vấn đề trừng phạt và cấm vận Nga cũng liên quan chặt chẽ tới nguồn cung khí đốt và dầu mỏ của Nga, mà Serbia hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung này. Ông Vucic cũng bày to hy vọng rằng Belgrade sẽ có thể đàm phán mua năng lượng Nga với "một mức giá tốt" tại các cuộc đàm phán sắp tới giữa các bên.
Giá khí đốt ở châu Âu được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần
Đài RT (Nga) dẫn lời các nhà phân tích tại Rystad Energy cho biết trong một thông cáo báo chí tuần này rằng châu Âu có thể sắp chứng kiến một "cơn bão mùa đông hoàn hảo" khi châu lục này tìm cách hạn chế dòng khí đốt của Nga.
Các nhà phân tích này cho biết rất có thể lượng LNG (Khí đốt tự nhiên hóa lỏng) thay thế sẽ không đủ để bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga khi châu Âu bước vào mùa đông năm tới. Theo đó, giá khí đốt tại EU được dự báo sẽ tăng lên 3.500 USD/1.000 mét khối.
Báo cáo của Rystad Energy cho biết trong năm 2021, Nga đã xuất khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tới châu Âu, tương đương hơn 31% nguồn cung cấp khí đốt cho "Lục địa già".
Các nhà phân tích nhận định: "Việc thay thế một phần đáng kể trong khối lượng khí đốt này sẽ cực kỳ khó khăn, và gây ra những hậu quả sâu rộng đối với người dân, nền kinh tế của Châu Âu và vai trò của khí đốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực."
Rystad Energy giải thích rằng với việc tránh xa khí đốt của Nga, châu Âu đã gây bất ổn cho toàn bộ thị trường LNG toàn cầu, vốn đã có khởi đầu bấp bênh trong năm 2022 sau năm 2021 đầy biến động. Quyết định giảm mạnh phụ thuộc vào khí đốt của Nga và LNG từ mức hiện tại là 30-40% sẽ làm thay đổi thị trường LNG toàn cầu.
Báo cáo nhấn mạnh rằng nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến đạt 436 triệu tấn vào năm 2022, vượt xa nguồn cung hiện có là 410 triệu tấn.
Theo nghiên cứu của Rystad Energy, nếu các dòng khí đốt của Nga ngừng chảy ngay ngày mai, thì lượng khí đốt hiện có trong các kho dự trữ của châu Âu (mới đầy khoảng 35%) sẽ có khả năng "cạn kiệt trước cuối năm nay, khiến châu Âu phải trải qua một mùa đông tàn khốc."
Điều này có thể khiến giá khí đốt tăng sốc, buộc châu Âu phải cắt giảm sản xuất công nghiệp và chuyển đổi nhiên liệu rộng rãi trong ngành điện. Trong kịch bản khắc nghiệt hơn, ngay cả nhu cầu sử dụng của người dân cũng không được đảm bảo, Rystad Energy cảnh báo.
Tuần trước, sau khi Moskva áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả đầu tiên đối với một số công ty năng lượng châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt.
Theo dữ liệu do sàn giao dịch ICE của London cung cấp, giá khí đốt ở châu Âu đã vượt quá 1.200 USD/1.000 mét khối trong phiên giao dịch hôm 12/5. Theo Reuters, giá khí đốt tiêu chuẩn đã cao hơn gần 300% so với cùng kỳ một năm trước.
EU tính kế để không vi phạm lệnh trừng phạt Nga
Theo nguồn tin của Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo kế hoạch để mua khí đốt Nga bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.
Cụ thể, Bloomberg dẫn lời các nguồn tin tham dự cuộc họp kín của Ủy ban Châu Âu hôm thứ 6 tuần trước (13/5) cho biết hướng dẫn mới về thanh toán khí đốt của EU sẽ cho phép các nhà nhập khẩu mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank thuộc sở hữu của nhà nước Nga.
Theo hướng dẫn mới, các nhà nhập khẩu này sẽ thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó ngân hàng Gazprombank sẽ chuyển đổi khoản thanh toán của họ sang đồng rúp.
