Gia tăng thêm nguồn vốn rẻ
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Ngân hàng Việt Nam thời gian qua có nhiều nhà băng ghi nhận tỷ lệ CASA cao, song tỷ lệ này ở nhiều ngân hàng vẫn còn rất khiêm tốn, thậm chí khá thấp, chỉ ở vài % nên việc các ngân hàng “chạy đua” để tăng nguồn vốn này là điều hiển nhiên.
- 18-04-2021Các ngân hàng có thêm hơn 167.000 tỷ đồng vốn rẻ
- 17-11-2020Tỷ lệ vốn rẻ CASA giảm tại nhiều nhà băng
- 13-11-2020Ngân hàng huy động thời vốn rẻ
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Thời gian gần đây, các ngân hàng rất quan tâm thu hút nâng cao tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi của khách hàng (CASA). Vì sao các nhà băng lại làm như vậy? Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ CASA cao đóng vai trò quan trọng vì nó tạo ra nguồn vốn giá rẻ. CASA càng cao đồng thời sẽ phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, bởi nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng. Có được nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào cũng sẽ giúp cho các ngân hàng giảm được chi phí vốn để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Trên thực tế, ngân hàng Việt Nam thời gian qua có nhiều nhà băng ghi nhận tỷ lệ CASA cao, song tỷ lệ này ở nhiều ngân hàng vẫn còn rất khiêm tốn, thậm chí khá thấp, chỉ ở vài % nên việc các ngân hàng "chạy đua" để tăng nguồn vốn này là điều hiển nhiên.
Số liệu của NHNN cho thấy, cuối quý IV/2020, hệ thống có 100,416 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, với số dư lên tới 666.782 tỷ đồng - tăng thêm hơn 11,9 triệu tài khoản và tăng thêm hơn 167.000 tỷ đồng số dư so với cuối năm 2019. Theo NHNN, tài khoản thanh toán của cá nhân ở dữ liệu thống kê này bao gồm các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng. Điều đó có nghĩa là chỉ tính riêng nhóm khách hàng cá nhân thì các ngân hàng Việt Nam đang có quy mô nguồn vốn giá rẻ, tiền gửi không kỳ hạn với quy mô lớn… giúp gia tăng tỷ lệ CASA năm 2020 của nhiều ngân hàng. Như Techcombank năm 2020 bứt tốc trong toàn hệ thống với CASA đạt mức 46,1%, MB vượt mốc 39%, Vietcombank đứng thứ ba với khoảng 30%. BIDV cũng coi việc gia tăng tỷ lệ CASA là mục tiêu dài hạn, năm nay nhà băng này cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 16%; VIB cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 20% trong vòng 1-1,5 năm tới…
Với những NHTM Nhà nước hay những NHTMCP có quy mô lớn, ở top đầu thì thường có tỷ lệ CASA cao hơn so với các nhà băng khác vì với những ngân hàng có "tầm", có uy tín sẽ luôn là lựa chọn ưu tiên của các khách hàng, nhất là khách hàng lớn.
Vậy theo ông, việc tập trung chuyển đổi số có giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc tăng tỷ lệ CASA?
Điều khiến cho nhiều khách hàng gửi CASA xuất phát từ quan hệ lâu năm của khách hàng với các ngân hàng, như quan hệ tín dụng, hay thói quen khi sử dụng dịch vụ… Tôi cho rằng khách hàng sử dụng ngân hàng số có tăng lên, nhưng nếu so với kỳ vọng thì vẫn chưa phải là quá lớn. Song ở mặt khác, cũng không phải không có lý khi xem việc đầu tư chuyển đổi số sẽ là lợi thế giúp các ngân hàng này tăng tỷ lệ CASA lên. Nhìn rộng ra, những ngân hàng tích cực chuyển đổi số thì trong tương lai những lợi ích từ công cuộc số hoá sẽ mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Ngân hàng càng tích cực "sinh" ra nhiều sản phẩm, dịch vụ qua các kênh số, nâng cao trải nghiệm người dùng, giúp khách hàng giao dịch vừa nhanh, vừa tiện lợi hơn, giá rẻ hơn, bảo mật tốt… thì tất nhiên khách hàng sẽ tìm tới ngân hàng nhiều hơn, lựa chọn là ngân hàng chính để tiền giao dịch thường xuyên hơn.
Ảnh minh họa
Bên cạnh gia tăng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số, các ngân hàng cần chú ý tới điều gì để tiếp tục nâng cao tỷ lệ CASA của mình, thưa ông?
Một NHTM muốn CASA tăng trưởng tốt phải đáp ứng cũng như hội nhiều yếu tố, điển hình như mạng lưới rộng khắp; số lượng ATM bao phủ; quy trình giao dịch nhanh và chuyên nghiệp; các kênh giao dịch ngân hàng điện tử ngày càng thân thiện, tiện lợi, tiết kiệm thời gian giao dịch; kết nối với nhiều đối tác thanh toán thu chi hộ (điện, nước, điện thoại...). Như tôi đã trao đổi ở trên, ngân hàng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ về thanh toán, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng số… trên các kênh ngân hàng điện tử, hệ thống ngân hàng lõi được nâng cấp thường xuyên đều là những yếu tố để có thể thu hút mạnh CASA khi gia tăng lợi thế thị trường thẻ và thanh toán. Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn còn lệ thuộc chủ yếu vào bán buôn, cần quan tâm có sự đầu tư xứng đáng đối với mảng bán lẻ hơn để thu hút khách hàng.
Hiện nay, thị trường cũng đang chứng kiến nhiều nhà băng thi nhau áp dụng chính sách 0 đồng với một số phí giao dịch trực tuyến, thậm chí có một số ngân hàng có chiến dịch miễn phí kho số tài khoản đẹp để thu hút khách hàng mở mới tài khoản. Thuận tiện hơn, nhanh hơn, lại được miễn phí đều là những tiêu chí mà phần đông khách hàng khi giao dịch với ngân hàng mong muốn. Rất nhiều ngân hàng đều đã triển khai theo hướng này và kết quả cho thấy là vô cùng khả quan. Chính sách khuyến khích phí cũng như đẩy mạnh ngân hàng số tất nhiên sẽ làm tăng chi phí hoạt động cũng như chi phí thanh toán của ngân hàng. Nên để có thể duy trì được tỷ lệ CASA tốt, ngân hàng cần có chiến lược đầu tư cũng như cạnh tranh phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng