MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm

01-03-2021 - 16:19 PM | Thị trường

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm

Giá phân bón đang tăng mạnh trên toàn cầu do nhu cầu cao, nhất là từ ngành trồng ngũ cốc, trong khi chi phí sản xuất cũng như vận chuyển phân bón đều tăng lên.

Xu hướng giá phân bón thế giới tăng bắt đầu từ gần cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nước sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu tăng mạnh, nhất là để trồng ngô và đậu tương.

Trong khi đó, nguồn cung phân bón thế giới bị thắt chặt do dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất ở nhiều nước, và tình trạng thiếu container rỗng ảnh hưởng tới việc vận chuyển.

Giá phân bón quốc tế tăng kéo phân bón trong nước tăng theo. Các công ty trong ngành cho biết, giá phân bón trong nước tăng mạnh do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới đã tăng mạnh trở lại từ nửa cuối năm 2020 sau thời gian suy thoái. Cùng với đó là cước tàu và container tăng chóng mặt cũng làm tình hình vận chuyển và giá cả tăng lên.

Giá phân hóa học quốc tế và trong nước 2 tháng đầu năm 2021

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm - Ảnh 1.

DAP dẫn đầu trên thị trường phân bón thế giới về mức tăng, lên tới 21% từ đầu năm đến nay, giá bán trên thị trường Mỹ hiện đạt trung bình 600 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2013. Nhìn chung, giá DAP trung bình trên thế giới hiện ở mức 602 USD/tấn.

Trong nước, giá DAP Trung Quốc (xanh) đã tăng 5,1 triệu đồng/tấn lên mức 15,5 triệu đồng/tấn, DAP Hàn Quốc tăng 2,7 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn do thị trường DAP đang có dấu hiệu khan hàng khi lượng tồn kho gần như không còn, trong khi vụ Xuân Hè đang đến. Giá DAP nội địa cũng tăng nhanh trong thời gian nói trên, khi giá bán ra tại nhà máy của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đã tăng 900.000 đồng/tấn lên mức 9,528 triệu đồng/tấn. Theo đó, giá DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai ngoài thị trường tăng gần 2 triệu đồng/tấn lên 10,4 triệu đồng/tấn. Hiện Việt Nam mới chỉ tự cung ứng được 30- 35% nhu cầu DAP.

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm - Ảnh 2.

Urea cũng tăng khoảng 21% từ đầu năm đến nay, tại Mỹ giá bán lên tới 457 USD/tấn. Mặc dù giá urea hiện cao hơn nhiều so với năm 2020, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá của năm 2019. 

Ở thị trường trong nước, phân đạm Urea đang được các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu chào bán với giá 9.000-9.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần. Như vậy, giá phân Urea đến tay nông dân sẽ trên 10.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm - Ảnh 3.

MAP quốc tế giá tăng gần 18% trong 2 tháng qua, đạt trung bình 468 USD/tấn, vượt xa giá của 3 năm gần đây cũng như giá trung bình 5 năm qua. 

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm - Ảnh 4.

UAN32 quốc tế giá tăng khoảng 14%, lên 288 USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá hiện tại chỉ đắt hơn khoảng 4% so với cùng thời điểm này năm ngoái và vẫn thấp hơn nhiều so với giá năm 2019 cũng như giá trung bình 5 năm qua. UAN28 giá tăng khoảng 15% trong 2 tháng qua, lên trung bình 245 USD/tấn.

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm - Ảnh 5.

Anhydrous quốc tế giá tăng khoảng 12% kể từ đầu năm đến nay, hiện đạt trung bình 530 USD/tấn. Mặc dù tăng song giá hiện vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019, 2020 và trung bình 5 năm qua. 

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm - Ảnh 6.

Phân bón 10-34-0 quốc tế có giá tăng 11,3% trong 2 tháng qua, lên 522 USD/tấn. Hiện loại phân bón này có giá cao nhất trong mấy năm trở lại đây. 

Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm - Ảnh 7.

Potash (kali) quốc tế có giá trung bình hiện ở mức 408 USD/tấn, tăng khoảng 10% so với hồi đầu năm, là mức cao nhất kể từ cuối năm 2015.

Là loại phân bón tiêu thụ phổ biến, thị trường potash đang rất sôi động. Với công suất sản xuất toàn cầu khoảng 70 triệu tấn mỗi năm và giao dịch hàng năm khoảng 53 triệu tấn, kali là một trong những loại phân bón dự trữ được sử dụng nhiều nhất, được các doanh nghiệp nông nghiệp trên toàn thế giới tin dùng.

Canada, Belarus, Nga, Trung Quốc và Đức là 5 quốc gia có sản lượng kali hàng đầu thế giới, chiếm tổng cộng khoảng 35 triệu tấn trong tổng sản xuất hàng năm trên toàn cầu.

Trong nước, nông dân đang chuẩn bị gieo trồng vụ Hè Thu. Việc khan hiếm phân bón và giá tăng cao có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới việc gieo trồng sắp tới, từ đó có thể tác động tới giá cũng như nguồn cung nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm nay.

(Nguồn biểu đồ giá phân bón: DTN)

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên