Giá lên nhưng nông dân còn rất ít thanh long để bán
Giá thanh long tăng mạnh trở lại nhưng biến động liên tục, trong khi các vườn còn rất ít hàng để cung ứng nên nông dân nhìn chung không mấy vui vẻ.
- 19-02-2020Bánh mì thanh long nở rộ tại Bình Thuận
- 19-02-2020Vì sao thanh long từ 5.000 đồng lên 40.000 đồng/kg chỉ trong vài ngày?
- 18-02-2020Rồng rắn xếp hàng mua bánh mì thanh long ở Sài Gòn
Ngày 19-2, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết giá thanh long ruột đỏ đã tăng mạnh, lên gần 40.000 đồng/kg sau nhiều ngày rớt giá. Hiện tại, người dân huyện Gò Công Tây đã ký hợp đồng với thương lái giá từ 35.000-40.000 đồng/kg. Ngoài xuất khẩu qua Trung Quốc, thanh long đã và đang được xuất đi các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… Tín hiệu rất khả quan, giải tỏa số lượng rất lớn cho bà con trồng thanh long.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong số 23 nhà kho thanh long của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An đã có nhiều nhà kho mở cửa thu mua thanh long trở lại. Giá thương lái thu mua thanh long ruột đỏ từ 25.000- 35.000 đồng/kg, cao hơn vài tuần trước khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg. Song, thời điểm này nông dân không còn thanh long nhiều để cung ứng.
Thu hoạch thanh long ở Tiền Giang. Ảnh: Tâm Minh
Anh Nguyễn Hữu Dư, Giám đốc HTX Thanh long VietGAP Phong Hòa (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), xác nhận nhiều DN, chủ vựa ở Đồng Tháp cũng đã thu mua lại thanh long với giá cao nhưng họ chỉ chọn hàng loại 1 phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng nông dân còn hàng để cung ứng chỉ chiếm 10% - 20%, vì đa số đã thu hoạch và bán đổ bán tháo vào thời điểm giá thanh long giảm sâu.
Một số nhà vườn có thanh long ruột đỏ bán tháo trong thời điểm giữa tháng 1 như ông Nguyễn Văn Đúng, thành viên HTX Thanh long VietGAP Phong Hòa, đang tiếc nuối. "Hiện tại, giá thanh long ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg nhưng nhiều nông dân không còn hàng để bán. Vì thanh long hiện tại chỉ mới trổ hoa, nếu tính đến thời điểm thu hoạch chắc còn hơn 2 tháng" - ông Đúng buồn bã nói.
Các vườn thanh long ở ĐBSCL còn rất ít trái để thu hoạch. Ảnh: Ngọc Trinh
Theo đại diện Công ty TNHH Thạch Võ, Trung Quốc vẫn chấp nhận cho nhập trái cây nhưng yêu cầu phải làm sạch, làm kỹ để họ kiểm dịch đạt yêu cần. Một vài tỉnh của Trung Quốc cấm không cho buôn bán và xe vận chuyển hàng vào đường cao tốc.
Tại Bình Thuận, ít ngày qua, trái thanh long tại đây cũng được các thương lái tìm mua với giá cao đột biến, gấp 3-4 lần so với thời điểm cách đây chưa đến 1 tuần. Nguồn hàng khan hiếm cộng với thì trường tiêu thụ được mở rộng kịp thời đã giúp loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Bình Thuận tăng trở lại giữa khó khăn của dịch Covid-19.
Sáng 19-2, anh Nguyễn Văn Thuận (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam) tất bật cùng thương lái thu hoạch 900 trụ thanh long đang chín. Trong khi trước đó chưa lâu, nhiều hộ nông dân xung quanh chỉ bán được với giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg thì hôm nay anh bán được 8 tấn hàng với giá gấp 3 lần. "Do thời điểm chong đèn cách đây hơn 2 tháng có không khí lạnh nên thanh long trong vườn nhà tôi chín chậm hơn các nơi khác. Nhờ đó mà bán được giá cao trong thời điểm này, chứ tôi cũng không chủ động canh được giá" – anh Thuận nói.
Giá thanh long Bình Thuận tăng nhanh giữa đợt khan hàng
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá thanh long tại Bình Thuận có xu hướng nhích dần lên từ ngày 16-2. Từ trên dưới 5.000 đồng/kg và ít thương lái hỏi mua từ trước đó, đến nay giá đã lên đến gần 20.000 đồng/kg đối với những vườn có tỉ lệ trái cồ (lớn) nhiều.
Tuy nhiên, theo các thương lái thu mua thanh long tại Bình Thuận, thời điểm này đang ở khoảng giữa của 2 vụ chong đèn nên trái chín còn khá ít. Chị Huỳnh Thị Phương – một thương lái chuyên thu mua thanh long để bỏ lại cho các vựa ở huyện Hàm Thuận Bắc, cho hay hai, ba ngày qua, chị chạy suốt các vườn trong hẻm ngoài lộ nhưng khá ít thanh long chín. Đến một số vườn chuẩn bị thu hoạch thì không thể mua được vì đã có người trả giá cao hơn. "Rất khó để mua. Nếu như trước đây chỉ 5 – 6 ngày thanh long chín rất nhiều thì khoảng 3 ngày nay tôi chỉ mua chừng một hai xe tải/ngày, chưa bằng một nửa so với trước" – chị Phương nói.
Theo đại diện Hiệp hội thanh long Bình Thuận, bên cạnh sản lượng thanh long đang đứt lứa thì nhờ các yếu tố kích cầu mà Hiệp hội phối hợp cùng Sở Công Thương Bình Thuận và một số đơn vị khác đã thực hiện mấy tuần qua nên đầu ra thanh long đã ổn trở lại. Hiện tại, trái thanh long đã thâm nhập sâu thị trường nội địa, giúp giải quyết được một phần nguồn hàng tồn kho do thông thương với phía Trung Quốc bị hạn chế bởi dịch bệnh. Đầu tháng 2 vừa qua, Sở Công Thương Bình Thuận đã kết nối với 12 đơn vị hỗ trợ đưa trái thanh long đến dễ dàng hơn với người tiêu dùng trong nước thông qua kênh bán hàng như siêu thị, trung tâm thương mại...
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc cũng đã được tỉnh Bình Thuận chú trọng mở rộng giúp trái thanh long giải quyết phần nào bài toán tồn đọng. Đại diện Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết thêm bên cạnh các xe container chở thanh long của địa phương đang dần được thông quan với phía Trung Quốc qua đường bộ thì cũng đã có một số doanh nghiệp vận chuyển trái cây này bằng đường biển.
Giá thanh long tăng giảm bất thường
Sáng 20-2, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, cho hay hiện giá thu mua thanh long do các kho Trung Quốc phát ra đã giảm 4.000 – 5.000 đồng/kg so với đầu tuần. Theo đó, giá thanh long loại 1 chỉ còn 35.000 – 36.000 đồng/kg. "Nếu thị trường thật sự hút hàng thì trong lúc sản lượng trái chín còn ít, giá phải đứng ở mức 40.000 đồng/kg hoặc thăng thêm chứ không phải quay đầu giảm chỉ sau 1-2 ngày chạm mốc 40.000 đồng/kg được" – ông Trịnh phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An lo ngại cuối tháng này thanh long chín rộ, với diễn biến thị trường bất thường, khó đoán thì nguy rớt giá sẽ lặp lại. "Câu chuyện của mặt hàng thanh long là Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 70%-80% sản lượng nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối lớn của Trung Quốc. Những đầu mối này luôn bắt tay điều tiết, lũng đoạn giá nên phía Việt Nam hoàn toàn bị động" – ông Trịnh nêu thực trạng.
Trước thực trạng này, ông Trịnh cho hay Hiệp hội và chính quyền tỉnh Long An rất mong muốn liên kết với các hệ thống phân phối trong nước, các doanh nghiệp sản xuất để tạo đầu ra ổn định hơn cho trái thanh long. Thế nhưng, đến nay việc hợp tác bán hàng nội địa vẫn còn nhiều trở ngại. Ngoài vướng mắc lớn là giá thu mua của các hệ thống phân phối trong nước thấp hơn giá thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, các hệ thống phân phối thường chỉ mua số lượng nhỏ và chỉ đặt hàng 1 loại sản phẩm. "Trung Quốc mua hàng rất dễ, họ phát giá thanh long loại 1, loại 2, loại 3 và thu mua hết cả 3 loại. Còn trong nước chỉ đặt hàng 1 loại, nông dân, HTX phải tự phân loại và xử lý, tìm nơi tiêu thụ những loại còn lại" – ông Trịnh nêu và bày tỏ mong muốn có cơ chế hợp tác tốt hơn với các hệ thống phân phối trong nước trong thời gian tới, sao cho trái thanh long bán ra thị trường nội địa với giá hợp lý, nông dân có lãi và hợp đồng ổn định.
Người lao động