Giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục
Nga lại là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu vào tháng 9 nhưng đã tiếp tục chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến nguồn cung trước mùa đông hạn chế.
- 04-12-2024Mùa đông buốt giá hơn 2 năm trước, dự trữ khí đốt vơi nhanh nhất trong gần thập kỷ, châu Âu có nguy cơ ‘co ro’ khi sắp mất khí đốt Nga
- 03-12-2024Nền kinh tế hàng đầu châu Á vận hành đường ống dẫn khí đốt dài hơn 5.000 km với công nghệ đỉnh cao, nối với Nga để cung cấp 38 tỷ mét khối: Hệ thống hoàn toàn được sản xuất trong nước
- 02-12-2024Ukraine cắt thỏa thuận trung chuyển, quan chức EU cảnh báo khí đốt Nga vẫn được ‘hàng xóm’ rửa nguồn để chảy vào châu Âu
Theo tính toán dựa trên dữ liệu từ ICE của London, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong năm vào tháng 11, dao động ở mức trên 490 USD cho 1.000 mét khối.
Cụ thể, giá khí đốt tương lai được giao dịch ở mức 491,2 USD cho 1.000 mét khối vào tháng 11, cao hơn 35 USD (7,7%) so với mức 455,9 USD của tháng 10.
Vào cuối tháng 11, giá khí đốt ở châu Âu đã vượt quá 530 USD cho 1.000 mét khối lần đầu tiên trong năm nay.
Giá đã tăng nhẹ kể từ tháng 10, khi mùa sưởi ấm đang đến gần và trong bối cảnh bất ổn xung quanh nguồn cung từ Nga về cả đường ống và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Nga đã đình chỉ việc giao nhiên liệu cho OMV của Áo vào giữa tháng 11, trong khi hợp đồng giữa Ukraine và Gazprom cho phép vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 1 tháng 1 năm 2025.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ và đáng tin cậy của Nga qua đường ống ở châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc vào năm 2022 , khi châu lục này hiện đang phải đối mặt với nguy cơ lặp lại kịch bản lạnh giá đó.
Mặt khác, Nga đã trở thành nguồn khí đốt lớn nhất của EU vào tháng 9, lần đầu tiên kể từ mùa xuân năm 2022. Thị phần của nước này đạt 23,7%, Sputnik tính toán dựa trên dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Châu Âu.
Vào tháng 9, các công ty châu Âu đã mua 1,48 tỷ USD khí đốt từ Nga, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Khí thiên nhiên hóa lỏng chiếm 40% lượng mua, 60% còn lại là khí đốt qua đường ống.
Sự gia tăng này đã đưa Nga trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất EU, với thị phần tăng lên 23,74% từ mức 16,54% của tháng 8. Đây là lần đầu tiên xảy ra kể từ tháng 5 năm 2022, khi thị phần của Nga trong lượng khí đốt nhập khẩu của EU là 22,9%.
Đến cuối tháng 11, Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt tiếp theo nhằm vào gã khổng lồ năng lượng Nga, Gazprom. Lệnh trừng phạt nhằm vào Gazprombank - hệ thống ngân hàng của Gazprom, ảnh hưởng đến các giao dịch khí đốt của ông trùm Nga với các đối tác châu Âu.
Hungary là một trong số các quốc gia châu Âu phản ứng mạnh mẽ với việc khối này dần dần từ bỏ khí đốt Nga vốn mang lại lợi thế cạnh tranh. Sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ vào Gazprombank được ban bố, nước này đã có những cuộc đàm phán để tìm ra giải pháp thanh toán nhằm ngăn chặn quá trình gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt Nga cho Hungary và Slovakia khi mùa đông sắp tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto lập luận rằng các lệnh trừng phạt của Washington là nỗ lực nhằm gây sức ép buộc các nước Trung và Đông Nam Âu từ bỏ năng lượng của Nga để chuyển sang nhập khẩu năng lượng đắt đỏ hơn từ Mỹ.
“Chúng tôi không có ý định từ bỏ sự hợp tác tốt đẹp này. Không chỉ vì chưa từng có ai đưa ra cho chúng tôi một lời đề nghị tốt hơn. Chúng tôi không biết có nguồn năng lượng nào an toàn hơn và có giá cạnh tranh hơn” - ông Szijjarto nói về các hợp đồng với gã khổng lồ năng lượng Nga.
Giáo Dục Thời Đại