MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá lúa ĐBSCL tăng, nông dân 'dễ thở'

13-03-2017 - 16:00 PM | Thị trường

Hiện nay giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tăng liên tục do năng suất lúa đông xuân 2017 ở mức thấp và các doanh nghiệp thu gom hàng để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất lợi, dịch bệnh phát sinh nên sản lượng lúa ĐX 2016 – 2017 ở ĐBSCL dự báo sẽ giảm, dù nhiều địa phương đang vào đợt thu hoạch rộ nhưng doanh nghiệp tranh nhau mua lúa tươi tại ruộng, nông dân phấn khởi vì bán được giá cao.

Mấy ngày qua, giá lúa đã tăng thêm 100 – 200 đồng/kg, cụ thể giống nếp (nếp An Giang và nếp Long An) giá ở mức từ 5.700 – 6.200 đồng/kg; các giống OM 4900, OM 6976 ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; những loại lúa chất lượng thấp có mức 4.700 – 4.900 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 tươi từ 4.650 đồng/kg tăng lên 4.700 đồng/kg. Theo đánh giá của thương lái thu mua lúa, gạo trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL, giá lúa hiện đã tăng từ 300 – 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Lão nông Lê Văn Rép, ở ấp 2, xã An Long, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) với 40 năm kinh nghiệm trong việc trồng lúa chia sẻ, hiện tại giá lúa tăng nhưng nhiều hộ nông dân không còn để bán. Cách đây 1 tháng, gia đình ông Rép đã thu hoạch xong 3ha lúa, bán với giá 4.500 đồng/kg, lãi hơn 45 triệu đồng.

Để tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sử dụng phương thức canh tác tiên tiến như: quản lý dịch hại IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, giảm giống, sử dụng cấy máy, sạ hàng. Đồng thời, sử dụng các loại giống có chất lượng, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt làm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết thêm, nông dân khu vực trồng chủ yếu là nếp, bán với giá cao từ 6.000 – 6.200 đồng/kg, năng suất lúa dao động từ 10 – 11 tấn/ha (lúa tươi). Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã giúp nông dân giảm giá thành nên thu lợi nhuận khá.

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã ký hợp đồng với các công ty thu mua lúa gạo với mức giá cao hơn từ 200 – 700 đồng/kg so với giá thị trường, giúp nông dân yên tâm sản xuất.


Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Lê Thành Tính, thương lái mua lúa tại huyện Lai Vung - Đồng Tháp cho biết, giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy, dao động trong khoảng 4.700-4.800 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với tháng trước. Còn các loại giống lúa chất lượng cao xuất khẩu cũng tăng hơn 100 đồng/kg, ở mức 5.600 – 5.900 đồng/kg.

Vừa thu hoạch xong lúa ĐX, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Tân Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) phấn khởi cho biết: Năm nay, giá lúa không ngừng tăng cao, người dân làm lúa có lãi khá. Giá lúa đầu vụ thu hoạch chỉ khoảng 5.500 đồng/kg, đến nay đã tăng lên 6.000 đồng/kg.

Gia đình ông Tùng có 3ha đất sản xuất lúa. Ông thu hoạch mỗi công được 17 bao, ước năng suất đạt khoảng 700 kg/công. Tuy không trúng bằng vụ ĐX 2015 – 2016, nhưng ông bán được giá 5.700 đồng/kg, cao hơn vụ cùng kỳ tới gần 1.000 đồng/kg. Mỗi công ông thu lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng.

Theo ông Tùng, với giá lúa này người làm lúa sống khỏe. Tuy nhiên, khó khăn đối với nông dân hiện nay là giá thuê cơ giới liên tục tăng, ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của bà con. Những vụ mùa năm trước, gia đình ông thuê máy cắt chỉ mất 220.000 đồng mỗi công. Năm nay, giá máy cắt tăng lên 250.000 đồng. Bên cạnh đó, giá máy cải tạo đất cũng tăng khoảng 20.000 đồng/công. Tính ra, mỗi vụ ông phải trả thêm khoảng 1,5 triệu đồng cho riêng phần thuê cơ giới. Mỗi năm canh tác 3 vụ, nông dân sẽ mất một khoản thu nhập tương đối lớn.

Cũng trong niềm vui trúng giá lúa vụ ĐX, anh Trần Văn Nhất (TT.Trà Cú, huyện Trà Cú, Trà Vinh) chia sẻ: Thương lái địa phương đang thu mua tại ruộng những giống lúa thường lên tới 5.300 – 5.500 đồng/kg, cao hơn vụ ĐX 2015 – 2016 khoảng 10%. Đặc biệt, thời gian này đã vào chính vụ thu hoạch tại địa phương, nhưng giá lúa không có dấu hiệu giảm.

Theo ông Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Cty CP Nông lâm nghiệp Phan Minh – Kiên Giang, giá lúa tăng và đứng ở mức như hiện nay là do có nhiều yếu tốt tác động. Thứ nhất là nông dân đã chuyển đổi cơ cấu giống lúa, không còn chạy theo IR 50404 như trước đây. Ngoài ra, tiêu thụ nội địa cũng đang tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp đang chuyển số lượng lớn gạo từ ĐBSCL ra phía Bắc tiêu thụ, tạo sự chuyển biến mạnh trên thị trường.

Theo Vũ Chánh Hiếu

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên