Giả mạo nhân viên y tế, lừa đảo người dân tiêm vắc xin giả ở TP Hồ Chí Minh: Những nguy cơ khôn lường
Lợi dụng tâm lý người dân đang hoang mang vì dịch bệnh Covid-19, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đặc biệt hành vi lừa người dân tiêm vắc xin giả kiếm lời, rất nguy hiểm tính mạng cho mọi người.
- 09-07-2021Mở rộng đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
- 01-07-2021Phấn đấu 70-75% người dân được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021
- 18-03-2020Khởi tố kẻ làm giả vắc xin phòng bệnh Covid-19 để lừa tiêm ngừa lấy tiền
Công an khuyến cáo người dân cảnh giác
Phòng Tham mưu Công an TP HCM cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, các cơ quan chức năng và người dân đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, các đối tượng xấu cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Các thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo là giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát "thuốc diệt khuẩn" để lừa đảo thu tiền của người dân.
Những đối tượng này còn giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc xin Covid-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng nhưng sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vắc xin Covid-19 giả. Đối tượng còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản.
"Ngoài ra, một số đối tượng đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản; gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân", Phòng Tham mưu Công an TP HCM cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn gửi các tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, Công an TP HCM đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp các trường hợp trên cần báo ngay cho công an để được hỗ trợ.
Bác sĩ cảnh báo nguy cơ chết người từ vắc xin giả
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong trường hợp có ai đó gọi điện thoại và thông báo đến người bệnh hoặc thân nhân người bệnh để tư vấn về thực phẩm chức năng và nói rằng đây là chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, người dân nên cảnh giác vì rất nhiều khả năng đây chính là những cuộc gọi mang tính chất lừa người bệnh để trục lợi…
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay nhiều đối tượng đánh vào tâm lý của người dân đang hoang mang, lo lắng. Các đối tượng lợi dụng, lừa đảo, chào mời người dân mua, tiêm vắc xin không rõ nguồn gốc, thành phần. Điều này rất nguy hại.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà
"Vắc xin không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến chết người. Vì không biết trong đó có những thành phần như thế nào, liệu có hiệu quả hay không. Nếu người dân tiêm vắc xin giả, nguy cơ phản ứng thuốc rất dễ xảy ra. Đặc biệt nếu người dân tự tiêm ở nhà, việc theo dõi sốc phản vệ với các thành phần thuốc không kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao", Bác sĩ Hà đánh giá.
Ngoài ra, Bác sĩ Hà còn cho biết thêm, việc tiêm vắc xin giả mà nhái những nhãn hiệu thật, thương hiệu lớn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các hãng vắc xin đang cung cấp để tiêm cho người dân.
Chính vì thế, Bác sĩ Hà khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng Covi-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Doanh nghiệp và tiếp thị