MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia nhập câu lạc bộ "Tứ đại đẳng gia châu Á" và rào cản lớn nhất của Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do – EVFTA - được xem là hiệp định "tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển" vì sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế đánh vào hàng EU xuất sang Việt Nam (sau 10 năm) và ngược lại (sau 7 năm). Tuy nhiên, EVFTA vẫn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Số phận sẽ được quyết định sau 3 tháng nữa.

Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu dành thêm sáng 1/11 gặp báo chí để trao đổi về Hiệp định EVFTA bên cạnh lịch trình 4 ngày (28 – 31/10) cùng đoàn 8 nghị sĩ gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

Thông tin về tiến trình của Hiệp định, ông Bernd Lange cho biết nhiều khả năng Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn vào tháng 5/2020, tức tại kỳ họp tiếp theo. Còn với Nghị viện châu Âu, hiện đang là giai đoạn cuối. Phái đoàn của ông đến Việt Nam nhằm tìm hiểu thực tế.

Gia nhập câu lạc bộ Tứ đại đẳng gia châu Á và rào cản lớn nhất của Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Bernd Lange

Uỷ ban Thương mại Quốc tế sẽ thảo luận thêm và bỏ phiếu trong vào ngày 31/1/2020. Sau cùng, vào tháng 2/2020, Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu tại phiên toàn thể, quyết định tính hiệu lực của EVFTA. Tuy nhiên, ông Bernd Lange cũng thể hiện thái độ lạc quan với EVFTA.

EVFTA được xem là hiệp định "tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển", theo Hội đồng châu Âu. Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 trong Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với EU. Trước đó là Singapore.

Hồi tháng 6, khi Hiệp định được ký kết, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận xét: "Một ý nghĩa khác to lớn hơn là Việt Nam đã gia nhập được câu lạc bộ của ‘Tứ đại đẳng gia’ gồm bốn đại gia thương mại đẳng cấp của châu Á, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, để ngồi cùng ‘mâm trên’ với đối tác thương mại lớn nhất và đẳng cấp nhất thế giới là Liên minh châu Âu".

Theo thoả thuận, Hiệp định này sẽ loại bỏ 99% thuế quan giữa 2 bên. Trong đó, 65% hàng hoá từ châu Âu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay thời điểm EVFTA có hiệu lực. Những hàng hoá còn lại sẽ giảm sau 10 năm. Ở chiều ngược lại là 71% hàng hoá Việt Nam được bỏ thuế ngay, và lộ trình giảm thuế sẽ diễn ra trong 7 năm.

"EVFTA không chỉ là hiệp định đầu tư thương mại thông thường mà còn hướng đến phát triển bền vững, phát huy quyền con người", ông Bernd Lange nhấn mạnh. Việc tham gia hiệp định này cũng hướng đến việc Việt Nam buộc phải theo những chuẩn cao hơn, hướng đến việc phát triển phải đi kèm chất lượng, sau một thời gian dài nền kinh tế "nóng".

Cụ thể, ông nhắc đến chương 13 của Hiệp định, gồm 17 điều, chia thành 3 nhóm nội dung: Các cam kết về cách thức ban hành các tiêu chuẩn, quy định nội địa liên quan tới các khía cạnh bền vững; Các cam kết về các khía cạnh cụ thể của phát triển bền vững (lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp); Các vấn đề khác (giải quyết tranh chấp…).

Những vấn đề có thể kể đến như quyền lao động, các chuẩn mực về môi trường (Đa dạng sinh học, giảm thiểu CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lực tái tạo..)…

"Chương 13 không chỉ là ý tưởng của Nghị viện châu Âu mà còn là lập trường chung của cả châu Âu", ông nhấn mạnh.

Ông Bernd Lange đã có cuộc trao đổi ngắn với Báo Trí Thức Trẻ về những việc cần làm trong khoảng thời gian trước khi Nghị viện châu Âu tiến hành bỏ phiếu.

Trong 3 tháng còn lại, theo ông, tín hiệu, hành động nào từ Việt Nam có thể khiến cho phía châu Âu cảm thấy bị thuyết phục hơn?

Chúng tôi thật sự rất mong chờ đến lúc Hiệp định này được phê chuẩn và đi vào thực thi một cách tốt nhất. Tôi đã rất vui mừng khi Việt Nam thông qua 3 công ước quan trọng còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO. Một trong số đó đã được đưa vào dự thảo Luật Lao động sửa đổi.

Ngoài ra, những nỗ lực để phía châu Âu tin tưởng, bị thuyết phục hơn nằm ở những biện pháp bổ sung. Ví dụ như tiến trình liên quan đến chứng thực sản phẩm, những việc thực hiện điều khoản liên quan đến chương 13 về thương mại và phát triển bền vững. Hay việc thiết lập những nhóm tư vấn trong nước để đảm bảo việc giám sát thực thi Hiệp định sau này.

Việt Nam là một nước đang phát triển. Việc ký kết FTA với những nước chưa có cùng chuẩn mực cao như châu Âu liệu có tạo ra một thứ áp lực nào không? Kinh nghiệm của EU trong việc này như thế nào?

Rõ ràng những thoả ước với những nước đang phát triển sẽ mang tính chất bất đối xứng. Những quốc gia đang phát triển, như Việt Nam chẳng hạn, sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn so với EU.

Ví dụ những FTA mà chúng tôi đã ký với châu Phi. Những quốc gia ở đây có trình độ phát triển rất thấp nếu so với Việt Nam. Những FTA như vậy rõ ràng là phi đối xứng.

Với Việt Nam, tôi cho rằng có nhiều điểm đất nước các bạn được hưởng lợi. Nó không chỉ nói đến thương mại mà cả đầu tư. Rõ ràng Việt Nam vẫn là quốc gia cần đầu tư, cần FDI. Nhưng đầu tư này cần đảm bảo phù hợp và có trách nhiệm. Điều đó giúp Việt Nam có lợi ích trong xuất khẩu một số ngành chủ chốt như dệt may, điện tử, nông nghiệp. Đồng thời, nó cũng giúp Việt Nam có biện pháp xây dựng năng lực để vươn lên, nâng cao chuẩn của mình.

Ông từng nói trong 5 năm nữa, EU sẽ không ký thêm nhiều FTA nữa. Vậy trong châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, liệu có nước nào có cơ hội cạnh tranh với Việt Nam không?

Câu trả lời nếu nói ngắn gọn và đơn giản nhất thì không. Phân tích cụ thể ra thì Việt Nam đang đảm đương rất nhiều trách nhiệm quốc tế. Việt Nam sẽ sớm đảm nhiệm ghế chủ tịch ASEAN, sớm trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Về mặt kinh tế, các bạn cũng có tốc độ cao hơn nhiều quốc gia khác. Như vậy khả năng những nước khác cạnh tranh là khó.

Cảm ơn ông.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên