MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá nhà bị đẩy lên cao vì "nhiều người không thiếu nhà ở nhưng lại muốn mua, muốn đầu tư"

06-07-2024 - 15:40 PM | Bất động sản

Giá nhà bị đẩy lên cao vì "nhiều người không thiếu nhà ở nhưng lại muốn mua, muốn đầu tư"

Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, vấn đề nóng nhất hiện nay là thị trường bất động sản nhà ở.

Tại Hội thảo "Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển" do báo Lao động tổ chức mới đây, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, vấn đề nóng nhất hiện nay là thị trường bất động sản nhà ở. Giờ tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản nhà ở. Nhà ở được xã hội rất quan tâm vì nó đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là ở các đô thị hiện nay.

Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai nói rằng: "Phân khúc nhà ở còn khó khăn vì nguồn cung không đủ cầu. Nhiều người không phải thiếu nhà ở đâu nhưng lại tham gia đầu tư cho nên dẫn đến tình trạng thiếu. Bất động sản khu công nghiệp, các loại bất động sản khác thì không phải ai cũng đầu tư được. Ví dụ như bất động sản công nghiệp phải là những nhà đầu tư lớn mới làm được. Còn đối với nhà ở, cá nhân cũng tham gia được, ai cũng muốn mua, ai cũng muốn đầu tư vào đó, dẫn đến bị đẩy giá lên và gây nên những khó khăn cho thị trường".

Tuy nhiên theo Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, đây là thị trường nên chúng ta phải chấp nhận cả những người mua để dùng và mua để đầu tư. Nhưng cần hướng đến những người có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa có nhà ở thì nhà nước phải đáp ứng nhu cầu này cho họ.

Ông Bình cho hay, vừa rồi, chúng ta đã xác định rất trúng khi đầu tư vào nhà ở xã hội, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội vì nhà ở xã hội rất khó để đầu cơ vì phải đủ tiêu chuẩn. Chính phủ đã có đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội và đang thúc đẩy mạnh mẽ đối với đề án này. Trong những năm tới sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu cho người dân, đặc biệt người dân có thu nhập thấp ở các đô thị.

"Chúng ta tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản chủ yếu là nhà ở này và đã có 1 số tín hiệu đã khởi sắc. Đồng thời hiện nay Quốc hội đã thông qua một đạo luật sửa đổi để các luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1.8.2024 này, như vậy chỉ chưa đầy 1 tháng nữa là đi vào vận hành. Tất cả những điểm ưu việt của 3 luật liên quan đến kinh doanh bất động sản sẽ đưa vào thực hiện được ngay. Như vậy, chúng ta thấy được nỗ lực rất tích cực của Chính phủ, khẩn trương tháo gỡ những khó khăn của bất động sản" - ông Bình nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai cũng cho biết, các nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai sẽ hoàn thiện trong tháng 7 này để 1/8 khi luật có hiệu lực sẽ đồng bộ đi vào thực tiễn.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường khan hiếm nguồn cung lại có thêm nhóm đầu cơ lớn khiến khả năng tiếp cận nhà ở của phần đông người dân ngày càng khó.

Những tháng đầu năm 2024, tín dụng vay tiêu dùng, mua bất động sản vẫn tiếp tục đà suy giảm dù lãi suất cho vay đã duy trì ở mặt bằng thấp. Bởi những biến cố về lạm phát, lãi suất… vẫn chưa thể dự đoán. Việc vay tiền để mua nhà và trả nợ hàng tháng với số tiền trên 10 triệu đồng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình, khi họ không thực sự tự tin vào tình hình công việc và thu nhập trong tương lai.

Liên quan đến những khó khăn vướng mắc, rào cản trong việc triển khai thực hiện trên thị trường bất động sản trong thời gian qua, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã nhìn nhận được những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý. 

"Ở đây có tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc triển khai từ thủ tục của dự án bất động sản thường rất phức tạp, kéo dài, thực hiện không đồng bộ, giữa các bộ ngành cũng như địa phương.

Bên cạnh đó là các vấn đề khó khăn liên quan đến việc phát triển nhà ở, chuyển đổi nhà ở, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, tái định cư, cơ cấu các loại bất động sản nhà ở. Trong đó nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội dành cho các đối tượng khó khăn của khu vực đô thị gặp khó khăn nhất về mặt pháp lý", ông Dũng nhận định.

Vị này cho rằng, với những nhìn nhận về khó khăn vướng mắc đó, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đã sửa đổi, ban hành luật mới cũng như các Nghị định mới.

Theo đó, việc xây dựng luật, hệ thống pháp luật từ nghị định đến thông tư trong thời gian vừa qua đã được thay đổi và cải thiện.

Thứ nhất là giải quyết tính đồng bộ, thứ hai là tất cả các nghị định đối với Luật Đất đai đã được hoàn thiện, sẵn sàng để trình Chính phủ, đảm bảo có hiệu lực khi luật có hiệu lực.

Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản thì Bộ Xây dựng được giao năm Nghị định gồm có nghị định quy định chung Luật Nhà ở; Phát triển nhà ở xã hội; Cải tạo chung cư cũ; Luật kinh doanh bất động sản; Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản. Năm Nghị định này đã được hoàn chỉnh và sẵn sàng trình ban hành, đảm bảo thực thi khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8.

"Tới đây, dưới góc độ của các cơ quan quản lý Nhà nước, sau khi ban hàng luật sẽ có hướng dẫn tới các địa phương, đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp triển khai thực hiện. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy thị trường bất động sản hoạt động tốt hơn", ông Vương Duy Dũng nói.

Phương Hoàng

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên