Giá sắn và nguyên liệu sắn liên tục tăng rất mạnh
Giá sắn liên tục tăng mạnh từ tháng 6/2017 đến nay. Hiện giá sắn nguyên liệu đã tăng 60 – 70% so với đầu năm 2017. Không chỉ có vậy mà giá sắn lát tăng và tinh bột sắn xuất khẩu cũng tăng rất mạnh.
Tại thị trường trong nước, hiện giá nguyên liệu sắn củ tươi đã tăng lên mức rất cao, tăng 1.000 đ/kg so với đầu năm 2017 (tức tăng 60 – 70%). Cụ thể tại Tây Ninh đã lên tới 2.400 – 2.700 đ/kg; tại Đắc Lắc 2.100 – 2.200 đ/kg; tại Gia Lai 2.150 – 2.300 đ/kg; tại miền Bắc (mua xô ) 1.800 – 2.100 đ/kg. Giá sắn tươi quá cao, nên nhiều nhà máy đã phải ngừng sản xuất.
Giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2018 (đồng/kg)
Giá tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng đã tăng 100 USD/tấn so với đầu năm 2017, lên mức 430 – 435 USD/tấn FOB Hồ Chí Minh; tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan cũng tăng 100 USD/tấn, lên 440 USD/tấn FOB Bangkok; giá xuất sang Trung Quốc tăng 1.000 CNY/tấn, lên 3.000 – 3.200 CNY/tấn. Tỷ giá CNY/USD hiện tăng mạnh, đã hỗ trợ cho tỷ giá CNY/VND tăng, thuận lợi cho xuất khẩu theo đường biên mậu với Trung Quốc.
Hiện nay, mặc dù đang vào vụ thu mua sắn lát, nhưng giá sắn lát xuất khẩu cũng tăng mạnh khoảng 50 USD/tấn so với đầu năm 2017, đạt mức 235 USD/tấn FOB Quy Nhơn.
Nguyên nhân giá sắn tươi tăng mạnh là do thị trường nhập khẩu tinh bột sắn tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Giá tinh bột sắn xuất khẩu từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2018
ĐVT: đ/kg
Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng
Dự báo sản lượng sắn niên vụ 2017-2018 của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đều giảm do thu hẹp diện tích gieo trồng. Diện tích trồng sắn tại Campuchia có thể giảm 20-30%. Do vậy, giá sắn nguyên liệu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu thị trường rất lớn, đặc biệt khi các nhà máy chế biến nguyên liệu sinh học Ethanol đang đẩy mạnh thu mua sắn nguyên liệu.
Nhu cầu mua sắn lát của Trung Quốc vẫn có xu hướng tăng. Giá cồn tại Trung Quốc đang cao, nên giá mua sắn lát được đẩy lên; trong khi lượng tồn kho của Việt Nam và Thái Lan không nhiều, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn chào hàng với giá cao trong thời gian tới. Thêm vào đó, nhiều tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc bắt buộc phải sử dụng xăng E10 thay thế xăng thông thường kể từ đầu năm 2018, đẩy giá Ethanol từ ngô, sắn và mật rỉ tăng. Hiệp hội Sắn Việt Nam dự báo, giá sắn lát sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh sản lượng sắn lát vụ 2017-2018 có thể giảm tới 50% so với vụ 2016-2017.
Dự báo giá tinh bột sắn trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sẽ tăng đáng kể.
Năm 2017 xuất khẩu sắn lọt vào nhóm hàng tỷ USD
Năm 2017 xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của nước ta đã lọt vào danh sách nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, với mức tăng trưởng 5,5% về lượng và tăng 3% về kim ngạch so với năm 2016, đạt 3,9 triệu tấn, thu về 1,03 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu sắn năm 2017 lại sụt giảm nhẹ 2,4% so với năm 2016, đạt 263,9 USD/tấn. Điểm đáng chú ý là giá xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều sụt giảm nhẹ so với năm 2016.
Trung Quốc – thị trường tiêu thụ tới trên 89% lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam, giá xuất cũng bị giảm nhẹ 1,9%, đạt 261,5 USD/tấn, đạt 3,48 triệu tấn, tương đương 911,07 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 6,8% về kim ngạch so với năm 2016.
Ngoài thị trường chủ đạo Trung Quốc, thì sắn và sản phẩm sắn còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc 91.065 tấn, giảm 5,4%; Malaysia 50.534 tấn, tăng 20,2%; Nhật Bản 82.310 tấn, tăng 0,4%; Phlippines 47.963 tấn, tăng 15,7%; Đài Loan 35.266 tấn, giảm 3,9%.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang thị trường Đài Loan tuy số lượng ít nhưng đạt được mức giá cao nhất so với các thị trường khác, đạt 337,1 USD/tấn, nhưng vẫn giảm 6,7% so với năm 2016. Bên cạnh đó, xuất sang Malaysia cũng đạt mức tương đối cao 329,1 USD/tấn, giảm 3,5%, sang Philippines 319,4 USD/tấn, giảm 10,5%.
Ngược lại, xuất khẩu sắn sang Nhật ở mức giá thấp nhất thị trường, chỉ đạt 190 USD/tấn, giảm 0,4%, giá xuất sang Hàn Quốc cũng khá thấp 234,8 USD/tấn, giảm 5,4%.