Giá lúa gạo tăng cao, thương nhân xuất khẩu chốt bán song song
Giá thu mua lúa vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được bán ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, dao động ở mức 6.400-7.000 đồng/kg.
- 09-03-2021Gạo Việt Nam lập đỉnh giá mới
- 07-03-2021Thị trường lúa gạo: Diễn biến không theo thông lệ
- 05-03-2021Sẽ chấm điểm uy tín nhà mua gạo dự trữ quốc gia để tăng tính cạnh tranh
Giá lúa vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được bán ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua. Tại Sóc Trăng, giống Đài thơm 8 được thương lái thu mua tại ruộng với giá 6,9 triệu đồng/tấn, cao hơn 1-2,2 triệu đồng mỗi tấn so với những năm trước.
Tại Hậu Giang, giống lúa OM 5451, OM 18 và RVT được thu mua ở mức 6.400-7.000 đồng/kg, cao hơn 200-800 đồng/kg so với mùa trước và cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tại Long An, giá thu mua lúa IR 50404, Đài thơm 8, lúa thảo nguyên vẫn ở mức giá 6.800 đồng/kg, cao hơn 700 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Riêng lúa ST24 đang được thu mua cao hơn, ở mức 7.500 đồng/kg. Theo đó, người nông dân đang lãi 25-30 triệu đồng mỗi ha, đối với những giống lúa đặc sản con số này có thể lên tới 40 triệu đồng. Năng suất năm nay cũng cao, 7-7,5 tấn/ha, có nơi đạt gần 8 tấn.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết người dân đã thay đổi tập quán canh tác, tập trung vào những giống lúa chất lượng cao, phục vụ nhu cầu xuất khẩu và giá gạo trong suốt thời gian qua cũng ở mức cao khiến giá lúa luôn tăng khi bước vào thu hoạch chính vụ. Vụ lúa Đông Xuân, thành phố Cần Thơ xuống giống hơn 77.000 ha và tập trung vào những giống chất lượng cao hơn 90%, giá bán ổn định người dân đang có lãi cao.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá lúa đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, do nhu cầu của thị trường lớn. Nhiều doanh nghiệp đang mua lúa với sản lượng lớn để chế biến gạo xuất khẩu vì hạt gạo Việt Nam ổn định về chất lượng, được thị trường thế giới ưa chuộng. Có được kết quả này nhà nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều thị trường.
Cũng theo VFA, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đang được bán với giá 513-517 USD/tấn, gạo 25% tấm 488-492 USD/tấn, những loại gạo khác như Jasmine ở mức 563-567 USD/tấn và gạo 100% tấm có giá 438-442 USD/tấn.
Nhu cầu gạo được dự báo vẫn tốt trong năm 2021 do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp và tâm lý Chính phủ vẫn muốn tăng mua dự trữ Quốc gia. Trước đó, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc cũng dự báo nguồn cung lương thực năm nay không đáp ứng đủ cầu.
Trong khi giá lúa gạo bước vào đà tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ bán được lượng rất ít và chưa có giao dịch mạnh. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc, CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết tất cả những loại lúa không phải là lúa thơm thì đều có giá trung bình 7.000 đồng/kg. Ngoài doanh nghiệp ra người dân cũng mua tích trữ để chờ giá gạo lên thì bán. Hiện người dân mua rất nhiều.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết khi giá lúa tươi cao như vậy thì giá gạo thành phẩm cũng rất cao nhưng dù vậy doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo được nguồn cung. Vụ gạo Đông Xuân là nguồn cung chính lương thực cho đến hết quý III. Nhiều doanh nghiệp lớn xuất khẩu cũng phải cân đối giá gạo dù giá lúa tăng cao vì còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận của thị trường nhập khẩu.
Trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam 5% tấm được xuất khẩu với giá 513-517 USD/tấn, nhiều ý kiến cho rằng để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Ấn Độ doanh nghiệp phải tập trung vào phương thức mua bán, thu mua và chốt bán song song thay vì bán trước.
Ông Trung cũng cho rằng "không nên quá đặt nặng vấn đề bán trước mà nên cân nhắc kỹ trong mức độ dự báo, tự đánh giá và kiểm soát rủi ro thì mới thu mua và chốt bán song song".
Vụ mùa Đông Xuân, sản lượng và giá bán lúa đều được giá nhưng người nông dân được khuyến cáo không nên vì thấy giá lúa cao mà đổ xô trồng lúa vụ hè thu sắp tới hoặc tăng vụ khi thời tiết được dự báo không thuận lợi.
Người đồng hành