Giá phân bón tăng cao, cơ hội để nông dân không lạm dụng phân bón
Nhiều ý kiến nhận định, giá phân bón tăng cao là thách thức nhưng cũng là cơ hội để hướng cho nông dân không lạm dụng phân bón, giúp giảm ô nhiễm môi trường.
- 03-12-2021Giá phân bón sẽ tiếp tục cao trong ít nhất 6 tháng tới
- 20-11-2021Hạn chế nguồn cung, nhu cầu mạnh đẩy giá tất cả các loại phân bón
- 17-11-2021Nông dân sản xuất gạo, ngô, lúa mì và cà phê trên toàn cầu “méo mặt” vì "bão giá" phân bón
Theo Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích xuống giống vụ Đông Xuân 2021-2022 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1,56 triệu ha. Dự kiến, cuối tháng 11/2021 khoảng 800-900 ngàn ha được xuống giống.
Giá phân bón tăng cao, nông dân giảm sử dụng sẽ có lợi cho môi trường
Ông Đặng Hữu Chơn, đại lý phân bón ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết, giá phân bón hiện đã giảm nhẹ so với đầu vụ (960.000 đồng/bao). Cụ thể Urê Cà Mau hạt đục đại lý cấp I đưa về cho cấp II giá 880.000 đồng/bao (50kg), phân NPK giá 790.000 đồng/bao (Việt Nhật), phân Kali khoảng 660.000 đồng/bao.
Riêng phân DAP (Korea) giá 1.390.000 đồng/bao, không giảm so với đầu vụ, phân DAP (Philippines) giảm 330.000 đồng/bao và đang có giá 1.040.000 đồng/bao. Địa lý cấp II bán cho nông dân sẽ cộng thêm từ 5000 - 10.000 đồng/bao tuy đường xa hay gần.
"Do trước đây giá phân bón tương đối rẻ nên người nông dân có tâm lý lạm dụng phân bón hóa học. Bây giờ phân bón, vật tư đầu vào tăng giá mạnh nên bà con đang tìm các loại giống lúa ít "ăn" phân để trồng và không dám bón "thẳng tay" như trước đây. Như vậy, ở góc độ môi trường và an toàn thực phẩm có cái lợi cho cộng đồng nhiều hơn", đại lý này nhận định.
So với vụ Đông Xuân trước thì giá phân bón đang tăng gấp 2,5 lần trong khi giá lúa không tăng, làm dấy lên quan ngại sản xuất vụ lúa này nông dân sẽ bị lỗ.
Tuy nhiên, theo ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu Khí Cà Mau (PVCFC), lợi nhuận trồng lúa không thể chỉ có từ các đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp mà còn tùy thuộc vào thị trường.
Thứ nhất, năm nay Ấn Độ xuất xuất khẩu 22 triệu tấn gạo nhiều hơn cả 3 nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại, trong khi các năm trước họ chỉ xuất khẩu 17 triệu tấn gạo, khiến thị trường lương thực bị ảnh hưởng. Kỳ vọng khi nông dân Miền Tây bắt đầu thu hoạch vụ Đông xuân thì mặt bằng giá lúa gạo sẽ cải thiện hơn.
Thứ hai, theo Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), trước đây nông dân sử dụng lượng phân bón cao gấp 3 lần so với trung bình các nước khác trên thế giới, khiến cho chi phí đầu vào rất cao. Bây giờ giá phân bón cao bà con nên có những giải pháp sử dụng phân bón hợp lý và thông minh hơn.
Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hội nông dân và Trường đại học Cần Thơ kết hợp với Viện lúa ĐBSCL có những hội thảo khuyến cáo bà con cố gắng sử dụng phân bón hợp lý, đủ và đúng tránh lãng phí.
"Tôi nghĩ rằng nếu bà con sử dụng phân bón hợp lý và canh tác đúng phương pháp theo những giải pháp Bộ NN-PTNT khuyến khích thì chi phí đầu vào không quá cao. Ở góc độ là đơn vị sản xuất phân bón, chúng tôi cũng có một số sản phẩm đưa ra thị trường và khuyến khích bà con sử dụng các sản phẩm này sẽ tiết kiệm rất cao.
Ví dụ như loại phân N46.Plus và Urê Bio Cà Mau có thể giúp tiết kiệm lên tới từ 20% - 30% lượng phân bón sử dụng.
Thứ ba, đối với giải pháp về giá thì giá bán của đạm Cà Mau hiện nay trong nước vẫn thấp hơn mặt bằng chung giá thế giới khoảng từ 16% đến 18%. Các nhà sản xuất như đạm Cà Mau đang kiềm chế không xuất khẩu và vẫn duy trì đảm bảo cung ứng đầy đủ cho cung cầu trong nước, và đạm Cà Mau cam kết đảm bảo nguồn cung cho vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL.
Doanh nghiệp muốn có sự công bằng giữa nguồn phân nhập khẩu và sản xuất trong nước
Theo Luật thuế số 71/2014/QH13 (Luật thuế 71), phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT, do các sản phẩm đầu ra không chịu thuế nên thuế VAT nguyên liệu đầu vào không được khấu trừ. Trong khi bản chất thuế VAT là thuế gián thu, suất thuế đánh trên người tiêu dùng cuối cùng là nông dân.
Thuế VAT 0%, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế VAT các nguyên liệu đầu vào, nhưng nếu phân bón thuộc diện không chịu thuế thì toàn bộ các khoản thuế VAT đầu vào như: khí, điện, hóa chất, vận tải, nguyên liệu, thậm chí cả thiết bị đầu tư không được khấu trừ.
Trong khi đó, doanh nghiệp với triết lý cao nhất phải bảo tồn phát triển vốn thì chi phí đầu vào, bao gồm cả nghĩa vụ về tài chính với chính sách Nhà nước sẽ được hạch toán vào giá thành sản phẩm bán cho nông dân, là dựa trên cơ sở giá thành và cộng với biên lợi nhuận.
Như vậy, Luật thuế 71 vô tình giúp cho phân bón nhập khẩu tràn vào nội địa vì đã được khấu trừ thuế VAT đầu vào tại nước sở tại, nên lợi thế cạnh tranh với phân bón trong nước là rất lớn.
Theo Tổng giám đốc PVCFC, thuế VAT không chỉ liên quan đến phân Urê mà còn liên quan đến các mặt hàng khác như phân DAP và Kali. Là nước nông nghiệp nên Việt Nam sử dụng nhiều phân bón, đối với phân DAP và Kali do sản xuất trong nước còn hạn chế nên buộc phải nhập khẩu.
Cụ thể, lượng phân DAP doanh nghiệp sử dụng sản xuất NPK và người nông dân sử dụng khoảng gần 3 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất trong nước tối đa 500 - 600 ngàn tấn/năm. Cả nước sử dụng cả triệu tấn phân Kali/năm trong khi Việt Nam chưa sản xuất được nên nhập khẩu toàn bộ. Không có 5% thuế VAT thì rõ ràng phân DAP Đình Vũ không thể nào cạnh tranh được với phân nhập khẩu, làm ảnh hưởng và thu hẹp sản xuất của đơn vị trong nước.
"Tôi nghĩ rằng áp thuế VAT với phân bón thực chất là vừa tạo sự công bằng cho doanh nghiệp, vừa giảm được giá bán cho nông dân mà Nhà nước thì được thu chứ không phải mất, và từ khoản thu đó Nhà nước có thể duy trì nhiều chính sách cho nhà sản xuất hơn.
Nếu không thuế thì tất cả chi phí đầu vào không tính thuế nên toàn bộ các chi phí đầu vào (bao gồm cả thuế VAT) điều chuyển thành giá thành, và toàn bộ giá thành sẽ chuyển thành giá bán, người nông dân là người tiêu thụ nên "cuối cùng thì trăm dâu cũng đổ đầu nông dân", Tổng giám đốc PVCFC chia sẻ.
Nên nhớ rằng, đạm Phú Mỹ hay đạm Cà Mau đều là những công ty Nhà nước, toàn bộ lợi nhuận của họ sẽ được đóng vào ngân sách quốc gia. Và lợi nhuận đó sẽ được chuyển thành các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội cho người nông dân chứ doanh nghiệp không được giữ lại. Do vậy, ở góc nhìn chung cần có sự công bằng cho doanh nghiệp phân bón cũng là công bằng cho người nông dân.
BizLive