Giá phân bón sẽ biến động ra sao thời gian tới?
Giá ure trong nước được dự báo tiếp tục giảm, nhưng sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ Đông Xuân bắt đầu.
Giá ure trong nước giảm, DAP đi ngang
Giá ure ở nhiều tỉnh ngày 22/6 giảm đến 45.000 đồng/bao/50 kg. Cụ thể, ure Cà Mau tại An Giang là 795.000 đồng/bao/50 kg, giảm 40.000 đồng/bao so với ngày trước đó. Ure Ninh Bình tại Gia Lai là 840.000 đồng/bao/50 kg cũng giảm 40.000 đồng/bao so với ngày 21/6. Ure Phú Mỹ tại Gia Lai giảm 45.000 đồng/bao còn 845.000 đồng/bao.
Ngày 23/6, một số loại ure giảm. Ure Hà Bắc và Ure Phú Mỹ tại Hà Nội giảm 20.000 - 25.000 đồng/bao, xuống 850.000 đồng/bao/50 kg. Ure đầu trâu tại Quảng Bình là 840.000 đồng/bao, giảm 10.000 đồng/bao so với ngày trước đó.
Theo kết quả khảo sát của 2Nông, nhiều nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng xuống giống trễ vụ hè thu và có thể bỏ vụ thu đông sắp tới. Cùng với đó,chị hoàn giá xăng dầu tăng thời gian gần đây đang đè lên áp lực chi phí sản xuất, người trồng đang có tâm lý thu hẹp diện tích trồng trọt. Những yếu tố trên là nguyên nhân khiến nhu cầu phân bón hiện tại đang thấp hơn so với năm ngoái. Bên cạnh đó, giá ure thế giới đang điều chỉnh nên giá ure trong nước cũng có xu hướng giảm theo.
Chia sẻ với báo chí, ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết với phân đạm ure, Việt Nam có 4 nhà máy là đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau, đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình với tổng công suất khoảng 2,65 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm. Riêng với phân đạm ure, dù trong điều kiện nông dân nhiều tỉnh thành không bỏ vụ ba như hiện nay, Việt Nam vẫn dư thừa hơn 500.000 tấn/năm.
Diễn biến giá các loại phân bón DAP. Nguồn: CTCP Phân bón Bình Điền
Ở diễn biến khác, giá DAP vẫn đang đi ngang. Theo thông tin từ CTCP Phân bón Bình Điền, giá DAP Đình Vũ xanh 61% là 2,15 triệu đồng/100 kg, cao hơn đầu năm 15%. Giá DAP Hàn Quốc đen 64% hiện là 2,655 triệu đồng/100 kg, tăng 8% so với đầu năm.
2Nông nhận định nguồn cung DAP nhập khẩu từ Trung Quốc còn hạn chế, dẫn đến giá DAP trong nước khó hạ nhiệt và vẫn giữ mức cao. Bên cạnh đó, giá DAP tại Trung Quốc đã tăng 20% từ đầu tháng 4 và hiện đi ngang ở mức 4.333 nhân dân tệ/tấn (647 USD/tấn), ngày 28/6.
Diễn biến giá DAP tại Trung Quốc. Nguồn: Sunsirs |
Cung phân bón thế giới chịu tác động do chính sách của Nga và Trung Quốc
Trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc và Nga là hai thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất vào Việt Nam, lần lượt ở mức 182.203 tấn (78,7 triệu USD) và 136.937 tấn (86,9 triệu USD).
Đầu tháng 6, nội các Nga cho biết chính phủ nước này đã phê duyệt việc tiếp tục áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân bón cho đến cuối năm nay. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến 31/12 năm nay.
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research, Nga tiếp tục áp hạn ngạch xuất khẩu đối với ure với mức lớn hơn (8,3 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12 so với 5,9 triệu trong giai đoạn tháng 12/2021 đến tháng 5.
Bên cạnh đó, theo SSI Research lệnh cấm xuất khẩu ure của Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, do lo ngại về khả năng tiếp tục phong tỏa tại, SSI Research cho rằng Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu ure.
Ông Trần Trọng Nhân, Giám đốc của CTCP EduTrade - đơn vị thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, nhận định Nga và Trung Quốc là hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, với lần lượt 7 tỷ USD và 6,57 tỷ USD trong năm 2021 nên việc hạn chế xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung.
Ông Nhân cho rằng giá phân bón tại Trung Quốc sau tháng 6 sẽ tăng. Giá thế giới ở mức cao vì nguồn cung hạn chế và các các quốc gia lớn về nông nghiệp như Brazil sẽ bắt đầu vụ mùa mới sau tháng 7.
Với thị trường trong nước, theo SSI Research, về nhu cầu, do quý III là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt, giá ure được dự báo tiếp tục giảm, nhưng sẽ tăng trở lại vào quý IV khi vụ Đông Xuân bắt đầu. Tuy nhiên, giá ure sẽ khó quay trở lại mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3 trừ khi giá nguyên liệu ure (khí, than) phục hồi trở lại.
NDH