Giá khí gas trên toàn cầu tăng vọt do thời tiết nóng nực
Giá khí đốt trên toàn cầu đang ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm do nhiệt đột trái đất tăng cao đẩy nhu cầu phát điện gia tăng ở Bán cầu Bắc để chạy điều hòa không khí, trong bối cảnh các thương nhân ở một số khu vực bổ sung khí đốt vào kho dự trữ (đang ở mức thấp kỷ lục) để chuẩn bị cho mùa Đông tới.
- 03-07-2021Thị trường ngày 3/7: Giá đồng phục hồi, giá đường tăng 6,9% một tuần, cao su thấp nhất 8 tháng
- 02-07-2021Thị trường ngày 2/7: Giá dầu vọt lên cao nhất gần 3 năm, thép tăng phiên thứ 7 liên tiếp, cao su thấp nhất 6 tháng
Tuần qua, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Bắc Á đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 8 năm, đạt 14 USD/mmBtu, cao hơn 1,5 USD so với một tuần trước đó. Như vậy, giá khí đốt tại Châu Á đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ cuối tháng 2 đến nay.
Trong nước, giá khí đốt từ 1/7 cũng đồng loạt được điều chỉnh tăng. Theo đó, từ 1/7, mỗi bình gas loại 12 kg đến nay người tiêu dùng tăng 30.000 đồng, lên 405.000 đồng. Đây là tháng thứ hai liên tiếp giá gas leo thang.
Giá bán buôn khí khí tự nhiên tại Châu Âu và Mỹ cũng đạt mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Giá LNG hợp đồng tham chiếu tại Trung tâm TTF (Hà Lan), kỳ hạn giao sau một tháng, Mỹ, LNG kỳ hạn tham chiếu tại trung tâm giao nhận khí Henry Hub ở Louisiana tuần qua cũng đạt mức cao nhất trong vòng 30 tháng do dự báo nhu cầu điện dùng cho điều hòa không khí ở Mỹ trong 2 tuần tới sẽ tăng lên mức cao hơn bình thường.
Giá khí gas tăng vọt trên toàn cầu do mùa Hè nóng nực và lượng dự trữ cạn kiệt
Nhu cầu đang hồi phục trên toàn cầu sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Trong khi đó, dòng chảy hàng hóa thế giới, trong đó có khí tự nhiên, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bên cạnh việc các kho dự trữ khí đốt đang cạn kiệt, giá carbon tăng vọt và các nhà máy nghỉ bảo dưỡng trong mùa Hè cũng góp phần đẩy giá khí gas tăng cao.
Số liệu của Refinitiv Eikon cho thấy nhập khẩu khí đốt vào Nhật Bản trong tháng 6 đã tăng 17% so với tháng trước đó, đạt 6,01 triệu tấn, do các cơ sở dịch vụ nỗ lực đảm bảo đủ điện đáp ứng nhu cầu cho một mùa hè nóng bức và chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Tokyo.
Trung Quốc cũng nhập khẩu khoảng 6,4 triệu tấn LNG trong tháng 6 vừa qua, giảm so với tháng 5/2021 nhưng cao hơn khoảng 26% so với cùng tháng năm 2020.
Một nhà kinh doanh LNG có trụ sở tại Singapore cho biết: "Chúng tôi thấy lúc này đang có rất nhiều người mua (khách hàng Trung Quốc) để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới". Thương nhân này cho biết, khách hàng mua LNG không tỏ ý chùn bước bất chấp giá khí đang cao kỷ lục – nghĩa là họ có thể bị lỗ vì giá bán buôn trong nước hiện vẫn thấp hơn giá giao ngay LNG nhập khẩu.
Một thương nhân Trung Quốc cho biết, khách hàng nước này mua khí đốt mạnh mẽ cũng bởi lý do an ninh năng lượng – tránh tái diễn tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng như mùa Đông năm ngoái.
Nhu cầu khí tự nhiên ở Mỹ Latinh hiện cũng ổn định ở mức cao do hạn hán ảnh hưởng đến ngành thủy điện. Brazil đã phải tăng nhập khẩu LNG vì lý do này. Công ty năng lượng Integracion Energetica Argentina (IEASA, của Argentina) cũng đang tìm kiếm 4 lô hàng kỳ hạn giao tháng 8 và tháng 9.
Khách hàng Bangladesh cũng đang sẵn sàng trả giá cao để mua khí đốt kỳ hạn giao tháng 10, đáp ứng nhu cầu điện tăng vọt cho các máy điều hòa không khí trong mùa Hè oi bức. Bangladesh dự kiến từ tháng 8 đến tháng 11 tới, mỗi tháng sẽ mua 1 lô khí kỳ hạn giao ngay.
Việc giá khí gas ở Châu Á tăng vọt khiến dòng chảy khí gas đổ dồn sang Châu Á, gây khan hiếm khí gas ơ Châu Âu.
Các nhà phân tích của Liberum cho biết, nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu đã bị cắt giảm 15% -20% so với năm 2019, làm trầm trọng thêm tình trạng lượng dự trữ vốn đã cạn kiệt ở Châu Âu.
Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa trưởng thuộc ngân hàng Bắc Âu SEB, cho biết: "Châu Âu đang trong cuộc chiến với Châu Á về nhập khẩu LNG nhưng hiện tại đang bị thua vì giá TTF dù tăng cũng không mạnh bằng giá ở Châu Á".
Ông nói thêm: "Đây là đợt tăng giá khí đốt tự nhiên toàn cầu, không riêng ở châu Âu, và giá khí tự nhiên của EU cần tăng cao hơn và nhanh hơn so với LNG ở Nhật Bản để thu hút nhiều LNG nhập khẩu hơn nữa".
Tuần qua, hãng khí đốt Gazprom của Nga đã không có kế hoạch gián đoạn bất cứ chuyến hàng nào qua Ukraina trong tháng 7, mặc dù hãng có kế hoạch bảo trì các tuyến đường thay thế, trong bối cảnh lượng dự trữ LNG ở Châu Âu hiện chỉ còn khoảng 20%, dẫn tới khả năng Gazprom trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Châu Âu, thông tin từ James Huckstepp, nhà quản lý của EMEA Gas Analytics thuộc S&P Global Platts, cho biết.
"Mặc dù Gazprom có ý định kìm hãm dòng chảy cho đến khi đường ống Nord Stream 2 khởi động, nhưng họ vẫn phải đối mặt với những biến động về nhu cầu và / hoặc những hạn chế về logistics", ông James Huckstepp cho biết.
Thời tiết ở Bắc Kinh, Tokyo, Seoul, và Thượng Hải trong tuần tới dự báo sẽ tiếp tục cao hơn so với cùng kỳ mọi năm, có thể khiến lượng dự trữ của các nước này giảm thêm nữa, đẩy nhu cầu khí đốt tăng lên và khiến cơn sốt giá khí gas chưa sớm hạ nhiệt.
Tham khảo: Refinitiv