Giá lúa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây
Hiện nay, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là tín hiệu vui đối với doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL.
- 26-08-2020Lúa, gạo ở ĐBSCL cùng tăng giá vào cuối vụ
- 20-08-2020Lúa gạo tăng giá, doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL phấn khởi.
- 07-05-2020Giá lúa tại ĐBSCL tăng sau khi xuất khẩu gạo bình thường trở lại
Đối với vụ lúa Thu Đông sớm này, nông dân Phan Thiện Khanh, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ canh tác giống lúa chất lượng cao, việc canh tác giống lúa này cũng không khác gì so với những giống ngắn ngày trước đây nhưng giá bán thì lại tăng, tính ra lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần. Anh Khanh chia sẻ, với hơn 1,7 ha trồng lúa OM5451, trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày là thương lái đã đến tận nhà để thu mua với giá 5.800 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong những năm trở lại đây, trừ chi phí người dân lãi hơn 3 triệu đồng trong 1 công.
“Giá bán lấy cọc rồi là 5.800 đồng/kg lúa tươi, tôi cũng làm nhiều năm rồi mà năm nay vẫn sốt giá, giá lúa vẫn ở mức cao, nông dân phấn khởi. Thường thường mọi năm, giá lúa dao động trong khoảng 4.500 – 5.000 đồng/kg, mà giờ lên 5.800 đồng /kg, chênh lệch gần 1.000 đồng 1/kg”, ông Khanh nói.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP. Cần Thơ cho rằng, giá gạo xuất khẩu năm nay tăng không phải vì dịch Covid-19, mà do chất lượng gạo của Việt Nam tăng lên trong thời gian qua. Điều này đã được các đối tác nước ngoài đánh giá. Năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng tốt, giá bán cao hơn từ 20 - 30% so với năm 2019.
Giá lúa ở ĐBSCL cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Bình cho biết thêm, xu thế tiêu dùng của người dân và các thị trường nhập khẩu đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, doanh nghiệp và người dân đã thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao chất lượng gạo. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu có hiệu lực từ ngày 1/8, đây là một trong những hiệp định rất có ý nghĩa và rất quan trọng đối với gạo của Việt Nam. Trước đây, gạo Việt Nam cũng xuất khẩu sang châu Âu, nhưng thuế nhập khẩu cao nên gạo Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác trên thế giới. Đến nay, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực, với thuế suất về 0% như vậy, gạo Việt Nam có cơ hội rất lớn, không những đi vào châu Âu mà còn ảnh hưởng đến quốc gia khác.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành 4, tỉnh Vĩnh Long cho biết, xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ĐBSCL. Người dân hiện nay đã tập trung vào những giống chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
“Công ty chúng tôi cũng đã làm những chính sách làm sao để gạo bán ra thị trường với giá tốt nhất, có lợi cho người trồng lúa, có lợi cho doanh nghiệp và cũng có lợi cho kinh tế Việt Nam. Giá hiện tại so với cùng kỳ hàng năm thì rất tốt, cao hơn hơn 20%”, ông Nguyễn Văn Thành cho hay.
Xuất khẩu gạo tăng, giá lúa ổn định là tín hiệu vui đối với doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL |
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, trên địa bàn thành phố hàng năm sản xuất khoảng 200.000 ha lúa. Thời gian qua, người dân tập trung vào những giống chất lượng cao, vì vậy giá bán cũng cao hơn so với cùng kỳ. Đối với vụ lúa Thu Đông, trên địa bàn có khoảng 68.000 ha, hiện, một số trà lúa sớm đã thu hoạch với năng suất từ 5,1 - 5,3 tấn/ha, giá bán cao hơn so với cùng kỳ đến 400 đồng/kg, người dân trồng lúa đều vui mừng.
“Trong năm 2020, do nhu cầu lương thực của thế giới tăng, nên việc thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong vụ Hè Thu vừa qua và Thu Đông hiện nay hết sức thuận lợi. Qua theo dõi thực tế, trà lúa Thu Đông được thu hoạch bà con cũng bán giá cao hơn so với vụ Thu Đông 2019 từ 200 - 400 đồng/kg”, ông Trần Thái Nghiêm cho hay.
Theo Sở Công thương tỉnh An Giang, giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng gạo trong tháng 8 đạt 560 USD/tấn, tăng 54 USD/tấn so với tháng 1 năm nay và tăng 72 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2019. Trong gần 8 tháng qua, xuất khẩu gạo của tỉnh đạt hơn 343.000 tấn, giá trị xuất khẩu gạo đạt hơn 185 triệu USD, tăng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Với những tín hiệu vui từ xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua cho thấy, gạo Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, từ giá trị đến chất lượng lúa gạo. Điều này đã được các đối tác nước ngoài đánh giá cao và được thể hiện qua các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng trong những tháng vừa qua. Giá gạo xuất khẩu ổn định, giá lúa thương phẩm cao, là tín hiệu vui đối với người dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL khi bước vào thu hoạch vụ lúa Thu Đông.
VOV