Giá sắt thép tăng cao nguy cơ làm tắc dòng vốn đầu tư
Theo Tổng cục thống kê, giá sắt thép tăng cao là do sự kết hợp của 3 yếu tố gồm giá nguyên liệu đầu vào tăng, Trung Quốc siết nguồn cung và nhu cầu trong nước phục hồi.
- 18-05-2021Nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc tăng tới 70%, trong khi từ các thị trường khác đều giảm mạnh
- 17-05-2021Xuất khẩu sắt thép tăng đột biến
- 08-09-2020Việt Nam chi 5,6 tỷ USD nhập khẩu 9,73 triệu tấn sắt thép trong 8 tháng đầu năm
3 nguyên nhân khiến giá sắt thép tăng cao
Theo nhận định từ Tổng cục Thống kê có 3 nguyên nhân khiến nhóm sản phẩm sắt, thép tăng giá cao trong thời gian qua.
Thứ nhất, do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng. Tính đến ngày 6/4/2021, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020 đã tác động làm tăng giá sắt, thép trong nước.
Cụ thể, ở miền bắc, giá sắt, thép tháng 4/2021 dao động từ 14,2-15,4 triệu đồng/tấn, tăng 3,3% so với tháng 3/2021, tăng 29% so với tháng 10/2020 và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại miền Nam, giá sắt, thép tháng 4/2021 dao động từ 15,5-16,4 triệu đồng/tấn, tăng 4,9% so với tháng 3/2021, tăng 24,6% so với tháng 10/2020 và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, do nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt.
Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), theo đó nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu.
Ngoài ra, tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.
Thứ ba, do nguồn cầu trong nước tăng cao xuất phát từ việc dịch Covid-19 được kiểm soát khá tốt giúp sản xuất phục hồi và hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình…
Những yếu tố này tác động giá sắt, thép trong nước tăng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nguy cơ làm tắc dòng vốn đầu tư
Theo tính toán từ các chuyên gia trong ngành xây dựng thì tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12% - 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%... Như vậy, tới thời điểm hiện tại giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4% đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ "vỡ trận", ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù.
Giá sắt thép tăng cao dẫn tới nguy cơ tắc các dòng vốn đầu tư
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng khi giá VLXD, đặc biệt là giá thép tăng cao thì đối với nhà thầu thi công các hợp đồng đã ký theo "Đơn giá cố định" hoặc "Trọn gói" không được điều chỉnh vốn, giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho chính nhà thầu.
Đối với các hợp đồng ký theo hình thức "Đơn giá điều chỉnh", trong bối cảnh này, nhà thầu được điều chỉnh giá, tuy nhiên do giá tăng đột biến, liên tục dẫn đến chủ đầu tư phải xem xét, cân nhắc về nguồn vốn và hiệu quả dự án để quyết định tiếp tục đầu tư hay tạm dừng chờ đến khi giá vật tư, vật liệu ổn định.
Bên cạnh đó, ông Lâm cũng cho rằng nếu giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao, có loại tăng đột biến, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây ngừng trệ sản xuất và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Do đó, theo ông Lâm nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra bởi vốn đầu tư công hiện có vai trò quan trọng trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 khi cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Trước diễn biến giá thép tăng 40-50% so với cuối năm ngoái khiến không ít doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, đầu tháng 5/2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Sau chỉ đạo trên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc ổn định giá thép nói riêng cũng như bài toán cho giá nguyên nhiên liệu nói chung cần thông qua một chiến lược tổng thể, bài bản từ khuyến khích sản xuất trong nước, chủ động nguồn cung đến việc thành lập các sàn giao dịch hàng hóa.
Trước mắt, việc giá sắt thép tăng cao dù ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp xây dựng nhưng chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan, do đó các chính sách của nhà nước cũng chỉ dừng ở mức điều tiết, định hướng.
Diễn đàn doanh nghiệp