MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá quặng sắt “lên đỉnh” rồi nhanh chóng “mất hút” không chỉ do cung – cầu

21-09-2021 - 07:09 AM | Thị trường

Giá quặng sắt “lên đỉnh” rồi nhanh chóng “mất hút” không chỉ do cung – cầu

Sau khi vọt lên mức cao kỷ lục lịch sử hồi tháng 5 vừa qua, giá quặng sắt tuần qua lao dốc trong trạng thái ‘hỗn loạn’. Không có nguyên nhân rõ ràng nào liên quan đến các nguyên tắc cơ bản (cung – cầu) đủ để lý giải cho sự biến động này.

Giá quặng sắt nhập khẩu giao ngay tại cảng biển miền Bắc Trung Quốc do Argus công bố tuần qua đã giảm 22,2% xuống còn 100,45 USD/tấn. Như vậy, giá nguyên liệu chính trong sản xuất thép này đã mất 57,4% từ mức cao kỷ lục 235,55 USD/tấn đạt được vào ngày 12/5.

Mặc dù giá tăng lên mức cao kỷ lục hồi tháng 5/2021 được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản, và đợt giá giảm gần đây cũng có những lý do hợp lý, nhưng việc giá giảm quá mức có lẽ là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của nhà đầu cơ giá lên đối với một thị trường mà trước đây được hậu thuẫn bởi những "người chơi" lớn – các nhà khai thác mỏ và các nhà máy thép.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc giá giảm là do Trung Quốc – nước nhập khẩu khoảng 2/3 tổng khối lượng quặng sắt vận tải đường thủy trên toàn cầu, cắt giảm sản lượng thép trong 6 tháng cuối năm 2021 để đảm bảo rằng lượng cung thép cả năm 2021 không vượt quá mức kỷ lục 1,065 tỷ tấn của năm 2020.

Các nhà chức trách Trung Quốc muốn hạn chế sản lượng thép để giảm thiểu ô nhiễm khí phát thải và giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là do giá nhiên liệu sản xuất điện, như than nhiệt và khí thiên nhiên, tăng quá cao.

Tuần trước, Trung Quốc thông báo dự định sẽ bổ sung một số thành phố vào danh sách kiểm soát môi trường trong mùa đông tới. Cụ thể, Bộ Sinh thái và Môi trường nước này cho biết đang dự thảo kế hoạch liên quan đến 64 khu vực sẽ nằm trong diện giám sát trọng điểm của chiến dịch chống ô nhiễm không khí vào mùa đông. Theo đó, các nhà máy thép ở những khu vực trong danh sách sẽ phải cắt giảm sản lượng dựa trên mức khí phát thải trong giai đoạn từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm tới.

Trong khi đó, nguồn cung quặng sắt trên thế giới vài tháng gần đây đã dần được cải thiện, sau giai đoạn suy giảm trước đó bởi thời tiết xấu làm giảm sản lượng ở Australia – nước xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới, và dịch Covid-19 bùng phát ở Brazil – nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, sự chuyển động của dòng chảy quặng sắt trên khắp thế giới không không thấm tháp gì so với biến động giá khoáng sản này.

Trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc là 746,45 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu của hải quan nước này. Riêng trong tháng 8, nước này nhập khẩu 97,49 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 4 và là dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang phục hồi.

Tháng 9 có khả năng chứng kiến ​​lượng nhập khẩu thậm chí còn cao hơn nữa, với dữ liệu theo dõi tàu của Refinitiv ước tính có tới 111 triệu tấn quặng sắt sẽ cập cảng Trung Quốc trong tháng này, còn dữ liệu của công ty tư vấn hàng hóa Kpler thậm chí còn lạc quan hơn với ước tính 116,6 triệu.

Cho đến nay, khối lượng nhập khẩu tăng trong thời gian gần đây không được tích trữ ở các kho hàng. Theo đó, lượng quặng sắt tồn trữ tại các kho cảng trong tuần kết thúc vào 17/9 đã giảm tuần thứ 2 liên tiếp, xuống 130,1 triệu tấn, dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome cho thấy. Một năm trước đó, lượng lưu trữ chỉ là 118,3 triệu tấn. Tuy nhiên, đó là điều bình thường vì các kho dự trữ quặng thường tăng cao trước khi mùa đông đến, sau đó giảm dần khi thời tiết lạnh giá qua đi, vì hoạt động xây dựng sẽ được khôi phục khi thời tiết ấm dần lên.

Giá quặng sắt “lên đỉnh” rồi nhanh chóng “mất hút” không chỉ do cung – cầu - Ảnh 1.

Diễn biến nhập khẩu và giá quặng sắt ở Trung Quốc

Nguồn cung tăng chậm lại

Về phía nguồn cung, xuất khẩu quặng sắt từ những nước cung cấp hàng đầu thế giới trong tháng 9 này ước tính chậm lại. Dữ liệu ước tính của Kpler cho thấy Australia sẽ xuất khẩu 75,22 triệu tấn, giảm so với 76,01 triệu tấn của tháng 8 và 73,11 triệu tấn của tháng 7. Trong khi đó, xuất khẩu của Brazil trong tháng 8 dự báo là 29,54 triệu tấn, cũng giảm so với mức 34,39 triệu tấn trong tháng 8 – tháng xuất khẩu cao nhất trong năm nay.

Nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới - Nam Phi – cũng sẽ giảm xuất khẩu. Theo Kpler, nước này sẽ xuất khẩu 4,9 triệu tấn quặng sắt trong tháng 9, giảm so với 5,62 triệu trong tháng 8 - mức cao nhất kể từ tháng 12/2020.

Nhìn chung, thị trường dường như cân bằng hơn so với đầu năm - khi nguồn cung bị gián đoạn và sản lượng thép của Trung Quốc hàng tháng liên tiếp lập những kỷ lục cao mới.

Phải chăng điều đó cho thấy mức giá quặng sắt khoảng 100 USD/tấn là không hợp lý?

Lịch sử cho thấy rằng giá quặng sắt thường ở dưới ngưỡng 100 USD/tấn lâu hơn là trên 100 USD/tấn. Giá quặng sắt giao ngay đã ở dưới mức 100 USD/tấn trong suốt hơn 6 năm tính đến tháng 6/2020, và chỉ vượt 100 USD/tấn trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ tháng 5 đến tháng 8/2019, khi nhu cầu thép của Trung Quốc tăng trong mùa hè đẩy giá lên tới 125 USD/tấn.

Giả định tình trạng gián đoạn nguồn cung quặng sắt từ nay đến cuối năm không đáng kể, và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu hạn chế sản lượng thép năm 2021 không quá mức của năm 2020 thì khả năng giá hồi phục lên trên mức 100 USD/tấn sẽ ít khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, với thực tế là thị trường quặng sắt gần đây không chỉ bị tác động bởi cung và cầu, cũng không loại trừ giá khoáng sản này có thể đột ngột đảo chiều một cách bất ngờ ngoài mọi dự đoán.

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên