Giá lợn hơi chạm đáy, thịt lợn ở chợ và siêu thị vẫn "đứng im"
Dù giá lợn hơi đã giảm gần 50% trong 3 - 4 tháng qua, nhưng giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn gần như "đứng im".
- 11-10-2021Xót lợn nuôi bán lỗ thê thảm, đi chợ phải mua thịt giá cao, chủ nuôi tự tay mổ lợn bán
- 08-10-2021Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh
- 07-10-2021Lo ngại nguy cơ thiếu thịt lợn dịp Tết
Người chăn nuôi thua lỗ vì giá lợn xuống thấp
Những ngày gần đây giá lợn hơi liên tục giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao khiến người nuôi lỗ nặng. Do ách tắc khâu lưu thông, mức tiêu thụ giảm đến 30% do nhiều nơi giãn cách, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học vẫn đóng cửa nên giá lợn hơi liên tục giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Từ tháng 4 đến nay giá lợn đã giảm mạnh, giờ chỉ còn mức 35.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng đến 36% khiến người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.
Những ngày gần đây giá lợn hơi liên tục giảm sâu. Ảnh minh họa.
Những ngày này anh Dần (xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội) đứng ngồi không yên. 15 năm chăn nuôi lợn, chưa năm nào anh thấy khó khăn như năm nay. Mới tuần trước anh đã phải chịu lỗ khi xuất bán 20 con lợn với giá 45.000 đồng/kg, 30 con còn lại cố chờ xem giá có lên không nhưng tuần này thương lái chỉ trả giá 35.000 đồng/kg.
Với giá trên dù đã tận dụng rau củ cho lợn ăn để bớt tiền cám thì mỗi con tính nhanh đã lỗ gần 1 triệu đồng, nuôi không được mà bán cũng chẳng đành.
Nhà anh Trường (xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội) cũng không khá gì hơn, đàn lợn trong chuồng trọng lượng đã hơn 100kg, đáng lẽ phải xuất chuồng từ tuần trước mà đến giờ vẫn chưa thể bán. 100 con lợn thịt mỗi ngày ăn hàng chục bao cám, riêng tiền cám mỗi con đã hết 50.000 đồng/ngày, chưa kể tiền điện nước, nhân công. Lợn còn trong chuồng ngày nào anh còn lo lắng ngày đấy.
"Bây giờ thì không biết tính đường nào cả, chỉ mong làm sao giá thị trường lên, giá thức ăn chăn nuôi giảm để cho đầu ra tốt hơn. Vấn đề cơ bản nhất là đầu ra tốt, người chăn nuôi mới đỡ vất vả, còn như thế này vất vả quá, quá khổ, anh Trường chia sẻ.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc - miền Trung, giá lợn hơi sẽ còn nhiều biến động và dự báo có thể tiếp tục giảm sâu. Nếu giá tiếp tục giảm, người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng bởi ở thời điểm hiện tại, phải bán được mức giá khoảng 60.000 đồng/kg người nuôi mới hòa vốn.
Giá thịt lợn ngoài chợ vẫn ở mức cao
Có một nghịch lý là dù giá lợn hơi đã giảm gần 50% trong 3 - 4 tháng qua, nhưng giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn gần như "đứng im". Tại các chợ dân sinh, giá lợn dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên người bán vẫn cho đây là một mức giá hợp lý bởi bản thân họ cũng phải trả nhiều chi phí để bán được thịt đến tay người dân.
Mỗi ngày sạp của chị Phượng (xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội) bán hết 1 con lợn. Lợn được chị mua của bà con chăn nuôi quanh xã. Vì tự mua, tự bán nên khi giá lợn hơi giảm, chị cũng có giảm giá chút ít cho người mua.
Giá buôn chị bán 75.000 đồng/kg, giá lẻ dao động 80.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại. Giá này theo chị không thể giảm thêm vì nếu giảm thì chị sẽ không có lãi.
Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá đắt. Ảnh min họa.
Theo cục chăn nuôi, sở dĩ có sự chênh lệch cao giữa giá lợn hơi khi xuất bán và thịt được bán ở chợ, trong siêu thị là bởi chi phí trung gian quá nhiều và do dịch bệnh đã phát sinh thêm nhiều loại chi phí khác.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho hay: "Hiện tại giá lợn bán ra rất thấp, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao. Chi phí lưu thông vận chuyển khâu trung gian mất quá nhiều, vì vậy để giảm khâu này, các cơ quan các ban, ngành địa phương phải cho lưu thông vận chuyển hàng hóa tốt.
Ngoài ra, cần có những chính sách để giảm việc phân tích mẫu test nhanh hay PCR và hài hòa các địa phương vì nhiều nơi có những quy định không được phù hợp sẽ khiến tăng chi phí lên. Mỗi thứ một tí nó sẽ gây khó khăn cho ngành chăn nuôi".
Trong khi người chăn nuôi đang thua lỗ nặng, trung bình mỗi con lợn bán ra, người nuôi lỗ khoảng 1.000.00 - 1.500.000 triệu đồng thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá đắt. Càng nghịch lý hơn khi nguồn cung trong nước đang dư thừa, vẫn có hàng nghìn con lợn được nhập khẩu mỗi ngày.
VTV.VN