Giá ô tô đã xuống đáy?
Như dự đoán, tháng 11, giá ô tô trên thị trường tiếp tục có đợt giảm sâu và lần này đến từ các ông lớn như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam, Hyundai Thành Công… với những mẫu xe sản xuất trong nước, đang bán chạy.
- 08-11-2017Doanh nghiệp ô tô 'bất ngờ' khi VAMA 'kêu cứu' Thủ tướng
- 08-11-2017Thị trường ô tô cũ: Xe 500-600 triệu bán túc tắc, xe đắt 'vườn không nhà trống'
- 07-11-2017Nghị định mới về ô tô: Doanh nghiệp ngoại muốn bỏ lắp ráp chuyển sang nhập khẩu?
Một câu hỏi được đặt ra, giá ô tô tại Việt Nam liệu đã xuống đến đáy và hiện đã là thời điểm mua xe tốt nhất chưa?
Nối tiếp chuỗi giảm giá
Không còn gây bất ngờ cho thị trường, trong tháng 11, Toyota Việt Nam (TMV) tiếp tục công bố hạ giá bán lẻ với 3 mẫu xe lắp ráp trong nước là Vios, Corolla Altis, Camry, Innova với mức giảm cao nhất 50 triệu cho mẫu xe Innova E và V. Tính trung bình mức giá mới các mẫu xe trong nước của TMV giảm từ 3-9% và giá này được áp dụng cho cả năm 2018.
Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, hết tháng 9, Toyota bán được hơn 15.000 chiếc Vios, tăng gần 5.000 so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 30% tổng lượng xe sedan bán ra; Innova bán được hơn 8.700 chiếc, tăng 2.000 xe, chiếm gần 80% tổng lượng xe đa dụng cỡ nhỏ (MPV).
Tương tự, Ford Việt Nam giảm giá cho 3 mẫu xe lắp ráp trong nước là EcoSport, Fiesta và Focus. Trong đó, mẫu xe Fiesta giảm từ 35-50 triệu đồng tùy theo từng phiên bản; EcoSport và Focus giảm từ 20-30 triệu đồng.
Trước đó, Hyundai Thành Công cũng đã giảm “sốc” cho mẫu crossover lắp ráp trong nước, chiếc SantaFe với mức giảm lên tới 230 triệu đồng. Với mức giảm “ngoài tưởng tượng” này, trong vòng chưa đầy 1 tháng đã có hơn 1.200 chiếc SantaFe được đặt mua.
2 hãng ô tô của Nhật Bản là Mitsubishi và Nissan cũng áp dụng chiến lược giảm giá hàng loạt mẫu xe trong tháng 11 này.
Thaco - cánh chim báo “bão”
Trong tháng 11, thị trường ghi nhận một diễn biến khá bất ngờ, Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), “kẻ châm ngòi” cơn lốc giảm giá ô tô trên thị trường lại bất ngờ điều chỉnh tăng giá với các mẫu xe Mazda
Trong đợt điều chỉnh này, cả ba mẫu Mazda6, Mazda CX-5 và BT-50 đều đồng loạt tăng 20 triệu đồng. Theo đó, giá bán sau điều chỉnh của Mazda6 2.0 AT là 879 triệu đồng, 2.0 AT Premium là 919 triệu đồng và 2.5 AT Premium là 1,019 tỷ đồng. Giá xe các phiên bản CX-5 2WD giờ còn 869 triệu đồng và AWD là 919 triệu đồng; BT-50 3.2 AT là 825 triệu đồng, 2.2 AT là 670 triệu đồng và 2.2 MT là 640 triệu đồng.
Các phiên bản của mẫu Mazda 3 được điều chỉnh tăng 10 triệu đồng. Cụ thể giá Mazda 3 1.5 SD hiện là 660 triệu đồng, Mazda 3 phiên bản 2.0 SD là 770 triệu đồng, Mazda 3 1.5 HB là 682 triệu đồng.
Duy nhất chỉ có mẫu Mazda2 không thay đổi giá bán với mức giá hiện tại là 515 triệu đồng và 562 triệu đồng cho hai phiên bản sedan và hatchback
Đại diện Thaco cho biết việc điều chỉnh giá ô tô tăng trong thời điểm này là dựa vào diễn biến kinh doanh của thị trường cũng như chính sách của công ty. Qua nhiều lần điều chỉnh, giá xe Mazda hiện “thấp kỷ lục”, thậm chí, giá xe Mazda và Kia đã "chạm sàn". Do đó, việc điều chỉnh tăng giá đợt này được cho là để đảm bảo mức lợi nhuận cho thương hiệu xe Mazda trong năm 2017.
Vậy nhưng việc điều chỉnh tăng giá của Thaco khiến không ít khách hàng giật mình. Bởi không phải ai khác, Thaco chính là “kẻ” châm ngòi cho “cơn bão” giảm giá của thị trường ô tô Việt Nam trong một năm qua. Động thái giảm giá mạnh, liên tiếp các mẫu xe Mazda của Thaco buộc các đối thủ cạnh tranh (trong đó có những hãng chưa từng bao giờ hạ giá sản phẩm) phải lần lượt giảm giá. Theo đó thị trường ô tô Việt Nam được thiết lập một mặt bằng giá mới, thấp hơn trước đó từ 7-15%; thậm chí có mẫu xe giảm trên 20%, đưa lại những mức giá mới, chưa từng có, cho nhiều mẫu xe trên thị trường.
Hiện sau một thời gian giảm giá, đạt được mục tiêu doanh số và thị phần nay giá các sản phẩm Mazda của Thaco nhích tăng dường như dự báo cho xu thế giá xe sẽ tăng trở lại của thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới.
Kẻ dẫn dắt “cuộc chơi” đã có động thái thay đổi về chính sách giá. Liệu “cánh chim báo bão” Thaco có mở đầu xu thể tăng giá trên thị trường ô tô trong thời gian tới?
Giá chạm đáy chưa?
Ngày 17/10, các DN kinh doanh sản xuất, NK ô tô đón nhận một chính sách mới, tác động mạnh tới hoạt động của mỗi DN, đó là Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Nghị định 116 sẽ tác động mạnh nhất tới các DN NK ô tô (cũ và mới). Theo đó ô tô đã qua sử dụng gần như không còn “cửa” để NK vào Việt Nam. Các con đường ngách như NK dưới dạng biếu tặng là cánh cửa hiếm hoi bởi số lượng hạn chế.
Với quy định mới tại NĐ 116, nhiều DN NK ô tô nhỏ, lẻ sẽ khó có thể đáp ứng được quy định để NK xe. Thị trường chủ yếu sẽ chỉ có sản phẩm của các DN NK chính hãng. Người tiêu dùng có điều kiện sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng với dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi đảm bảo tiêu chuẩn từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, sự phong phú về chủng loại xe và giá thành so với trước sẽ không bằng.
Chưa nói đến trong thời gian ngắn trước mắt, các DN NK ô tô sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để có đầy đủ giấy tờ hợp lệ từ nhà sản xuất. Do vậy thị trường sẽ có lúc, có thời điểm rơi vào cảnh “phiên bản cũ đã hết, phiên bản mới chưa kịp nhập về”. Thậm chí nhiều hãng sẽ tạm thời chưa có xe bán trong những tháng đầu năm 2018, thị trường sẽ có dấu hiệu khan hiếm cục bộ.
Sau NĐ 116, trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ ban hành chính sách về thuế nhằm ưu đãi khuyến khích sản xuất trong nước. Với các chính sách đã và sẽ ban hành, dự đoán thị trường kinh doanh sản xuất ô tô sẽ thu hẹp vào một nhóm không nhiều các DN có khả năng và đủ điều kiện, chứ không còn cảnh “nhà nhà làm ô tô, người người nhập ô tô” như trước.
Trong khi đó, mục tiêu áp dụng các chương trình giảm giá, ưu đãi để thúc đẩy doanh số, giải quyết hàng tồn của các hãng xem như đã “xong”. Và như vậy việc đua nhau giảm giá như thời gian vừa qua sẽ khó mà xảy ra.
Mặc dù năm 2018, thuế nhập khẩu ASEAN về 0% nhưng kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá mạnh nhờ thuế giảm được cho là khó có thể xảy ra.
Phân tích của một DN NK ô tô lớn cho biết: Thực tế chỉ có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN, tuy nhiên, mẫu xe đạt tỉ lệ NĐH nội khối (40%) và có đủ sản lượng để được hưởng thuế suất ưu đãi theo những điều kiện kinh doanh, NK ô tô của Việt Nam không nhiều.
Hơn nữa các mẫu xe cao cấp được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN cũng không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ châu Âu, Mỹ, khu vực không có ưu đãi thuế NK. Vì vậy đầu năm 2018, giá xe NK nếu có giảm, cũng sẽ ở mức vừa phải. Chưa nói đến chi phí NK ô tô được dự báo là sẽ tăng, và chi phí này đương nhiên tính vào giá bán.
Lúc này nhu cầu tăng trong khi nguồn cung trong giai đoạn trước mắt sẽ giảm, giá khi đó không tăng đã là tốt rồi, khó có thể giảm được nữa.
Bởi vậy, nếu có nhu cầu mua xe vào thời điểm này, được cho là đã tối ưu nhất về giá.
Nhu cầu mua xe thực sự của người Việt còn rất lớn, thị trường chững lại thời gian qua do tâm lý chờ đợi giá giảm. Tâm lý này sẽ được “giải tỏa” vào đầu năm 2018, khi các chính sách về thuế, điều kiện kinh doanh sản xuất ô tô đã rõ ràng.
Báo hải quan