Giả mạo Techcombank để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng
Tin nhắn giả mạo lợi dụng thương hiệu của Techcombank với mục đích lừa đảo.
Thời gian gần đây, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo thương hiệu của Techcombank với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin và tài sản của người dùng.
- 25-06-2022Google cảnh báo phần mềm gián điệp nhắm đến điện thoại sử dụng iOS và Android
- 25-06-2022Bảo hộ tác phẩm thời công nghệ (kỳ 2): Thách thức và giải pháp tại Việt Nam
- 25-06-2022Trên 90% gian lận tài chính liên quan đến người dùng thẻ trực tuyến
Các phản ánh về việc các đối tượng xấu gửi tin nhắn giả mạo thương hiệu của Techcombank với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin người dùng đã được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tiếp nhận trên hệ thống phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác qua đầu số 5656.
Cụ thể, các đối tượng đã lợi dụng thời gian vừa qua Techcombank bảo trì toàn bộ hệ thống để gửi tin nhắn giả mạo đến người dùng với nội dung: “[Thông báo] Techcombank xác nhận cập nhật thông tin ứng dụng lỗi trên hệ thống. Vui lòng truy cập thực hiện tại: bitly.go.vn/techcombank…”.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị, khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác. Không được cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ tín dụng,… Tuyệt đối không tiết lộ những thông tin đăng nhập dịch vụ Smart Banking như mật khẩu, mã OTP… trong mọi trường hợp.
Trường hợp nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, người dân cần phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin, trực tiếp là Trung tâm VNCERT/CC qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua website chongthurac.vn để Cục An toàn thông tin kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.
Tình trạng nhắn tin mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo người dân đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Hơn thế, mặc dù không phải là chiêu thức lừa đảo mới song vẫn có không ít người mất cảnh giác, bị lừa đảo, và thậm chí là tự làm lộ mật khẩu tài khoản ngân hàng dẫn đến mất tiền.
Đơn cử như, hồi cuối năm ngoái, Trung tâm VNCERT/CC cũng đã ghi nhận hàng loạt phản ánh của người dân về việc họ nhận được tin nhắn mạo danh các ngân hàng ACB, Sacombank, TPBank... để lừa người dùng truy cập vào các website giả mạo trang giao dịch điện tử của ngân hàng, từ đó đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trong chia sẻ tại sự kiện Vietnam Security Summit 2022 mới đây, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cũng cho biết, từ tháng 5/2019 đến nay, đã xuất hiện nhiều chiến dịch tấn công lừa đảo nhằm vào các ngân hàng tại Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, thông tin giao dịch thanh toán của người dùng.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Cục An toàn thông tin đã nhận được khoảng 1.000 lượt phản ánh của người dân về các vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Cục An toàn thông tin đã nhận được khoảng 1.000 lượt phản ánh của người dân về các vụ lừa đảo trên không gian mạng. |
Để ngăn chặn, giải quyết tình trạng lừa đảo trực tuyến “nở rộ” kể trên, thời gian qua Cục An toàn thông tin đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục An toàn thông tin đã phát hiện, xử lý 506 website lừa đảo giả mạo tổ chức tài chính, ngân hàng. Hỗ trợ xử lý ngăn ngừa 1,5 triệu người dùng Internet Việt Nam tránh truy cập vào các trang lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Cục An toàn thông tin cũng đã phối hợp địa phương cảnh báo, tuyên truyền đến cơ sở hàng tuần danh sách website giả mạo; phát triển ứng dụng bảo vệ người sử dụng.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trên không gian mạng, trong năm nay, Cục An toàn thông tin đã và sẽ tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tổ chức chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; triển khai các giải pháp phục vụ người dân như phát triển cổng khonggianmang.vn là điểm đến về an toàn thông tin của người dân và đẩy mạnh sử dụng app bảo vệ người dân.
Phát triển trang DauhieuLuadao.com để cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình giúp người dân nhận biết những phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.
Đồng thời, tiếp tục giám sát 24/7 để phát hiện, cảnh báo và xử lý các website vi phạm pháp luật; hỗ trợ xử lý, ngăn ngừa người dùng Internet Việt Nam truy cập vào các trang web lừa đảo, vi phạm pháp luật; kiểm tra việc tuân thủ quy định bảo vệ thông tin cá nhân đối với các nền tảng số phục vụ người dân.
ICT News