MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo có bất khả thi vì "mây che, lặng gió là sụt"?

Sau khi kể câu chuyện về việc người Đức phải trả tiền để bán điện thừa mùa Covid-19 tại "Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020", ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Wartsila cho biết, độ linh hoạt của hệ thống điện là rất quan trọng nếu như năng lượng tái tạo chiếm phần lớn trong hệ thống điện.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Giám đốc quốc gia Việt Nam của Wartsila chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020, công ty ông đã thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của Covid-19 lên hệ thống điện.

Kết quả chỉ ra, vào ngày 21/4, ở Đức - nơi có rất nhiều nhà máy năng lượng tái tạo, các nhà máy chạy nền không thể dừng ngay lập tức khi nhu cầu sụt giảm. Nên người Đức đã phải trả 80 EUR/ 1kWh để xuất khẩu điện thừa sang các nhà máy xung quanh.

Nghiên cứu được thực hiện ở Anh cũng cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 4- tháng 6, các nhà máy điện than phải đóng cửa vì giá điện thị trường giảm tới 50%. Các nhà máy chạy nền như than, điện hạt nhân đều đã phải dừng toàn bộ hoặc dừng một số tổ máy.

Với hai ví dụ này, ông Thành cho rằng, độ linh hoạt của hệ thống điện là rất quan trọng nếu như năng lượng tái tạo chiếm phần lớn trong hệ thống điện. Nguồn năng lượng này tuy có rất nhiều ưu thế và Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng lại chưa ổn định, ví dụ chỉ cần mây che là năng lượng mặt trời sẽ sụt giảm.

Theo ông Thành, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng nhanh nhất thế giới, và sự tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo. Do đó, Việt Nam cần bổ sung thêm công suất phát điện để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tận dụng chi phí thấp hơn cho các công nghệ năng lượng tái tạo với sự gia tăng cực kỳ nhanh chóng trong tỷ lệ sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã vượt xa kế hoạch ban đầu.

"Trước đây, ở thị trường Việt Nam chưa có đầu tư lớn cho năng lượng tái tạo, nhưng với sự thúc đẩy của Chính phủ, thì hai năm trở lại đây, năng lượng tái tạo phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chúng tôi nhận định đây là thời cơ rất tốt để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam" - ông Thành chia sẻ.

Song, các nguồn phát điện đang bị chi phối bởi công suất nhiệt truyền thống (than và tuabin khí chu trình hỗn hợp), trong khi tiềm năng cho các nhà máy thủy điện lớn đã đạt đến giới hạn. Rõ ràng là hệ thống điện hiện tại đang gặp khó khăn để tích hợp tất cả các nhà máy năng lượng tái tạo này vào lưới điện.

Gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo có bất khả thi vì mây che, lặng gió là sụt? - Ảnh 1.

Ông Thành chia sẻ: "Trong tương lai, tất cả các quốc gia trên thế giới, dù giàu dù nghèo cũng sẽ hướng tới việc thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Nhưng trong điều kiện nguồn năng lượng tái tạo chưa có khả năng để thay thế hoàn toàn năng lượng hóa thạch thì giải pháp năng lượng linh hoạt sẽ là một cách để đảm bảo hệ thống điện luôn hoạt động ở trạng thái tốt nhất, đảm bảo năng lực sản xuất của nhà máy".

Kế hoạch tổng thể Quy hoạch Điện 8 (PDP8) đang được phát triển và điều rất quan trọng là hệ thống năng lượng trong tương lai sẽ giải quyết thách thức về đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngắn hạn. Theo ông Thành, nếu không xem xét bổ sung công suất linh hoạt vào hệ thống, các nhà máy điện mặt trời và gió sẽ tiếp tục hoạt động dưới mức hiệu suất tối ưu và việc chuyển đổi năng lượng sang hệ thống năng lượng tái tạo cao ở Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn mức cần thiết.

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên