Giá sữa khó giảm mạnh
Phân khúc sữa cao cấp nhập khẩu có điều kiện giảm trước.
- 17-01-2018Clip: Công ty trà sữa ở Hà Nội bị phát hiện và thu giữ số lượng lớn nguyên liệu không rõ nguồn gốc
- 16-01-2018Phát hiện hàng loạt nguyên liệu không nguồn gốc pha chế trà sữa
- 12-01-2018Kiểm soát chặt các lô sữa của Pháp quá cảnh bị nhiễm khuẩn Salmonella Agona
Bộ Tài chính đã công bố các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm trong năm 2018 theo cam kết trong khuôn khổ 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Theo đó, từ năm 2018 có thêm hàng ngàn dòng thuế từ Liên minh Kinh tế Á - Âu, ASEAN được điều chỉnh về 0%, trong đó có nhóm hàng sữa và sản phẩm từ sữa.
Giá sữa được dự báo ít biến động dù thuế nhập khẩu sữa từ một số thị trường đã hạ còn 0% Ảnh: Tấn Thạnh
Hiện tại, trong số các nước Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu mạnh, có nhiều thị trường Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lớn, như Trung Quốc, 10 nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nga...
Trên lý thuyết, theo lộ trình cắt giảm thuế này, sữa trong nước sẽ phải đối mặt và cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Nga và các nước ASEAN. Khi thuế về 0%, người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua sữa giá rẻ hơn nhưng thực tế giá thành, giá bán có giảm hay không thì còn phụ thuộc vào chi phí, quy mô kinh doanh, sản xuất của từng doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, các DN sản xuất kinh doanh sữa tỏ ra khá thờ ơ với thông tin giảm thuế nhập khẩu với sữa và các sản phẩm từ sữa. Một số DN thậm chí còn nói không biết có quy định này. Theo các DN, nếu thuế nhập khẩu giảm về 0% thì chỉ những đơn vị nhập sữa và sản phẩm từ sữa có lợi, DN sản xuất trong nước chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn.
Lãnh đạo một hãng sữa cho biết có nghe thông tin về thuế suất nhập khẩu sữa giảm xuống 0% từ đầu năm 2018 nhưng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc triển khai. Tuy nhiên, vị này cho rằng khó có khả năng giá sữa trên thị trường giảm nhờ thuế. Nguyên nhân là do thuế nhập khẩu sữa vốn thấp, chỉ khoảng 5%-7%, nay còn 0% thì không đáng kể. Hơn nữa, trong cơ cấu giá thành sữa thành phẩm cuối cùng, giá nguyên liệu chiếm tỉ lệ nhỏ.
Đại diện một DN sữa lớn tại TP HCM cho rằng cần phải xem thực tế việc giảm thuế áp dụng đối với mã sản phẩm nào (nguyên liệu hay thành phẩm, sữa nguyên kem hay tách kem, hoàn nguyên hay không hoàn nguyên...) mới có thể đánh giá chính xác mức tác động đến thị trường cũng như khả năng điều chỉnh giá trong thời gian tới. Cũng theo vị đại diện này, khả năng Bộ Tài chính giảm thuế theo lộ trình nhưng vẫn có định hướng để bảo hộ sản xuất trong nước nên thuế nhập khẩu về 0% cũng không tác động nhiều đến cạnh tranh thị trường. "Thị trường sữa có dấu hiệu hồi phục nhẹ vẫn đang tăng trưởng âm, Bộ Công Thương mặc dù bỏ trần giá sữa nhưng vẫn đang kiểm soát giá sữa rất tốt nên sẽ khó có biến động giá" - đại diện DN này chia sẻ.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, đánh giá việc thuế suất nhập khẩu sữa giảm thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu giảm sẽ khiến DN sản xuất trong nước gặp khó khăn do nguyên liệu sữa nội đã chiếm khoảng 40%. Theo ông Trung, nhập khẩu sữa chủ yếu là sữa bột công thức dành cho trẻ em ở phân khúc cao cấp và sữa nguyên liệu. Do vậy, phân khúc sữa cao cấp nhập khẩu có điều kiện giảm trước nhưng mức giảm cũng không đáng kể.
Giá bán lẻ ít biến động
Ghi nhận trên thị trường bán lẻ các loại sữa cũng không có sự biến động hay thay đổi nào từ cuối năm 2017 đến nay. Ông Nguyễn Văn Tài, chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM), cho biết từ năm 2017 đến nay giá sữa luôn ổn định (không tăng, không giảm) thay vì thường tăng giá sau Tết như những năm trước. Tuy các hãng sữa không giảm giá gốc nhưng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Gần đây, các hãng sữa đều ghi hình thức khuyến mãi trên bao bì (ví dụ mua 2 lốc tặng 1 hộp) nên các đại lý không thể "ém" quà tặng như trước mà người tiêu dùng hưởng trọn.
Người lao động