Bloomberg dẫn lời các nguồn tin cho biết các công ty nhập khẩu khí đốt của châu Âu nên "đưa ra một tuyên bố rõ ràng rằng họ coi như đã hoàn thành nghĩa vụ vào thời điểm thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, điều này phù hợp với các hợp đồng hiện có."
Business Insider đã liên hệ với Ủy ban Châu Âu nhưng chưa nhận được câu trả lời về vấn đề này.
Ảnh minh họa
Việc Nga yêu cầu "các quốc gia không thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng rúp là đòn đáp trả của nước này trước hàng loạt lệnh trừng phạt và cấm vận của phương Tây. Điều này cũng giúp Moskva duy trì sức mạnh của đồng rúp trước những biến động.
Trước đó, các nguồn tin cho biết có 20 công ty của châu Âu đã lập tài khoản Gazprombank để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Nga Putin. Một trong những nguồn tin nói với Bloomberg rằng Đức, Hungary, Italy và Pháp ủng hộ kế hoạch này, trong khi Ba Lan nói rằng kế hoạch này chưa đủ rõ ràng về mặt pháp lý và thiếu hướng dẫn cụ thể.
Hầu hết các nước EU đều có thời hạn thanh toán tiền khí đốt cho Nga vào cuối tháng 5 này, do đó, việc các nước này từ chối điều khoản thanh toán mới của Nga có thể khiến họ bị "khóa van", giống như trường hợp của Ba Lan và Bulgaria vào tháng 4 vừa qua.
Theo nội dung các dự thảo mà Reuters có được, EU được cho là đang chuẩn bị kế hoạch trị giá 195 tỷ euro để từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Đức kiên định với kế hoạch ngừng nhập dầu Nga
Về diễn biến trên thị trường dầu mỏ thế giới, theo Bloomberg, trong tuần qua, giá dầu đã giảm lần đầu tiên trong 4 phiên gần nhất sau khi một loạt dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy việc phong tỏa để chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia này trong tháng 4.
Trước đó, cuộc khủng hoảng ở Đông Âu đã khiến giá năng lượng và giá lương thực tăng cao, trong đó giá xăng và dầu diesel bán lẻ của Mỹ tăng cao đã góp phần "thổi bùng" lạm phát nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong một diễn biến khác dự kiến sẽ ảnh hưởng tới thị trường dầu, ngày hôm nay (16/5), các ngoại trưởng Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ, để thảo luận về vòng trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga, trong đó bao gồm mặt hàng dầu mỏ. Hiện tại các cuộc thảo luận của EU vẫn bế tắc do Hungary phản đối.
Bloomberg dẫn lời các quan chức chính phủ Đức cho biết nước này có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, và dự kiến sẽ tiến hành kế hoạch này ngay cả khi EU không đạt được sự đồng thuận về lệnh cấm vận.
Ảnh minh họa
Bloomberg: Doanh thu từ dầu của Nga tăng vọt
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: Doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng khoảng 50% kể từ đầu năm 2022.
Theo báo cáo hàng tháng của IEA, Nga đã thu về khoảng 20 tỷ USD/tháng kể từ đầu năm nay từ việc bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Là một phần của các lệnh trừng phạt này, Mỹ đã cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga; EU và Anh đã công bố kế hoạch hủy bỏ tất cả các hoạt động mua dầu thô của Nga vào cuối năm nay, và các "ông lớn" dầu mỏ quốc tế như Shell và TotalEnergies đã tuyên bố sẽ ngừng mua dầu từ Nga.
Theo IEA, do nhu cầu ở châu Á gia tăng, nhiều lô hàng của Nga đã hướng đến thị trường này. Ngoài ra, EU cho đến thời điểm hiện tại vẫn là thị trường nhập khẩu nhiên liệu Nga lớn nhất - khi 43% lượng dầu xuất khẩu của Nga đã được chuyển đến thị trường này trong tháng 4.
Cơ quan này cho biết thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đã bất ổn có thể gặp phải nhiều khó khăn hơn nữa do các lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu Nga và nhu cầu phục hồi từ Trung Quốc sau kh quốc gia tỷ dân dỡ bỏ phong tỏa chống dịch./.
Trí thức trẻ