MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá khí gas thế giới tăng trên 300% chỉ trong 6 tháng

01-11-2020 - 11:24 AM | Thị trường

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã trở thành mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong số những hàng hóa chủ chốt sáu tháng vừa qua, với mức tăng trên 300% kể từ tháng 5/2020 đến nay do nhu cầu nhảy vọt khi mùa Đông sắp đến với dự báo là sẽ lạnh giá hơn nhiều so với mọi năm.

LNG giao ngay tới thị trường Đông Bắc Á đã tăng giá 44% chỉ riêng trong tháng 10, và hiện đã cao gấp 4 lần so với mức thấp kỷ lục của tháng 5/2020, bởi dự kiến nhu cầu sắp tới sẽ rất cao và kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh.

Giá khí gas thế giới tăng trên 300% chỉ trong 6 tháng - Ảnh 1.

Chỉ riêng trong tuần cuối tháng 10/2020, giá LNG giao ngay tại Châu Á đã tăng 9%, lên khoảng 7,5 USD/mmBtu vì nhu cầu từ các thị trường chủ chốt đều bật tăng.

Theo các nhà phân tích của Bernstein, thời tiết ở Châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc mùa Đông năm nay dự báo sẽ lạnh hơn 2-3oC so với bình thường, sẽ thúc đẩy tăng mạnh nhu cầu LNG.

Việc sản xuất của các công ty khí gas Gorgon LNG (của Chevron) và Prelude LNG (của Shell) (ở Australia) gặp vấn đề về sản xuất cũng góp phần đẩy giá khí tăng cao. Chevron Corp đang phải kiểm tra kỹ thuật ở nhà máy Gorgon tại Australia (nhà máy này đã kết thúc thời gian bảo trì vào ngày 11/7) và Prelude chưa khôi phục đầy đủ công suất sản xuất cho đến cuối năm nay khiến cho nguồn cung LNG trở nên hạn hẹp.

Giá khí gas thế giới tăng trên 300% chỉ trong 6 tháng - Ảnh 2.

Koki Hayakawa, Giám đốc tài chính của Tokyo Gas – một doanh  nghiệp nhập khẩu LNG lớn của Nhật Bản, khẳng định: "Giá LNG giao ngay đang tăng do nhu cầu ngày càng mạnh lên trước khi mùa Đông tới cũng như do các vấn đề về nguồn cung từ Australia".

Cơ quan thời tiết Nhật Bản tháng 10/2020 dự báo có tới 90% khả năng sẽ xảy ra hiện tượng thời tiết La Nina vào mùa Đông năm nay – hiện tượng thời tiết sẽ làm cho nước biển ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương lạnh bất thường. "Điều này sẽ dẫn đến việc thời tiết ở khu vực Thái Bình Dương lạnh hơn mọi năm, có thể là đảo ngược tình trạng mùa đông ấm áp bất thường trong mấy năm qua, và nhu cầu khí đốt sẽ theo đó tăng lên", các nhà phân tích của Bernstein cho biết.

Kinh tế Trung Quốc – nước nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới sau Nhật Bản – hồi phục mạnh mẽ sau khủng hoảng Covid-19 đẩy nhu cầu từ cả lĩnh vực công nghiệp cũng như dân sinh đều tăng lên cũng có thể khiến nhu cầu khí đốt tại nước này tăng 10% trong mùa Đông này – mức tăng gấp nhiều lần so với +0,3% của mùa Đông năm ngoái.

Nhập khẩu LNG vào Đông Bắc Á trong tháng 10/2020 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 – thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 ở khu vực này.

Giá khí gas thế giới tăng trên 300% chỉ trong 6 tháng - Ảnh 3.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ) và Trung Quốc đại lục - những thị trường đã phản ứng với Covid-19 tốt hơn so với những nơi khác – chiếm 55% nhu cầu LNG toàn cầu, nhưng chỉ chiếm 20% nhu cầu dầu mỏ thế giới. Đó là lý do giải thích cho câu hỏi vì sao giá khí gas tăng mạnh mẽ hơn nhiều so với giá dầu.

Việc giá khí gas rẻ hồi đầu năm nay cũng góp phần kích thích nhu cầu mặt hàng này từ những khách hàng mới, chẳng hạn như các công ty vận tải và những quốc gia từ trước tới giờ vẫn phụ thuộc vào than đá để phát điện.

Andrew Buckland, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết, xu hướng chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch sẽ khiến nhu cầu LNG toàn cầu vươn lên chiếm 10% tổng nhu cầu nhiên liệu dùng trong đường thủy vào năm 2030, so với chỉ 0,1% hiện nay. Trong khi đó, nhiều cơ sở chứa khí cũng đang được đầu tư xây dựng.

Ví dụ điển hình về xu hướng chuyển sang nhiên liệu sạch là Trung Quốc, nơi nhu cầu tiêu thụ khí gas đang và dự báo sẽ tiếp tục tăng rất mạnh. Một nhóm các công ty khí đốt của nước này được cho là sẽ ‘tạo sóng’ trên thị trường khí đốt toàn cầu với kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ USD và tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt trong thập kỷ tới, khi Bắc Kinh mở rộng mạng lưới đường ống dẫn năng lượng để gia tăng năng lực cạnh tranh. Nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn HIS Markit, ông Lu Xiao, dự báo Trung Quốc có thể mua kỷ lục 65-67 triệu tấn LNG trong năm nay và dự kiến ​​sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nước nhập khẩu khí hàng đầu thế giới vào năm 2022. Ông dự báo, từ 2019 đến 2030, nhập khẩu LNG vào Trung Quốc sẽ tăng 80%. 

Giá khí gas thế giới tăng trên 300% chỉ trong 6 tháng - Ảnh 4.

Vì những lý do trên, giá LNG giao ngay từ chỗ luôn thấp hơn trung bình 131 USD/tấn so với giá dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp trong suốt nhiều năm tới tận đầu năm 2020, nhưng gần đây đã rút khoảng cách còn rất ngắn.

Trong tương lai, giá LNG giao ngay có thể giảm khi Châu Âu đóng cửa trở lại nền kinh tế vì dịch Covid-19 và khi khách hàng Châu Á giảm mua những hợp đồng kỳ hạn giao gần để chuyển sang các kỳ hạn xa – thường gắn với giá dầu, mặt hàng hiện đang trở nên rẻ hơn so với khí đốt.

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên