MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá rẻ bất ngờ, một mặt hàng từ Ả Rập Xê Út đang đổ bộ vào Việt Nam hơn 200% trong 8 tháng đầu năm

23-09-2023 - 07:43 AM | Thị trường

Giá rẻ bất ngờ, một mặt hàng từ Ả Rập Xê Út đang đổ bộ vào Việt Nam hơn 200% trong 8 tháng đầu năm

Giá nhập khẩu mặt hàng này đã giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, Việt Nam nhập khẩu 226.125 tấn khí đốt hóa lỏng với kim ngạch hơn 118,3 triệu USD, giảm 34,5% về lượng và giảm 25,3% về trị giá so với tháng 7/2023.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 1,03 tỷ USD để nhập khẩu hơn 1,7 triệu tấn khí đốt hóa lỏng từ các thị trường, tăng 46,3% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mức nhập khí đốt hóa lỏng của 8 tháng năm 2023 của Việt Nam bằng 87% tổng lượng nhập của cả năm 2022.

Giá nhập khẩu trung bình trong 8 tháng đầu năm đạt 598,4 USD/tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Giá rẻ bất ngờ, một mặt hàng từ Ả Rập Xê Út đang đổ bộ vào Việt Nam hơn 200% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Về xuất xứ các mặt hàng khí đốt nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Indonesia, Co oét,... Trong đó, thị trường Ả Rập Xê Út ghi nhận lượng xuất khẩu khí đốt lớn vào Việt Nam.

Cụ thể, thị trường Ả Rập Xê Út trong tháng 8, các doanh nghiệp Việt Nam nhập 58.191 tấn, kim ngạch đạt hơn 29,3 triệu USD, tăng hơn 21,2% về lượng nhưng giảm 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam chi 313,3 triệu USD để nhập khẩu 538.770 tấn khí đốt từ quốc gia này, tương đương tăng mạnh 215% về lượng và tăng 116% về giá trị. Giá nhập khẩu bình quân từ Ả Rập Xê Út hiện chỉ khoảng 581,4 USD/tấn, giảm 31,4% so với giá bình quân 8 tháng năm 2022 (848,1 USD/tấn).

Giá rẻ bất ngờ, một mặt hàng từ Ả Rập Xê Út đang đổ bộ vào Việt Nam hơn 200% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Trong năm 2022, ngành khí phải đối mặt với những yếu tố khó khăn, hậu quả do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế và các doanh nghiệp, tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, thị trường năng lượng và chính sách tài chính toàn cầu nhiều biến động (gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung, giá cả leo thang, lạm phát tăng cao, giá khí ở mức cao,…).

Trong bối cảnh nguồn khí LNG trong nước còn hạn chế, việc nhập khẩu LNG là vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Giá khí đốt ở Châu Âu liên tục giảm sâu do khí hậu ôn hòa và lượng hàng tồn kho cao. Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể nhập khẩu và chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG. Thủ đô Hà Nội cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ điện khí LNG trong tổng sản lượng điện từ 0% hiện nay lên 15% vào vào năm 2030.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên