Giá phân bón lập đỉnh trong 50 năm, nông dân than trời
Nhà nông bây giờ chỉ biết lấy công làm lời khi giá phân bón tăng mạnh. Nếu mất mùa thì xác định lỗ.
- 26-02-2022Xung đột cực nóng giữa Nga và Ukraine đẩy giá phân bón tăng vọt
- 30-01-2022Giá phân bón sẽ ra sao, sau một năm tăng 'phi mã'?
- 21-01-2022Đừng kỳ vọng giá phân bón sẽ về lại mức trước Covid
Hôm 7/3, giá phân bón bán tại thị trường trong nước đã chính thức lập đỉnh mới, trong vòng 50 năm. Tình trạng này được cho là có liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine Trong đó, Nga (cùng với Trung Quốc) là hai nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới đã hạn chế bán ra để ổn định thị trường nội địa.
Cùng đó, một phần do tác động bởi giá dầu khí tăng mạnh. Khí thiên nhiên chiếm đến 90% chi phí sản xuất amoniac. Liên minh châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Belarus, chiếm 20% sản lượng cung kali toàn cầu, cũng gia tăng quan ngại đến thị trường phân bón.
Chi phí phân bón cấu thành từ 40-60% tổng chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Chính vậy, giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến người làm nông. Nhất là việc tăng giá rơi vào giai đoạn chuẩn bị cho vụ Hè - Thu, thường gieo trồng vào các tháng 4-5 hằng năm.
Chủ một doanh nghiệp phân phối phân bón tại tỉnh Tây Ninh xác nhận có sự tăng giá các mặt hàng các dòng NPK. Tuy nhiên không cho biết cụ thể. "Giá còn biến động mạnh nên khi nào khách hàng mua thì chúng tôi báo giá ngay thời điểm đó", người này nói với phóng viên.
Việc giá phân bó tăng càng làm cho nông dân lo lắng. Chú An có vài hecta trong mía tại thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) nói: "Sắp tới ngày tụi tui ra hom mía cho vụ Hè - Thu thì lại xảy ra thông tin kinh khủng như thế này. Vừa giá xăng dầu tăng, giá máy cày đất cũng báo tăng theo. Nhân công cũng đòi tăng lương do chi phí sống của họ tăng.
Cứ làm như này thì làm sao có lời. Giờ tui chỉ mong có cách nào đó để hỗ trợ hoặc kiểm soát giá phân vì nó chiếm phần trăm lớn trong chi phí bỏ ra của nông dân tụi tui".
Theo cô Thoa, huyện Tân Châu - Tây Ninh, giá nhân công hiện tại làm cho rẫy mì (sắn) của cô đang là 110.000 đồng cho 3,5h làm cỏ. Dẫu giá nhân công chưa tăng nhưng vì phân bón tăng nên cô cũng hết sức lo lắng. "Tôi nghe nhiều nơi đã tăng giá nhân công. Giờ thêm phân tăng thì chắc tụi tui cũng phải ra làm cỏ chung để cắt giảm chi phí. Như vậy may ra mới có chút lời", cô cho hay.
Chị Thái Hòa, tỉnh Bình Phước, chăm vườn cao su cả nghìn cây cũng "sốt ruột" với thông tin trên mặt báo về tình hình phân bón tăng giá. "Chị chưa hỏi giá phân ở tiệm quen mua nên chưa biết cụ thể địa bàn ra sao. Nhưng rõ nếu tăng như vậy thì nông dân chỉ có chết. Đầu ra còn bấp bênh mà chi phí đầu vào tăng phi mã như này", chị tâm sự.
Năm ngoái, giá lúa Hè - Thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long "rẻ bèo". Nhiều nông dân đã lao đao một trận nhớ đời. Anh Tuấn Anh, ngụ Cần Thơ, tâm sự: "Gia đình chúng tôi đang tìm kiếm lựa chọn thay thế nào đó, chứ bây giờ mua vào trữ phân bón cho vụ Hè - Thu là xác định chết chắc".
Theo kế hoạch, gia đình anh Tuấn Anh sẽ gieo sạ vào giữa đến cuối tháng 3. Nhưng có thể chuyển vào giữa tháng 4 để "nghe ngóng thêm tình hình".
Doanh nghiệp và tiếp thị