Giá nhà Hà Nội cao gấp 18 lần thu nhập, xa vời giấc mơ mua nhà
Hiện nay, thu nhập tăng không theo kịp với giá nhà, thậm chí chênh lệch quá lớn khiến việc sở hữu được căn nhà vẫn là giấc mơ với nhiều người thu nhập thấp.
- 10-09-2023Bất ngờ giá nhà tập thể nội đô Hà Nội ngang ngửa chung cư mới
- 06-09-2023Chung cư Hà Nội trung bình 50 triệu đồng/m2, lộ diện khu vực giá nhà rẻ chỉ bằng 2/3
- 24-08-2023Lộ diện khu vực sở hữu quỹ đất lớn, mật độ cây xanh/người cao nhưng mặt bằng giá nhà vào nhóm thấp nhất Hà Nội
Việc sở hữu nhà, nhất là chung cư, ngày càng trở nên khó khăn hơn với người dân ở những thành phố lớn, thậm chí là không tưởng với nhiều người thu nhập thấp.
Khoảng 4 năm trước, chị Thanh mua một căn hộ hơn 900 triệu đồng. Đó là số tiền chị dành dụm được sau cả chục năm tích lũy.
"Với số tiền đó, về vùng quê, vùng sâu, vùng xa thì chắc là có. Còn nếu ở đây, giá đấy chỉ có chung cư mini", chị An Lệ Thanh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.
"Mình có tìm hiểu qua nhà mặt đất hay những dạng nhà xã hội khác nhau. Nhà mặt đất hoặc là quá đắt hoặc là quá xa. Còn những nhà xã hội hay những nhà tái định cư thì thực sự lượng quá thấp", anh Nghiêm Việt, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết.
Thời điểm này, để mua một căn hộ có điều kiện tốt hơn chung cư mini đang ở với phần đông người lao động như anh Việt, chị Thanh lại càng khó.
Việc sở hữu nhà, nhất là chung cư, ngày càng trở nên khó khăn hơn với người dân ở những thành phố lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, trong vòng 4 năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội tăng khoảng 6%/năm.
Trong khi đó, giá căn hộ tăng 13%/năm, nghĩa là mức tăng của thu nhập chưa bằng một nửa tốc độ tăng của giá nhà.
"Càng ngày giá nhà càng cao, việc tiếp cận trở nên khó hơn. Người dân cũng sẽ mất nhiều thời gian để có thể thu xếp, sở hữu nhà", bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội, đánh giá.
Giá nhà tăng nhanh một phần nguyên nhân là do nguồn cung sụt giảm. Nửa đầu năm nay, Hà Nội chỉ có thêm khoảng 5.600 căn hộ mới, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ 7% trong số đó có giá dưới 25 triệu đồng/m2.
"Căn hộ bán với giá trên 50 triệu đồng/m2 đang chiếm trên 80 - 90%. Căn hộ đang được bán trực tiếp từ chủ đầu tư có giá từ dưới 25 triệu đồng ít khiến những người có thu nhập thấp, công nhân làm trong các khu công nghiệp không thể tiếp cận", bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội, nhận định.
"Cũng muốn thay đổi cái chỗ khác để an toàn hơn, chắc phải tìm hiểu những nhà có giá dành cho những người có thu nhập thấp, còn cái 3 - 4 tỷ thì không mơ", chị An Lệ Thanh chia sẻ thêm.
Những tòa chung cư mới là giấc mơ gần như không tưởng đối với nhiều người đang sống ở Thủ đô khi giá nhà ở đã gấp hơn 18 lần thu nhập, theo báo cáo của Viện Đất đai đô thị.
Giải bài toán thiếu nhà ở xã hội
Nhu cầu nhà ở ngày một gia tăng. Theo dự báo của công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình, nhưng nguồn cung nhà ở chỉ đáp ứng được hơn một nửa. Vậy xây thêm nhiều nhà hay chung cư có phải là lời giải cho bài toán thiếu nhà ở, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp hay không?
Nằm ở ngay mặt đường Tố Hữu, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn 32 tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm sau được nhiều người quan tâm.
4 tháng trước, khi dự án mở bán, hơn 1.300 người đến bốc thăm giành quyền mua 149 căn hộ, nhưng không phải dự án nào cũng hút khách dù loại hình nhà ở này đang rẻ bằng 1/3 so với giá nhà trong cùng khu vực.
"Xa trung tâm sẽ ít thu hút được người mua nhà hơn. Có khi bán hàng chục lần chưa hết. Ví dụ như dự án tại huyện Hoài Đức, phải đến hơn 20 lần đăng ký kế hoạch bán nhà, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 43 căn hộ để bán và 89 căn hộ cho thuê", ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết.
Hà Nội đang triển khai 54 dự án nhà ở xã hội và 5 Khu đô thị - nhà ở xã hội tập trung. Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ bổ sung thêm hơn 90.000 căn hộ, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố.
Theo các chuyên gia, nếu chỉ tăng chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội thì không thể giải quyết được hoàn toàn bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp.
"Singapore tiêu biểu về việc giải quyết nhà ở xã hội, nhưng dân số từ những năm bắt đầu có chương trình cho đến nay chỉ tăng gấp 3 lần. Trong cùng khoảng thời gian đó, TP Hà Nội tăng 10 lần thì không có một chính sách nào có thể giải quyết được lượng tăng khủng khiếp như thế. Đó là chưa kể nếu chúng ta giải quyết tốt nhà ở xã hội trong Hà Nội mà các địa phương khác không giải quyết được, hoặc việc làm không rải ra ở các địa phương khác thì nguồn dân nhập cư lại dồn về Hà Nội đông hơn và lại đặt gánh nặng lên hệ thống chính sách nhà ở xã hội", TS. Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, nhận định.
"Thành phố sẽ ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi đi lại, đồng bộ với hạ tầng để người mua nhà yên tâm", ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay.
Nhà ở xã hội là bài toán về nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị, nhưng để người có nhu cầu thật sự tiếp cận được với loại hình nhà ở này cần có một quy hoạch tổng thể, tương thích với sự phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, xã hội của thành phố.
VTV.VN