MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón đạt đỉnh, quý 1 Đạm Cà Mau (DCM) lãi kỷ lục, gấp 10 lần cùng kỳ

Giá phân bón đạt đỉnh, quý 1 Đạm Cà Mau (DCM) lãi kỷ lục, gấp 10 lần cùng kỳ

Đạm Cà Mau (DCM) hưởng lợi lớn từ tình trạng khan hiếm nguồn cung dẫn đến giá phân bón trong quý 1/2022 tiếp tục tăng cao.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã CK: DCM) đã công bố BCTC quý 1/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể doanh thu thuần đạt 4.074 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng doanh thu bán ure là 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu, mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng - cao gấp 5,5 lần quý 1/2021.

Giá phân bón đạt đỉnh, quý 1 Đạm Cà Mau (DCM) lãi kỷ lục, gấp 10 lần cùng kỳ - Ảnh 1.

Sau khi trừ giá vốn Đạm Cà Mau lãi gộp 1.977 tỷ đồng – tăng mạnh so với con số 267 tỷ đồng của quý 1/2021.

Trong kỳ công ty thu về hơn 69 tỷ đồng doanh thu tài chính cao gần gấp 2 lần cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi và lãi tỷ giá. Đáng chú ý các chi phí trong kỳ đồng loạt tăng cao, chi phí tài chính tăng thêm gần 10 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí QLDN cũng lần lượt tăng mạnh 120% và 358% so với cùng kỳ.

Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, DCM lãi sau thuế 1.518 tỷ đồng cao gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái, EPS quý 1 đạt 2.820 đồng – Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục theo quý của Đạm Cà Mau.

Giá phân bón đạt đỉnh, quý 1 Đạm Cà Mau (DCM) lãi kỷ lục, gấp 10 lần cùng kỳ - Ảnh 2.

Theo giải trình từ phía công ty, do tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón dẫn đến giá phân bón trong nước tăng mạnh. Giá bán bình quân mặt hàng phân bón Ure TM quý 1/2022 tăng hơn 148% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh đó quý 1, trong bối cảnh giá phân bón tiếp tục tăng cao do chiến tranh Nga - Ukraine, song song đó là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nên giá phân bón đạt đỉnh rất cao. Còn thị trường trong nước đang ở thấp điểm. Do đó, công ty tranh thủ xuất khẩu để đạt lợi nhuận tốt.

Bước sang năm 2022, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 10% và giảm 72% so với năm 2021.

Theo DCM, kế hoạch kinh doanh "đi lùi" và có phần thận trọng này được đề ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi tốc độ lây lan nhanh của những biến chủng mới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, giá dầu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi logistic, nguồn cung khan hiếm.

Như vậy với kế hoạch này, ngay quý đầu tiên của năm 2022, DCM đã hoàn thành được 45% mục tiêu về doanh thu và vượt xa mục tiêu về lợi nhuận.

https://cafef.vn/gia-phan-bon-dat-dinh-quy-1-dam-ca-mau-dcm-lai-ky-luc-gap-10-lan-cung-ky-20220427083205812.chn

Tú Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên